Dân Việt

Truyền thuyết đất

Nguyễn Ngọc Tư 20/02/2015 11:00 GMT+7
Người ta kể có hai cơn mưa trút xuống Lem khi nó bưng thúng đậu xanh trở lại nhà bà Cả. Và câu hỏi “từ bữa đi đâu mà giờ mới trồi đầu về đây?” làm nên cơn mưa thứ ba.

Nó ngồi ngẩn giữa nhà, tay ôm đầu gối nghe bụng đội ngược, nghe xóm giềng rủ nhau lại nhắc con Lem nào đó đã biến mất bảy tháng nay, từ buổi sáng bà Cả sai nó đi rẫy hái đậu.

- Hèn gì thấy đường lầy quá, Lem thở hắt ra, lúc đi đất khô rang mà.

Giờ thì nó biết tại sao cái cổng rào chính tay mình vừa mới quét vôi giờ tróc lở cũ nhèo, bông giấy lợp rợp. Hôm Lem đi cuối chạp, giờ sắp bước qua tháng tám. Mưa sòng kéo bầy thêu rêu lên xóm Nhơn Thành. Người phổng phao, bụng ưỡn cao làm vạt áo xếch ngược lên, Lem đi qua đi lại trước nhà bà Cả mấy lượt, ngờ ngờ. Cả cỏ trong sân cũng không giống cỏ lúc nó đi. Nhà củi không còn kê bộ vạc cau từng khoanh giấc ngủ nó từ hồi vào ở đợ. Bà Cả nói tưởng bây không về nữa nên chẻ vạc un muỗi cho trâu.

img

 Minh họa: Trịnh Tú
Nhưng chính nó cũng không trả lời được sao con Lem còi giờ biến thành con đàn bà chửa chang bang. Xóm làng phở lở không chỉ bởi cái chửa hoang, mà vì Lem không nhớ gì, cả kẻ dan díu với mình, sấp ngửa ra sao. Bảy tháng, thời gian đó như cái đìa nước phèn trong thấy đáy, không chút hình ảnh, dư vị nào. Đáy ao là nắng vàng trên rẫy đậu buổi cuối năm.

 

Cắm mặt tách vỏ mớ đậu xanh đã bị sâu mọt khoét, Lem dành cả ngày tìm mớ thời gian thất lạc biết đâu đang rúc sâu trong đó. Đôi lúc phải dừng tay vì đứa nhỏ đạp vách bụng, Lem mới sực nhớ trong người mình đang ủ một sinh linh. Người Nhơn Thành trông đợi một câu chuyện thật ly kỳ, gặp nhau cứ hau háu hỏi con Lem đã nhớ được gì chưa, “Biết đâu con nhỏ ướm chân lên dấu chân trâu đẻ ra trâu con thì sợ lắm”.

Ngày thứ ba sau khi trở về, Lem tuyệt vọng vì đậu đã bóc vỏ sạch trơn mà không mót chút ký ức nào, có anh giáo bên Đồng Gò lò dò tìm vợ. Anh nói đứa nhỏ trong bụng Lem là của anh.

- Nhớ không, tụi mình đã đặt tên con. Em nói chán cái đời lem luốc rồi, con cái mình phải Sáng, Ánh.

Con Lem nọ nửa đêm lạc vô nhà anh, miệng nhai sình nhỏn nhoẻn, bảo có bà già cho ăn bánh và đưa đến. Lội bộ xuyên qua cánh đồng đất khô trơ rạ, chân Lem rướm máu, môi nứt nẻ vì kiệt nước. Nghe tả bà già anh nghĩ ngay tới bà má vừa mới mất, tưởng má hiển linh đi kiếm vợ cho mình nên anh giữ Lem lại. Lần đầu ăn ở với nhau, Lem vừa ái à ái a với anh vừa ngó chừng thúng đậu. Anh không biết có gì quý giá trong đó, đến nỗi Lem giấu trên giàn bếp. Một bữa đi ăn giỗ xong anh trở về thì không thấy thúng đậu đâu nữa, Lem cũng biến mất đột ngột như khi tới.

