Gặp gỡ “ông đồ” trẻ Nguyễn Tô Tâm An (sinh năm 1997, học sinh lớp 12, tiếng Pháp, chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) trong những ngày giáp Tết, bên những câu đối đỏ mới thấy hết được niềm yêu chữ, yêu thư pháp của thanh niên tròn 18 tuổi này. Không áo dài, khăn xếp, nhưng bên nghiên mực, bút lông, cách cầm bút nắn nót viết từng nét chữ “phượng múa rồng bay” trên tấm giấy đỏ của cậu mang đậm phong thái của một “ông đồ” yêu nghề.
Tuy vậy, ở “ông đồ” trẻ, người ta vẫn thấy được nét tinh nghịch, hồn nhiên của một cậu trai 18 tuổi, trái ngược với nét chữ tài hoa, điêu luyện, công phu cậu thể hiện trên trang giấy. Người ta thắc mắc không hiểu sao người trẻ như cậu lại thích và có thể học một bộ môn nghệ thuật được cho là “già” như vậy.
An bảo, thư pháp cũng là một bộ môn nghệ thuật mà đã là nghệ thuật thì nó có sức hút với mọi lứa tuổi. Mọi người cho rằng, thư pháp là “già” và dường như chỉ phù hợp với những người bậc “ông”, nhưng với An, thư pháp giúp tâm hồn cậu an nhiên và trẻ lại.
Cùng trò chuyện với Nguyễn Tô Tâm An để hiểu thêm về niềm đam mê này của cậu:
Vừa lọt top 4 cuộc thi sát hạch ông đồ, trở thành người trẻ nhất Việt Nam trong giới thư pháp, cảm xúc của bạn thế nào?
Mình rất vui và ngạc nhiên khi đạt được kết quả đó trong kì sát hạch. Nhưng được gọi là “người trẻ nhất” trong giới thư pháp thì mình không quá tự hào mà ngược lại thấy cần phải cố gắng nhiều hơn bởi, mình muốn được mọi người ghi nhận bởi khả năng nhiều hơn là tuổi tác.
Hơn nữa, cái “trẻ nhất” này theo mình cũng là nhất thời thôi. Bởi có thể lắm, một hoặc hai năm nữa sẽ có người trẻ hơn được ghi nhận tài năng. Hiện tại, có rất nhiều bạn trẻ đang theo học thư pháp và đôi khi tài năng của các bạn chưa được mọi người biết đến.
Mình hy vọng, sau danh hiệu “trẻ nhất” này mình sẽ có thể “già dặn” hơn về khả năng viết thư pháp.
Tâm An đến với thư pháp từ bao giờ? Có nhiều người thắc mắc tại sao bạn lại đam mê bộ môn nghệ thuật khá “già” này, trong khi bạn bè đồng lứa thường thích những bộ môn hiện đại như: hát, nhảy, thể thao… ? Lúc đó, bạn trả lời họ ra sao?
Mình học thư pháp với bố từ bé, hay được bố đèo lên chùa và các lớp học thư pháp. Lớn lên một chút, mình cũng được cầm bút, rồi được mọi người khuyến khích, tạo điều kiện cho tập viết chữ thoải mái.
Thế rồi, càng viết nhiều mình càng thích bộ môn nghệ thuật này, luôn mong muốn được viết đẹp, giỏi như mọi người. Từ sở thích nho nhỏ như vậy, mình nghiên cứu sâu thêm rồi đam mê thư pháp lúc nào không biết.
Cũng có nhiều người thắc mắc, như bạn chẳng hạn, nhưng mình chỉ cười. Mình chưa bao giờ nghĩ thư pháp là một bộ môn nghệ thuật “già”. Vì mọi người chưa tiếp xúc nhiều với thư pháp và bị “ấn tượng” quá sâu với “ông đồ già” trong thơ Vũ Đình Liên nên mới nghĩ thư pháp chỉ gắn với những người lớn tuổi.
