Đây là loại dịch bệnh do virus gây ra, dễ lây lan diện rộng, hiện chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy người chăn nuôi cần có những biện pháp phòng chống, ngăn chặn không để dịch bệnh LMLM lây lan, bảo vệ an toàn cho đàn gia súc.
Bệnh LMLM gia súc là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan nhanh, mạnh, gây ra bởi 7 type virus: A, O, C, Asia1, SAT1, SAT2, SAT3 với hơn 60 phân týp. Ở Việt Nam bệnh xảy ra chủ yếu do virus type O. Virus dễ bị tiêu diệt bới ánh nắng mặt trời, nhiệt độ cao trên 700C trong vài phút, các chất sát trùng thông thường hoặc các chất có độ axít, độ kiểm mạnh đều có thể diệt được virus. Virus chủ yếu gây bệnh cho động vật móng guốc chẵn như trâu, bò, dê, cừu, lợn, hươu, nai, ...
Bệnh lây lan trực tiếp do động vật khỏe tiếp xúc trực tiếp với động vật mắc bệnh do nuôi nhốt trung; hoặc lây lan gián tiếp do động vật khoẻ tiếp xúc với sản phẩm động vật, thức ăn, nước uống, chất thải, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, quần áo, giày dép có mang mầm bệnh; bệnh lây lan qua đường hô hấp do virus phát tán trong không khí và được gió đưa xa tới 100km.
Triệu chứng bệnh:
Triệu chứng điển hình của bệnh LMLM là sốt; chảy nước dãi; hình thành mụn nước ở vùng miệng, vành móng, vú, chỗ da mỏng; con vật què, đi lại khó khăn: Thời gian ủ bệnh từ 3 - 7 ngày. Ngay từ ngày đầu con vật đã sốt cao 40 - 410C, kém ăn hoặc bỏ ăn, chảy nước mũi, tiết nhiều nước bọt. Ở những bộ phận lợi, lưỡi, vành mũi, vành móng, kẽ móng, đầu vú xuất hiện viêm dạng mụn nước. Khi mụn nước vỡ ra làm lở loét mồm và dễ làm long móng, con vật đi lại khó khăn, phải nằm một chỗ, què chân.
Gia súc nhanh chóng giảm cân và giảm sản lượng sữa. Trường hợp virus có độc lực cao sẽ gây biến trứng cơ tim làm con vật chết đột ngột không có biểu hiện triệu chứng bên ngoài.
Sau khi phát bệnh 10 - 15 ngày, con vật có thể khỏi về triệu chứng lâm sàng nhưng mầm bệnh vẫn tồn tại trong con vật (4 tuần đối với lợn, 2 năm đối với trâu bò, 9 tháng đối với cừu, 4 tháng đối với dê) và thải mầm bệnh ra môi trường làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Phòng dịch bệnh:
Với bệnh LMLM cần thực hiện quy trình phòng bệnh tổng hợp:
Vệ sinh chuồng trại: Chuồng trại nuôi nhốt gia súc phải cao ráo, chắc chắn, tránh nắng, tránh gió lùa, đảm bảo ấm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè. Nền, tường chuồng phải phẳng để dễ quét dọn, cọ rửa, không đọng nước, trước cửa chuồng có hố sát trùng. Có khu vực riêng để nuôi nhốt cách ly động vật mới mua về trước khi nhập đàn hoặc con vật ốm để theo dõi, điều trị.
Hàng ngày phải quét dọn chuồng nuôi, thu gom phân, rác để ủ, đốt hoặc chôn; định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại, nơi chăn thả, dụng cụ chăn nuôi bằng vôi bột và các loại hoá chất sát trùng như Benkocid, Haniodine, Virkon,... Khi không có dịch thực hiện 1 lần/tuần, khi có dịch 2 lần/tuần.
Sau mỗi đợt nuôi phải tiến hành tổng vệ sinh chuồng trại, rửa nền chuồng bằng nước sạch, để khô, sau đó phun thuốc sát trùng toàn bộ tường, trần, nền chuồng; dùng nước vôi 10% quét nền và tường chuồng. Để trống chuồng ít nhất 2 tuần trước khi nhập nuôi lứa mới.
