Dân Việt

Tăng tốc “con tàu” nông thôn mới

Công Xuân (thực hiện) 18/02/2015 09:00 GMT+7
Với 12/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM), Mộ Đức là địa phương nổi trội của tỉnh Quảng Ngãi trong hành trình đưa “con tàu” NTM về đích. Ông Phạm Thanh Tùng- Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức  nhìn nhận: Những gì đạt được trong hơn 3 năm triển khai xây dựng NTM là cả một quá trình cố gắng của các cấp.

Khi triển khai NTM, yếu tố nào được Mộ Đức chú trọng nhất?

img

Ông Phạm Thanh Tùng- Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức.

- Xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, để hoàn thành được nó là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự thống nhất và gắn kết của cả hệ thống chính trị. Vì vậy ngay từ những ngày đầu, cùng với rà soát lại tình hình cụ thể ở từng xã để có sự định hướng cụ thể, lãnh đạo Mộ Đức phân công nhiệm vụ cho từng thành viên lãnh đạo huyện theo dõi các địa phương, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương thực hiện. Từng giai đoạn lại có sơ kết và đánh giá cụ thể để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp... Nhờ vậy mà nhiều tiêu chí đã được hoàn thành sớm, đúng như kế hoạch đã đề ra.

 

Khi triển khai xây dựng NTM, Mộ Đức đã có những mô hình sản xuất nào hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho nông dân, thưa ông?

img
Một tuyến đường giao thông nội vùng ở Mộ Đức. công xuân
- Chúng tôi xác định xây dựng NTM cốt lõi là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, vì vậy trong quá trình triển khai, lãnh đạo các cấp ngành Mộ Đức luôn dành sự quan tâm chỉ đạo đối với tiêu chí này. Hàng loạt mô hình sản xuất mới, có hiệu quả kinh tế cao đã được đầu tư và nhân rộng.

 

Riêng trong năm 2014 từ nhiều nguồn vốn khác nhau, Mộ Đức đã xây dựng hoàn thành nhiều cánh đồng mẫu lớn cho cây lúa ở các xã: Đức Nhuận, Đức Chánh, Đức Lân, Đức Tân... với diện tích 15-60ha/cánh đồng, năng suất đạt từ 68-75 tạ/ha/vụ; cao hơn trước 4-10 tạ/ha/vụ. Cùng với lúa, việc chuyển đổi số diện tích thiếu nước tưới, ít hiệu quả cũng được triển khai để tăng thu nhập cho người dân, như mô hình lúa đông xuân-đậu nành (hoặc mè, đậu xanh) hè thu, tại các HTX: Thạch Trụ, Tú Sơn, Đức Chánh... với diện tích thực hiện 10ha/điểm. Còn vật nuôi thì có mô hình nuôi lươn không bùn; nuôi heo trên đệm lót sinh học; bò lai Ze bu... lợi nhuận từ 20-30 triệu đồng/hộ.

Hiện nay, Quảng Ngãi đã có một xã đạt 19 tiêu chí NTM (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn) với Mộ Đức thì sao?

- Để Mộ Đức hoàn thành xây dựng NTM vẫn là chặng đường dài nhiều khó khăn bộn bề. Mục tiêu trước mắt là đến năm 2016 có xã đầu tiên trong huyện chạm đích. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác vận động tuyên truyền tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân và các cấp ngành địa phương. Tranh thủ tận dụng các nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa để xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng trọng điểm. Đẩy mạnh chuyển dịch, cải tạo diện tích-loại cây trồng và vật nuôi hiệu quả thấp, đưa những mô hình mới vào thực hiện, tiếp tục dồn điền, đổi thửa tạo nên cánh đồng mẫu lớn. Mở rộng đa dạng hóa các ngành sản xuất kinh doanh, phát triển các nghề thủ công truyền thống... để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập bền vững cho người dân.

Tuy nhiên để làm được điều này, cái khó đầu tiên là kinh phí. Tính đến thời điểm này, số tiền nợ của huyện để làm các công trình dân sinh đã lên con số 25 tỉ đồng. Vì vậy huyện rất mong nhận được sự hỗ trợ đầu tư nhiều hơn nữa từ các cấp ngành của tỉnh và trung ương.

Xin cảm ơn ông!

 Nhìn chung sau hơn 3 năm thực hiện xây dựng NTM, bộ mặt ở các vùng miền của huyện đã có sự chuyển biến, thay đổi đi lên rõ rệt. Qua đánh giá có nhiều xã tăng lên 7-10 tiêu chí so với lúc ban đầu, như xã Đức Tân tăng 8 tiêu chí (đạt 16/19); Đức Nhuận tăng 9 tiêu chí (đạt 15/19); Đức Thạnh tăng 7 tiêu chí (đạt 15/19)...