Dân Việt

Ngọt ngào cái Tết sau 8 năm xa cách

Hà Trần 20/02/2015 08:55 GMT+7
Năm nay sẽ là cái Tết đoàn viên trọn vẹn của gia đình chị Phạm Thị Ly (thôn Nam Tiên, Vũ Tiến, Vũ Thư, Thái Bình) sau 8 năm chồng đi xuất khẩu lao động.

Tiếng cười nói rộn rã trong ngôi nhà mới khang trang trên miền quê lúa chính là thành quả của 8 năm tha hương, làm thuê làm mướn trên đất khách quê người.

Hành trình gian nan để chạy thoát cái nghèo

Lấy nhau từ khi chưa tròn 20 tuổi, chị Ly và anh Tỉnh thành cha thành mẹ khi hoàn cảnh vẫn còn nhiều gian khó. Cuộc sống nông dân gắn liền với con trâu, cái cày khiến gia đình nhỏ chẳng nuôi đủ miệng ăn. Năm 2001, khi đứa con thứ hai chưa tròn một tuổi, anh Tỉnh nghe lời bạn bè đi Malaysia làm mướn mong cơ hội “đổi đời”. Chạy chọt khắp nơi cũng đủ 80 triệu để đi, nào ngờ gặp phải bọn cò mồi lừa đảo. Sang đất khách hơn một năm nhưng chẳng thấy tiền đâu chỉ toàn lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nần chồng chất. Cái nghèo, cái khó vướng lấy gia đình tưởng chừng như số kiếp.

img
Vợ chồng chị Ly - anh Tỉnh và hai con.
Về nước với số nợ quá lớn, anh đau đớn và kiệt quệ. Nhìn cảnh vợ con nheo nhóc lại không đành lòng bám ruộng bám vườn để sống, anh liều lên đường một chuyến nữa. Lần này anh quyết định đi Hàn Quốc. Qua thông tin của những người sống tại đây, anh đã tìm được công ty xuất khẩu lao động uy tín. Xoay sở bên nội bên ngoại, cắm nốt cái sổ đỏ, anh có vừa đủ tiền cọc. Đi nước ngoài mà không một xu trong túi, anh làm mọi việc để kiếm sống. Ban ngày làm cho công ty, ban đêm lại không ngủ ra ngoài bốc vác kiếm thêm, nhịn ăn nhịn mặc gửi tiền cho vợ trả nợ.

Chị Ly ở nhà cũng chăm chỉ nuôi con lợn, con gà. Hai năm sau, gia đình anh chị đã thoát cảnh nợ nần. Số tiền anh gửi về chị tiết kiệm sắm sửa cho gia đình và xây ngôi nhà mới. Tám năm lưu vong trên đất khách, tám năm vợ chồng con cái xa nhau, đổi lại cho những thiệt thòi là một cuộc sống đầy đủ, ấm êm cho ngày đoàn tụ.

Miễn là vẫn có tình yêu…

Lấy nhau được mười sáu năm, con lớn giờ cũng đã vào lớp 10, nhưng thời gian anh chị bên nhau mới chỉ vẻn vẹn bảy năm ngắn ngủi. Đôi vợ chồng trẻ năm nào giờ đã trở thành những người trung niên, tóc có sợi bạc, mắt có chân chim nhưng tình cảm họ vẫn mặn nồng lắm, tình cảm ấy sưởi ấm cho căn nhà đã bao năm vắng bóng người đàn ông.

Niềm hạnh phúc rạng ngời qua đôi mắt, chị Ly chia sẻ: “Vì trách nhiệm với gia đình nên vợ chồng tôi có thể vượt qua những trống trải và khó khăn suốt tám năm qua. Giờ đây, gia đình tôi có thể xây nhà, lo cho con cái một cuộc sống đầy đủ, vợ chồng lại bên nhau bù đắp những khoảng trống trước đây. Ở đời chẳng có gì cho đi mà không nhận lại miễn chúng tôi yêu nhau, biết vun vén cho gia đình của mình”.

Về nước vào những ngày giáp Tết, không khí gia đình càng thêm ấm cúng. Suốt 8 năm ròng chồng ở nơi xa xứ, một mình chị phải lo toan, sắm sửa mọi thứ trong nhà. Tâm sự với chúng tôi chị kể: “ Cái Tết buồn nhất là vào năm đầu tiên anh Tỉnh đi Hàn Quốc. Lúc đấy xa chồng, nợ nần chồng chất. Tết chỉ muốn sắm cho con bộ áo mới, mua cành đào để trưng trong nhà nhưng tiền ăn còn không đủ nên chẳng dám nghĩ nhiều. Ba mẹ con không sắm Tết, không có cả gói bánh để tết bên nội, bên ngoại, cứ thui thủi ở nhà, nghĩ mà tủi. Còn những năm sau, Tết anh cũng không được về phép, chỉ gửi quà cho vợ, cho con rồi gia đình gặp nhau qua internet, điện thoại”.

Năm nay nhà chị đón Tết to lắm, có anh về lại vừa đúng dịp tân gia ngôi nhà ba tầng mới xây, Tết rôm rả hẳn. Anh làm cây nêu, sắm cả đào cả quất, sắp tới lại gói ba chục bánh chưng cho có không khí Tết. Hai đứa trẻ chưa bao giờ háo hức đón Tết như năm nay. Chúng sán lấy cha, anh làm gì cũng muốn làm cùng, đi đâu cũng muốn theo. Tám năm, từ khi còn tấm bé hai đứa đã được một tay mẹ chăm sóc, phải xa cha, phải tự lập rất nhiều. Bây giờ, chúng đã được sống trọn trong vòng tay cha mẹ, được sống sung sướng và đầy đủ hơn nhiều đứa nhỏ trên miền quê nghèo này.

Hạnh phúc nằm ở chính những hi sinh thầm lặng. 8 năm chờ đợi, 8 cái Tết thui thủi một mình. Giờ đây, niềm hạnh phúc đã vỡ òa trong gia đình nhỏ trong ngày Tết đoàn viên.