Chuyện người dân và tổ an ninh số 13, ấp Bà Bèo, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau bắt kẻ trộm tôm nộp heo 100 kg để người bị trộm cúng và đãi cả làng ăn, đồng thời bị “treo” phạt 200 triệu đồng từng gây xôn xao dư luận địa phương hồi cuối năm 2014. Việc xử phạt kẻ trộm theo lệ làng có phần quái lạ này hóa ra không phải chuyện hiếm mà đã âm thầm tồn tại ở nhiều làng quê tại Cà Mau và Bạc Liêu hàng chục năm nay.
Lánh mặt vì xấu hổ
Rạng sáng 12-12-2014, Tô Văn Khải (20 tuổi, ngụ ấp Bà Bèo) bị bắt quả tang đang đặt lú trộm trong vuông tôm của ông Đặng Văn Hiền (ngụ cùng ấp). Sau đó, Khải bị gia đình ông Hiền áp giải về nhà riêng của cha ông ở ấp Phấn Thạnh, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước - cách hiện trường 3 km. Tang vật là 8 chiếc lú của Khải, không có con tôm nào.
Chờ trời sáng, ông Hiền mời nhiều người sống lân cận đến chứng kiến vụ việc, tự lập biên bản rồi cho mẹ của Khải đến bảo lãnh con trai về nhà, hẹn vài hôm sau giải quyết.
Cuộc họp dân thống nhất các hình thức xử phạt tội trộm tôm đối với Tô Văn Khải ở Cà Mau
Đến ngày 17-12-2014, ông Hiền tổ chức họp dân tại nhà của cha mình là ông Đặng Văn Tại. Buổi họp có mẹ con Khải, tổ trưởng, tổ phó tổ an ninh số 13 và khoảng 15 người dân đến dự, chứng kiến. Ông Hiền đã đưa ra hình thức xử phạt đối với Khải là một con heo 100 kg và 40 triệu đồng. Phần con heo được xem là hình phạt chính, buộc nộp ngay để dân làm thịt cúng thần thánh. Phần 40 triệu đồng được xem như hình phạt bổ sung trên cơ sở mỗi công đất phạt 1 triệu đồng, vuông tôm của ông Hiền 40 công nên phạt 40 triệu đồng. Phần này được “treo” lại với điều kiện nếu Khải tái phạm thì sẽ bị thu gấp 5 lần, còn không tái phạm thì chưa thu.
Những người dự họp và 2 ông tổ trưởng, tổ phó tổ an ninh đều thống nhất hình thức xử phạt này, ghi thành biên bản và thực hiện. Mẹ con Khải cũng nhận lỗi và hứa sẽ thi hành các hình phạt.
Sáng 24-12-2014, bà Nguyễn Thị Oanh, mẹ của Khải, cùng vài người thân chở heo tới vuông tôm bị con trai đặt lú trộm để nộp. Con heo 115 kg nên được ông Hiền bỏ tiền ra bù lại cho bà Oanh 15 kg, rồi tiến hành làm thịt tại chỗ, thết đãi gần 30 người dân ở xung quanh.
Do ở sát nhà ông Hiền nên khi người ta làm heo cúng kiến và ăn tiệc, bà Oanh giả vờ ra sau nhà làm cỏ để lánh mặt vì xấu hổ. Con trai bà thì bỏ nhà đi đâu mất biệt cả ngày, đến tối mịt mới về. Khi mẹ con bà về thì thấy ở cửa nhà sau có một miếng thịt heo gần 5 kg nên lấy vào kho ăn. Nhiều người dân trong xóm cho biết bà Oanh là hộ nghèo. Để có tiền mua heo hơn 100 kg nộp phạt, bà phải đi vay của người em trai con riêng của mẹ kế.
Theo người dân ấp Bà Bèo, khoảng 6 năm trước, anh Cò ở ấp này bị bắt quả tang đặt lú trộm 2 lần và bị phạt 2 con heo 100 kg. “Thằng Cò tởn và bỏ đi Bình Dương làm ăn mấy năm qua” - một người cho biết.
