Dù đã bước vào tuổi 86 nhưng khi nhắc lại thời trai trẻ, Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam - đầy hào hứng khi tự hào kể lại những trách nhiệm lớn lao mà ông được giao phó để góp phần làm nên Ngày Độc lập 2.9 cách đây 67 năm.
Giác ngộ trong tù
Trước Cách mạng Tháng Tám, Phạm Hồng Cư là học sinh Trường Bưởi (Hà Nội). Đó là những năm 1940 - 1945. Khi ông bắt đầu đi học thì xảy ra sự kiện Nhật vào Đông Dương và Pháp đầu hàng. Năm 1941, Mặt trận Việt Minh được thành lập ở Pác Bó.
Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam |
Phong trào yêu nước của học sinh càng ngày càng phát triển với những hoạt động bí mật trong nhà trường và cả những hoạt động công khai. Trường Bưởi tổ chức một đoàn tên là đoàn Rồng, cái tên nhắc lại lịch sử "con Rồng cháu Tiên", hoạt động chủ yếu là đưa học sinh đi tham quan những địa danh lịch sử.
Họ đến Bạch Đằng Giang và đứng đó hát bài Bạch Đằng Giang (Lưu Hữu Phước), vào Lam Kinh và đọc lại Bình Ngô Đại cáo. Người thầy dẫn dắt đoàn Rồng đi là GS Ngụy Như Kon Tum - một nhà yêu nước, một nhà trí thức lớn. Những chuyến đi đó làm cho các học sinh sôi sục lòng yêu nước, chuẩn bị sẵn sàng để bước vào những cuộc đấu tranh.
Còn một hình thức nữa yên lặng hơn là truyền tay nhau những tờ báo bí mật của Việt Minh như Hồn Nước, Việt Nam Độc Lập… Chúng tôi hiểu rằng đã có một tổ chức là Mặt trận Việt Minh được thành lập, kêu gọi toàn dân chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành độc lập khi thời cơ đến. Tôi đã trưởng thành lên từ chính những hoạt động của phong trào yêu nước trong học sinh Trường Bưởi" - ông Cư nhớ lại.
Khi ông Phạm Hồng Cư học tú tài, Mỹ ném bom Hà Nội, Trường Bưởi phải di chuyển vào Thanh Hóa. Thanh Hóa là quê hương của Tướng Cư, vì thế ông không ở nội trú nữa mà về nhà ở.
Ông nhớ lại: "Có một hôm, chúng tôi đang học thì mật thám Pháp đưa xe đến bịt cổng trường và bắt một loạt học sinh mà chúng nghi ngờ liên quan đến Việt Minh. Tôi cũng bị bắt và bị tống vào nhà giam. Sự kiện ấy xảy ra sau khi trường khai giảng được một tháng. Người bị giam trong cùng xà lim với tôi là ông Hồ Trúc, thầy giáo một trường tư thục ở Thanh Hóa.
Trong nhà giam, ông Hồ Trúc đã giác ngộ cho tôi thế nào là chủ nghĩa cộng sản. Vì thế, với tôi lúc đó, nhà tù cũng chính là trường học. Tôi tiếp nhận tất cả những điều ông Hồ Trúc truyền đạt một cách tự giác. Tôi hiểu rằng để có thể thoát khỏi cảnh nô lệ, ngục tù thì chỉ có một cách là đi theo con đường cách mạng Bác Hồ đã vạch ra. Sau này, năm 1947, chính anh Hồ Trúc là người giới thiệu kết nạp tôi vào Đảng".
Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp, ông Cư và những bạn tù đã thuyết phục được cai ngục để phá ngục thoát ra ngoài. Sau đó, ông Cư bị ốm rất nặng vì trong nhà tù giặc Pháp chỉ cho ông ăn cơm nấu bằng loại gạo ngâm vôi nở to như hạt ngô. Ăn nhiều bữa như thế thì vôi tích lại trong ruột mà gây bệnh. Thế nhưng lúc đó quân Nhật đi lùng bắt những người tù trốn trại nên ông phải về tạm trú tại nhà bà ngoại ở Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Thời gian ấy, cụ Đặng Thai Mai cũng về dưỡng bệnh ở Sầm Sơn và tổ chức một lớp văn học cho những người sơ tán. Cụ là một nhà giáo và là tác giả cuốn sách "Văn học khái luận" (sau này được Giải thưởng Hồ Chí Minh). Một hôm ông Cư đến thăm cụ Mai, bảo đọc cuốn sách này hay quá nhưng không hiểu gì cả. GS Đặng Thai Mai đã dành nhiều thời gian giảng lại cho ông Cư về nội dung cuốn sách. Đó là lần nhập tâm đầu tiên của Tướng Cư về phương pháp luận Mác xít.