Câu chuyện vừa khít với cuộc mất tích làm vừa lòng đám người hóng hớt ngoài cửa sổ nhà bà Cả. Lem cũng không trông gì hơn, nó của bảy tháng biệt tăm vẫn làm lụng nấu nướng như mọi đàn bà khác ở Nhơn Thành, không làm gì điên rồ, xấu hổ. Sự góp mặt của con ma già chẳng đến mức ly kỳ. Đất này ma sống lẫn với người, ai đó từng ăn tóc mà tưởng là ăn hủ tiếu, ai đó từng thấy dãi lưỡi từ đọt me thả dài xuống đất, ai đó từng nghe trong bụi tre tiếng con gái khóc nỉ non, có người từng bị ma chó nhập chổng mông sủa suốt đêm và quá nhiều trẻ nít tắm sông bị ma da kéo chân chết nước.

Sau này những người kể lại chuyện Lem thường dừng ngay chỗ đó, lấy cớ phải đi pha trà, cài cửa. Khoảng trống đủ cho đám nhỏ có thời gian thêu dệt hồi kết với cảnh vợ chồng anh giáo eo xèo quanh sáu đứa con. Để khi quay trở lại câu chuyện, họ buông một câu chưng hửng, “nhưng rốt cuộc có tới 5 ông nhận cô Lem làm vợ”.

Mâm cơm tiễn cô dâu về Đồng Gò chỉ ruồi làm khách. Người ta bận cãi nhau rốt cuộc đứa nhỏ trong bụng Lem là cốt nhục của ai. Cậu Tư con bà Cả nói lén đưa Lem đi vì biết má sẽ không để cậu cưới đứa con gái nghèo, lại mồ côi. Cậu định sau này gạo nấu thành cơm sẽ về chịu thiệt, “Tánh má đâu thể để máu thịt rơi rớt ngoài đường. Giờ cháu nội má đang ở đó, má còn tính gán nó cho ai ?”.

Lem của anh sơn đông bán thuốc Chà thì chạy tới với đầu tóc đầy mạng nhện. Dọc đường Lem phải chui vô bụi rậm để tránh người quen. “Dẫn tôi ra khỏi cái đất này đi, tôi không muốn ở đợ suốt đời”, Lem nói. Anh đưa nó đi lang bạt, những ngày đó hai người tính bỏ qua Nam Vang, bên đó đất rộng người thưa, dễ sống. Bữa ngủ trong cái chùa miệt Bảy Núi, nửa đêm anh sơn đông quờ tay nghe nền đất ấm nóng, nhưng người biến mất tựa bốc hơi.

Ngồi gá ở mép bộ ván giữa nhà bà Cả, tự dưng Lem muốn sinh đứa nhỏ ra ngay, chỉ để coi nó giống kẻ nào trong những người đàn ông lạ mặt chiều nay. Họ mang đến năm con Lem, và nó buộc phải chọn một. Bộ Thành mắt đỏ ngầu, cứ ôm hai vai Lem vục vặc, hy vọng ký ức sổ tung ra, nhớ không cô nói thương tôi từ hồi mười hai tuổi, thường kiếm cớ chạy lại đình Thủ để ngó lén tôi qua kẽ vách, chỉ cần tôi dẫn cô đi thì khổ mấy cũng cam. Hôm thấy cô ngồi khóc trong rẫy tôi không cầm lòng được, nên đưa cô ra thuê gác trọ ở chợ Thủ, ăn ở như vợ chồng. Đang mặn nồng sao cô không nói không rằng bỏ về đây ?

Người thứ 5 đi cùng hai gã đàn em mặt mũi sọc rằn, không thèm xưng tên, chỉ nói với Lem mỗi câu “hồi đầu tôi bắt cô đi, định hưởng xong thì bỏ, nhưng giờ tôi có tình, cộng thêm đứa nhỏ, cô phải về với tôi”.

