Ngày 7.9.1951, cũng tại hội nghị có phái đoàn 51 quốc gia tham dự tổ chức ở San Francisco (Mỹ), Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại đã long trọng tuyên bố, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam: “Chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.
Quần đảo Hoàng Sa có tổng diện tích khoảng 16.000km2, nằm giữa 15045-17015 vĩ độ Bắc và 1110-1130 kinh độ Đông, với trên 30 đảo, đá, cồn, bãi, hòn lớn nhỏ và tập trung thành 2 nhóm đảo chính là nhóm Nguyệt Thiềm (Crescent Group) ở phía tây nam và nhóm An Vĩnh (Amphitrite Group) ở phía đông bắc.
Hội nghị Hiệp ước hòa bình San Francisco năm 1951. |
Trong đó, đảo Hoàng Sa (Pattle Island) là đảo lớn nhất trong nhóm Nguyệt Thiềm; và đảo Phú Lâm (Woody Island) là đảo lớn nhất nằm trong nhóm An Vĩnh. Hiện nay, quần đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc TP.Đà Nẵng.
Từ thế kỷ XV, Nhà nước Việt Nam đã tiến hành những hoạt động khai phá, xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Đầu thế kỷ XX, Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền của mình trên quần đảo này, đây cũng là thời điểm bắt đầu diễn ra cuộc tranh chấp căng thẳng, phức tạp giữa Trung Quốc và Việt Nam, kéo dài đến nay.
Cộng đồng quốc tế thừa nhận chủ quyền Việt Nam
Dưới thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân đại diện cho Việt Nam thực thi và bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. Ngày 14.10.1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho Chính phủ Bảo Đại quyền quản lý quần đảo này. Thủ hiến Trung phần Việt Nam lúc bấy giờ là Phan Văn Giáo đã chủ tọa việc chuyển giao quyền hành quản lý quần đảo Hoàng Sa. Thời điểm này diễn ra một sự kiện quan trọng, đó là hội nghị được tổ chức tại San Francisco, California (Mỹ) giữa lực lượng Đồng minh và Nhật Bản.
Hội nghị diễn ra từ ngày 5 đến 8.9.1951, có phái đoàn của 51 quốc gia tham dự để thảo luận về vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á - Thái Bình Dương và mở ra quan hệ với Nhật Bản thời hậu chiến. Trong hội nghị này, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc không được mời tham dự do giữa Mỹ và Liên Xô không thống nhất được ai là người đại diện chính thức cho quyền lợi của Trung Hoa. Vấn đề chính được đưa ra thảo luận là dự thảo Hiệp ước Hòa bình giữa các nước trong phe Đồng minh với Nhật Bản do Anh - Mỹ đưa ra ngày 12.7.1951 nhằm chính thức kết thúc Thế chiến hai ở châu Á - Thái Bình Dương.
Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại ký kết tại Hội nghị San Francisco năm 1951. |
Ngày 5.9.1951, Ngoại trưởng Gromyko của Nhật Bản đã đề nghị 13 khoản tu chính. Trong đó, có khoản tu chính liên quan đến việc Nhật Bản nhìn nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa dưới phía Nam. Khoản tu chính này đã bị Hội nghị bác bỏ với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận. Như vậy, cái gọi là danh nghĩa chủ quyền Trung Quốc đối với các quần đảo ngoài khơi Biển Đông đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ rõ ràng trong khuôn khổ của một hội nghị quốc tế.
Ngày 7.9.1951, cũng tại hội nghị có phái đoàn 51 quốc gia tham dự tổ chức ở San Francisco (Mỹ), Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại đã long trọng tuyên bố, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam: “Chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa” (dẫn theo “Các văn kiện chính thức xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời Pháp thuộc đến nay”.
Tập san Sử Địa số 29/1975, Sài Gòn, trang 286). Sau tuyên bố của phái đoàn Việt Nam, không có một đại biểu nào trong hội nghị bình luận gì. Ngày 16.3.1974, trả lời phỏng vấn Trung tâm Thông tin Việt Nam tại Paris, ông Trần Văn Hữu cho biết: “Với tánh cách chủ tịch phái đoàn đại diện cho toàn cõi Việt Nam, trong một bài diễn văn đọc ngày bế mạc hội nghị, tôi long trọng tuyên bố xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên cả quần đảo Hoàng Sa.
50 phái đoàn cường quốc yên lặng nghe lời tuyên bố của phái đoàn Việt Nam, tức là lời tuyên bố dưới lá cờ quốc gia, nét son nền vàng, đã được hoàn toàn công nhận, không gặp một quốc gia nào phản đối” (Việt Nam Cộng Hòa - Bộ Dân vận và Chiêu hồi. Hoàng Sa - Lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Tháng 3-1974, trang 52).
Kết thúc hội nghị là việc ký kết Hòa ước với Nhật ngày 8.9.1951. Trong hòa ước này, ở Điều 2, đoạn 7, ghi rõ: “Nhật Bản khước từ mọi chủ quyền và đòi hỏi đối với tất cả các lãnh thổ mà họ chiếm bằng vũ lực trong đệ nhị thế chiến, trong số đó có các đảo Trường Sa và Hoàng Sa” (Việt Nam Cộng Hòa - Bộ Dân vận và Chiêu hồi. Tlđd, trang 51).
Trung Quốc chiếm Hoàng Sa
Về phía Trung Quốc, khi thấy bị gạt ra khỏi hội nghị, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phản ứng bằng cách ra một số bản tuyên bố chính thức, đồng thời cho đăng các bài báo để lên án Mỹ về việc không mời Trung Quốc tham dự hội nghị để trình bày quan điểm của mình. Một trong những quan điểm này là chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông Trần Văn Hữu
Tuy tuyên bố Hoàng Sa lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc lại không đưa ra được một chi tiết nào để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo này.
Sau Hội nghị San Francisco, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn do lực lượng trú phòng của chính quyền Bảo Đại quản lý. Đến năm 1954, đất nước Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, 2 quần đảo này được đặt dưới sự quản lý hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Ngày 19.1.1974, Trung Quốc ngang nhiên cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiệp định Paris ngày 27.1.1973 mà họ đã cam kết tôn trọng, và chứng thư sau cùng ngày 2.3.1973 của hội nghị thế giới về Việt Nam mà Trung Quốc là một nước ký tên vào.
Vũ Hoài An