Bên nào cũng vui!
Chuyện tương tự cũng từng xảy ra ở ấp Hoàng Minh A, xã An Trạch, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Ông N. bị bắt quả tang ăn trộm 20 con tôm sú của ông P. nên phải nộp phạt 5 triệu đồng cho chủ ao tôm và một con heo để đãi bà con lối xóm theo lệ làng.
Nhà nghèo, ông N. phải chạy vạy vay mượn để nộp phạt bởi đây là quy ước của ấp từ mấy năm trước, ai vi phạm cũng phải thực hiện. Trước khi nhập tiệc, ông N. đứng lên xin lỗi ông P. và bà con lối xóm về hành vi trộm cắp của mình, cam kết không bao giờ tái phạm nữa.
Bà con mỗi người góp một lời, tha thứ rồi... cùng nâng ly. Bữa tiệc rôm rả như ngày hội làng, người bị phạt, kẻ được phạt và bà con lối xóm hòa hợp trong tiếng cười, câu hát..., để rồi sau đó xóm làng coi như chưa từng có gì xảy ra.
Trước đó, ở ấp Hoàng Minh, xã An Phúc, huyện Đông Hải cũng xảy ra rất nhiều vụ trộm tôm và bị xử phạt rất nặng theo quy ước của ấp. Chẳng hạn, vụ ông V. bị bắt quả tang trộm 12 con tôm của ông T., anh S. trộm hơn 1 kg tôm của ông Đ., chị C. đặt lú trong vuông tôm của ông Ph., anh Ch. lấy trộm 2 cái lú và 14 con tôm của ông Ng... Những vụ này đều được xử theo quy ước, mỗi người vi phạm đều bị phạt 5 triệu đồng và đưa ra ấp cảm hóa, cam kết không tái phạm trước dân.
Giúp giảm trộm nhưng có nên khuyến khích?
Ông Phan Văn Lành - tổ trưởng tổ tự quản số 13, ấp Bà Bèo - giải thích: “Ăn trộm dưới 2 triệu đồng thì không bị khởi tố, chỉ bị phạt hành chính rồi cho về. Vì thế, nếu trường hợp nào dưới 2 triệu đồng thì bà con ở đây không đưa ra chính quyền mà tự xử với nhau theo lệ. Cái lệ trước giờ là phạt cúng heo 100 kg. Riêng trường hợp của Khải thì ông Hiền còn đưa ra mức phạt bổ sung”.
Còn bà Nguyễn Thị Oanh bày tỏ: “Tôi không phàn nàn gì hết, con mình quấy thì mình chịu. Thằng con tôi khi đó xấu hổ dữ lắm, không dám ra đường. Nó nói không bao giờ dám tái phạm”.
Theo người dân, sở dĩ phải ban hành quy ước này là do trước đây, mỗi lần bắt được người trộm tôm, cua, cá... đưa lên, xã chỉ phạt vi phạm hành chính, viết cam kết rồi cho về vì các vụ này thường có giá trị rất nhỏ. Khi trở về, kẻ trộm tiếp tục tái phạm. Từ khi có quy ước với mức xử phạt khá nặng, nạn trộm cắp ở đây giảm hẳn. Các tệ nạn khác như cờ bạc, số đề, đánh lộn... cũng giảm theo. Làng xã yên bình, tình làng nghĩa xóm càng thêm thắt chặt.
Trong khi đó, ông Lê Minh Chánh, Chủ tịch UBND xã Lương Thế Trân, khẳng định việc gia đình ông Đặng Văn Hiền và tổ an ninh số 13 tự đưa ra hình thức xử phạt người trộm tôm như vậy là sai trái. “Xã không chủ trương làm vậy. Người ta là hộ nghèo, buộc họ nộp con heo thì càng nghèo hơn, trong khi chính quyền đang tập trung lo cho người nghèo” - ông Chánh nhìn nhận.