Lem, tức bà cố, chết vào năm sáu mươi mốt tuổi, không để lại tấm ảnh nào. Có thể thời thế mịt mù, không hơi đâu bỏ nửa ngày chèo ghe ra chợ để ghi giữ hình hài. Ông cố có tấm hình chụp ngực bị đạn xé toạc, ngoẹo đầu trước cọc xử bắn được giữ ở viện bảo tàng, ít nhất cũng biết ông tóc râu đều rậm, mũi gãy trán dồ, người thấp nhỏ. Chỉ nhan sắc cố Lem phập phù theo hồi nhớ của những người già. Họ kể bà cố đẹp, nhất là khi mang bầu, người bà mọng như mật sắp tươm ra, nhỏ giọt. Chắc tê mê vị ngọt đó mà ông cố ái à ái a ái à ái a cho vợ đậu thai hoài. Phải ông cố không chạy theo người phía Rừng biết đâu bà còn đẻ tới chừng nào hết trứng mới thôi.

Cái buổi chiều kẹt giữa năm người đàn ông, nghẹn thở với những phiên bản xa lạ của mình, bà cố đã chọn chồng theo cách đơn giản nhất, bà hỏi nếu tôi ưng thì mấy anh sẽ cho gì.

“Cái gì họ có tôi có. Và thêm một vạt đồng”, ông một mắt nói sau khi để tình địch hứa hẹn sẽ cho cô Lem chữ nghĩa, đất đai vườn tược, nhà ngói ba gian. Hỏi đất ở đâu, ông mở rộng đôi cánh tay đầy sẹo vẽ ra một khoảng trời, mặt lạnh như đẽo bằng thép, bên con mắt hư nhăn rúm, “Cướp của chủ điền chớ đâu. Cho cô hết”.

Người ta tưởng bà cố phải lòng ông ngay khi biết ông là Bảy Diễn chuyên cướp của giàu chia cho nghèo, cháu của một gia đình tá điền máu chan đất đồng Nọc Nạng. Nhưng bà cố nói thẳng, bà ưng ông vì vạt đất đồng quà cưới, thứ một đứa trẻ đi ở mướn ráo riết thèm thuồng. “Không có đất thì mình không là cái gì hết”, lúc vớt bèo dưới cái gió bấc lạnh căm, lúc nửa đêm đi tìm trâu lạc, lúc nằm khoanh trong bộ vạc rách để khỏi ló cặp giò, lúc bị đòn vì làm đổ nồi canh, con nhỏ Lem đã nghĩ vậy. Đứa nhỏ đó có cả tuổi thơ trôi nổi trên chiếc ghe bấy bá đi cấy mướn gặt thuê, ngó lên bờ thắt ruột thèm muốn một khoảnh đất rộng chạy chơi, trồng cây ổi để leo trèo, thèm xóm giềng để tối tối sang nhà nhau xin lửa, thèm nhìn ổ gà con khẽ mỏ ra ràng, thèm đào trùn bắt dế. Con nhỏ từng sống sót sau trận dịch tả, tự tay vùi ba má mình ở bìa rừng, để lúc xin được một vuông đất chôn cất tử tế, thì thú rừng đã mang đi không còn một mẩu xương.

- Đi ! Cho tôi coi miếng đất của nhà mình !

Một cách dứt khoát, bà cố tay không te te bước theo người chồng mà cái thẹo, cọng râu cũng lạ. Bà chưa biết gì về ông nhưng không sao, ngày rộng tháng dài đằng trước. Mỗi khi uống rượu, ông cố hay phiền lòng cái câu được coi là đầu tiên riêng tư giữa hai người, mà cố Lem nói khi đi được một đỗi đường, “Nhà mình có sẵn trâu cày chớ ? Ờ mà rày đây mai đó, chắc là không rồi”. Mùa này đã lỡ, nhưng phải chuẩn bị vụ mùa sau. “Lẽ ra phải hỏi thăm tôi đói bụng không ?”, ông cố càm ràm trong lúc hì hụi gỡ nút thắt dải dây lưng quần bà, tối đó.

Cuộc xuất giá kỳ cục trở thành truyền thuyết đất Nhơn Thành, “hồi trước ở xứ mình có một bà 5 chồng”. Cố Lem phẩy tay cười, nói thiên hạ bảo cố có 10 chồng cũng không sao, họ vẫn phải đến mượn lúa trong bồ nhà cố để lay lắt qua giáp hạt, “không có đất mới là không có gì hết”.

Câu nói đó như sẹo rún nằm trên bụng của bất cứ đứa nhỏ nào trót sinh ra là con cháu cố, lem luốc lớn lên cùng với bùn sình. Không có đất thì mình không là gì hết.