Thư pháp cũng là một bộ môn nghệ thuật và nghệ thuật thì thu hút mọi lứa tuổi. Cũng có rất nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên đang theo học thư pháp chỉ là chưa được mọi người biết đến.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ thường thích các bộ môn hiện đại như hát, nhảy… cũng một phần bởi nó phổ biến. Thư pháp không được như vậy vì ít người biết đến hơn. Bản thân mình cũng thích nghe nhạc, nhảy nhót, hát hò, đặc biệt là nhạc rock nhưng bên cạnh đó, vẫn có thêm niềm đam mê thư pháp. Và sở thích đó cũng không khiến khiến mình “già” đi (cười).
Trong gia đình, ngoài Tâm An và cha ra còn có ai theo nghệ thuật thư pháp?
Nhà mình có truyền thống viết thư pháp từ xưa. Mình học thư pháp và Hán Nôm một phần cũng là để giữ gìn truyền thống gia đình.
Tại sao vượt qua vòng sát hạch, có “suất” vào Văn Miếu để viết chữ Hán nhưng Tâm An lại không ngồi lều riêng như những ông đồ khác mà lại ngồi chung với cha?
Mình còn đang đi học, cả ở trường và các lớp học thư pháp nên khá bận rộn. Mình chưa muốn ra ngoài khi vẫn đang là học sinh phổ thông. Hơn nữa, trước giờ ra Văn Miếu, mình vẫn đi cùng bố và các thầy để theo hầu mọi người và chơi Tết, du xuân là chính.
Theo Tâm An, tố chất quan trọng nhất của một “ông đồ” là gì? Trong cuộc thi vừa rồi, bạn được đánh giá cao ở điểm nào?
Theo mình, nên phân biệt rõ ràng giữa “ông đồ” và người viết thư pháp. Ông đồ ngày xưa là những người viết chữ và dạy chữ. Còn người thư pháp là người theo bộ môn nghệ thuật sử dụng bút lông. Chúng ta thường gọi vui tất cả là “ông đồ”, nhưng khác với một người viết chữ, dạy chữ, người viết thư pháp đòi hỏi nhiều kỹ năng, tố chất hơn, không chỉ về mặt chữ nghĩa mà còn về khả năng dùng bút, kỹ thuật, thẩm mỹ khi trình bày một tác phẩm thư pháp.
Với mình, tố chất quan trọng nhất của người viết thư pháp là thẩm mỹ. Giống như môn mỹ thuật, thư pháp đòi hỏi thẩm mỹ rất cao.
Mình vẫn còn nhiều nhược điểm cần khắc phục lắm nhưng theo đánh giá của thầy, điểm tốt nhất của mình là kĩ pháp viết. Chắc một phần là do mình dành khá nhiều thời gian luyện tập nét thư pháp.
Là một người trẻ học thư pháp, Tâm An có mong muốn đem lại “nét mới” cho thư pháp Việt Nam?
Mình muốn thay đổi cách nhìn của mọi người về thư pháp trước đã. Vì với nhiều người đây vẫn còn là môn nghệ thuật xa lạ, khá “già dặn” và chưa thực sự hiểu thế nào là một tác phẩm thư pháp.
Đang theo học lớp 12, tiếng Pháp chuyên ngoại ngữ, trường ĐHQG, Hà Nội, vậy Tâm An dành thời gian luyện thư pháp vào lúc nào?
Cuối tuần mình thường đi học ở lớp Nhân Mỹ học đường và chùa Tảo Sách. Ngoài ra mình còn học thêm một lớp thư pháp ở Hoàng Hoa Thám, nhưng nay đã ghép với lớp Nhân Mỹ học đường.
Tuy nhiên, năm nay, mình sẽ tạm gác lại việc học thư pháp để chuẩn bị ôn thi đại học.
Trong tương lai, Tâm An vẫn sẽ theo đuổi nghệ thuật thư pháp chứ?
Chắc chắn rồi.
Cảm ơn Tâm An và chúc bạn năm mới nhiều may mắn!