Quản lý con giống: Con giống nhập đưa vào nuôi phải khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ vùng an toàn dịch, được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch; thực hiện quản lý đàn, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo quy định.
Chăm sóc, nuôi dưỡng: Cho vật nuôi ăn, uống đầy đủ, đúng khẩu phần đảm bảo chất lượng; thường xuyên bổ sung vitamin, điện giải, men tiêu hoá để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Tiêm phòng: Chỉ sử dụng vaccine LMLM Aftopor type O, đối với gia súc lần đầu mới tiêm thì sau khi tiêm mũi 1 được 21 ngày phải tiêm nhắc lại mũi 2, sau đó cứ 6 tháng tiêm 1 lần. Trâu, bò, lợn tiêm 2ml/con; dê, cừu tiêm 1ml/con.
Chỉ sử dụng vaccine còn hạn sử dụng, không biến màu và tiêm đúng liều lượng, đúng đối tượng, đúng đường tiêm và chỉ tiêm phòng vaccine cho những gia súc khoẻ mạnh.
Chống dịch:
Thực hiện nuôi nhốt không được chăn thả, không bán chạy, không vứt xác súc vật chết ra môi trường, không giết mổ, không sử dụng sản phẩm gia súc ốm chết làm thực phẩm;
Báo ngay cho thú y hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn biện pháp xử lý thích hợp;
Thực hiện tiêu hủy những con chết, những con ốm nặng không có khả năng hồi phục theo đúng quy trình kỹ thuật, không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường; Lập chốt gác kiểm dịch để ngăn chặn việc vận chuyển gia súc ra khỏi vùng dịch, tạm dừng việc giết mổ, buôn bán sản phẩm gia súc trong thời gian có dịch; Thực hiện tốt việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc: đối với hộ chăn nuôi có dịch phun hóa chất ngày 1 lần, xã có dịch 2 ngày 1 lần, thực hiện liên tục trong suốt thời gian có dịch; Tiêm phòng vaccine bao vây ổ dịch, tiêm từ ngoài vào trong, người tiêm phòng phải thực hiện tốt an toàn sinh học không làm lây lan dịch;
Bệnh LMLM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp chủ yếu là nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho con vật bằng cách tăng cường công tác chăm sóc nuôi dưỡng như: cho ăn thức ăn mềm dễ tiêu, bổ sung vitamin, điện giải, nền chuồng phải khô ráo, sạch sẽ.
Chăm sóc, điều trị gia súc mắc bệnh:
Khi gia súc mắc bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng cho con vật để tránh hiện tượng nhiễm trùng, kế phát các bệnh khác. Xử lý các vết loét bằng cách:
Khi gia súc chảy rãi, có mụn nước ở miệng cần rửa hàng ngày bằng các chất chua, như chanh, khế, dấm; rửa sạch chân bằng xà phòng, dung dịch sát trùng nhẹ như thuốc tím 0,1 %, dung dịch Virkon pha nồng độ 0,1 %, sau đó bôi Xanhmethylen, không để gia súc dẫm lên phân, chuồng trại phải đảm bảo sạch sẽ, khô ráo tránh nhiễm trùng; rửa sạch bằng nước xà phòng, sau đó bôi Xanhmethylen hoặc thuốc mỡ Tetracyclin. Khi con vật sốt cao có thể dùng thuốc giảm sốt, kháng sinh để tránh nhiễm trùng kế phát. Tiêm thuốc trợ sức, trợ lực như Cafein, B.Comlex... Đối với lợn khi bị què không đi lại được, nên trở mình hàng ngày vài lần để tránh hoại tử da.
Khi trong đàn có hiện tượng gia súc chết nhanh, nguyên nhân chủ yếu do kế phát tụ huyết trùng hoặc tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn... hãy tiêm kháng sinh để chống kế phát, với các loại kháng sinh như Rifammycin, Ampicilline, Cephalosporin…