Những ký ức hào hùng
Với giọng tự hào, Tướng Cư kể lại: "Một hôm, có một công văn của Trung ương gửi vào chỗ cụ Mai. Cụ đọc rồi hỏi tôi có đủ sức khỏe đi vào Nghệ An không. Tôi nhận lời. Sau này tôi mới biết đó là văn bản Đề cương Văn hóa cứu quốc mà Tổng Bí thư Trường Chinh gửi để cụ Mai tham gia ý kiến.
Biểu tình cướp chính quyền ngày 19.8.1945 tại Phủ Khâm sai Bắc Kỳ. |
Đọc xong cụ lại chuyển cho cụ Hồ Tùng Mậu ở trong Nghệ An. Chuyến ấy tôi rủ một người bạn thân là ông Võ Chí Sơn - thầy giáo một trường tiểu học ở Thanh Hóa đi cùng. Chúng tôi vào đến nơi, đưa công văn cho cụ Hồ Tùng Mậu xong thì gặp đúng lúc huyện Quỳnh Lưu khởi nghĩa, nhân dân đốt đuốc rừng rực cả đêm để chuẩn bị sáng hôm sau đi giành chính quyền. Tôi với anh Sơn nhập cuộc ngay. Khi Nghệ An giành chính quyền xong thì được tin Hà Nội cũng giành chính quyền. Thế là tôi lên một cái ô tô tải lọc cọc ra Hà Nội”.
Ra đến thủ đô, ông Cư được đồng chí Nguyễn Anh Bảo trong Ban chỉ huy Đội tự vệ cứu quốc Hoàng Diệu (sau này là Chính ủy Bộ Tư lệnh Thông tin), giao cho làm Trung đội trưởng một đội quân do Thành ủy tổ chức, gọi là bộ đội địa phương. Ngày 25.8.1945, Thành ủy quyết định thành lập Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc, là đơn vị vũ trang tập trung của Thành ủy tại trụ sở 107 Trần Hưng Đạo.
Đội được giao nhiệm vụ canh gác bảo vệ các cơ quan của Đảng, của Trung ương, của Chính phủ, kể cả các nơi trọng yếu như Tòa soạn Báo Lao Động, Báo Cứu Quốc… và cùng với nhân dân tuyên truyền, vận động các chính sách của Đảng, Mặt trận.
Khó khăn nhất là việc chống lại bọn phản động đi theo quân Tưởng. Đội tự vệ phải ngăn chặn và giải tán không cho chúng biểu tình chống Chính phủ nhưng lại phải tránh xung đột để quân Tưởng không can thiệp. Lực lượng có súng phải dãn ra ngoài, trong nội thành chỉ còn tự vệ chiến đấu và tự vệ thành.
Có lần bọn phản động tổ chức một cuộc biểu tình rất lớn từ trụ sở của chúng tại Quán Thánh ra Bờ Hồ. Đội tự vệ phải huy động lực lượng đông hơn và xen vào đám biểu tình, nhằm những thằng đi cuối mà đánh. Đến sát Bờ Hồ, đội mới tổng công kích. Các cháu thiếu niên, nhi đồng cũng được huy động đánh trống đi ngang đường để cản trở. Đến khi không cản được nữa thì đồng chí chỉ huy hạ lệnh đánh thằng cầm cờ và mấy thằng đi đầu. Chúng bỏ chạy tán loạn.
Trung tướng Phạm Hồng Cư
Trong cuộc biểu tình tiếp theo, Đội tự vệ xung đột với bọn phản động ngay tại Bờ Hồ. Lần này, chúng đi theo nhiều cánh tập trung về Bờ Hồ và chăng khẩu hiệu "Đả đảo tổng tuyển cử". Các đội viên xông đến chất vấn và cãi nhau với chúng. Chúng ở trên tàu điện nhảy xuống rồi giơ súng bắn vào đồng chí Tiểu đội trưởng Lê Thành Quế.
Khi đó anh em đội viên không còn chịu nổi nữa nên ập đến đánh, đồng bào có mặt ai có vũ khí gì là xông vào quân phản động. Khi bọn Tàu Tưởng đến bắn chỉ thiên thì chỉ thấy người dân đứng bình thường và lên tiếng tố cáo bọn giết người. Có 2 đồng chí nữ tự vệ bế xốc đồng chí Kiên lên tố tội ác của bọn tay sai Quốc dân Đảng. Đồng chí Quế được đưa về Nhà thương Việt Đức thì hy sinh, lúc đó mới 20 tuổi”.
Từ những cuộc đấu tranh và cả sự hy sinh đó, ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa...
Nguyễn Thắng