Dân Việt

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: Vắng đê sẽ không có làng, có nhạc...

Cúc Phương 14/02/2015 08:00 GMT+7
 “Tôi là một gã nhà quê thứ thiệt. Học lớp 2 tôi đã biết yêu, biết rung cảm. Tôi thường nắm tay cô bạn gái chạy dọc chân đê. Đến bây giờ tôi vẫn không thôi ám ảnh về cô ấy và nhờ có ám ảnh đó mà viết nhạc” - Nhạc sĩ Lê Minh Sơn tâm sự.

Đi xa để tìm thấy mình

 

img
 Chiều gần buông trên một nhánh đê sông Cầu, đoạn qua xã Phù Lăng, huyện Quế Võ, Bắc Ninh. Ảnh: LINH HÀ

Từ hình ảnh người con gái buồn bã vẩn vơ trong thơ Nguyễn Bính “Mình em lầm lụi trên đường về/Có ngắn gì đâu một dải đê” đến người con gái tung tăng tươi tắn “Soi gương em đeo cặp ba lá, đi trên con đê cười xinh quá” trong nhạc của Lê Minh Sơn là một chặng đường khá dài. Có người bảo Lê Minh Sơn là “người đã đưa cái hồn nhà quê Việt Nam sống lại một cách quyết liệt và đường hoàng nhất” cũng không ngoa, bởi sau những thế hệ nhạc sĩ đàn anh, đàn chú, Sơn là một người nhà quê quyết liệt nhất.

“Gã nhà quê” tâm sự: “Quê tôi là một vùng ngoại thành cách Hà Nội 9km nhưng vẫn còn những người đàn bà răng đen cuối cùng của Việt Nam, vẫn mang những đồng trăm lẻ đi mua thuốc lào. Ngày xưa có đầy đủ đồng ruộng, ao, sông, đê... nhưng bây giờ, ruộng, ao bị lấp hết, nhà máy xí nghiệp mọc lên, may mà vẫn còn con đê... Tôi về quê. Buồn. Rồi viết “Ôi quê tôi, vẫn còn cánh đồng/Xanh bao la lưng còng dáng mẹ”.

 

img
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn

Học ở Nhạc viện 16 năm, gắn bó với cây đàn guitar, sau khi trở về từ thời gian đi du học ở Pháp, Sơn nhận ra nhiều điều. Sơn kể: “Hồi ở Pháp, tôi biểu diễn rất nhiều các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới trong các khán phòng sang trọng, rõ ràng rất điêu luyện vì tôi đã học guitar 16 năm trời, tiếng vỗ tay cũng chỉ lẹt đẹt. Thế nhưng khi tôi chuyển sang chơi những bản nhạc tôi tự sáng tác, có một chút luyến láy của ca trù, quan họ… thì người ta vỗ tay nồng nhiệt, có người tới ôm tôi, chúc mừng tôi rất chân thành.

Điều đó làm tôi nhận ra bất cứ vùng đất nào cũng phải có đặc sản của vùng đất ấy, đó chính là văn hóa vùng miền, mình là người ở đâu thì phải có tiếng nói, ngôn ngữ của vùng đất ấy, đó là sự kế thừa rất lâu từ thời ông bà để lại. Cái vốn quý ấy mình có mà không biết để phát huy, lại đi vay mượn, sống nhờ thì thua là cái chắc. Mỗi người có một mệnh. Mệnh của tôi là viết về quê hương, đất nước. Cũng là cây đa, bến nước, sân đình, một chủ đề rất cũ nhưng mỗi người có một góc nhìn. Nhạc sĩ Phó Đức Phương viết một kiểu, nhạc sĩ Nguyễn Cường viết một kiểu, và đến thế hệ tôi, Lê Minh Sơn lại là một sự khác biệt nữa”.

Bờ đê tuổi trẻ

Sơn vẫn còn bùi ngùi khi nhớ lại lần đầu tiên mang ca khúc “Cặp ba lá” đến cho Nguyễn Cường tại nhà riêng của ông, nghe xong, ông lặng người rồi nắm tay chàng nhạc sĩ trẻ, kéo lên phòng thờ, nhận làm con của mình. Hình ảnh người con gái quê trong veo tinh khiết, nhỏ nhắn như một chiếc cặp ba lá, với những hình ảnh đẹp đến nao lòng: “Lúa non trổ bông thơm thơm cánh đồng. Tóc vương hàng cây hây hây má non” đi trên con đê cười xinh xắn đã ghim cái tên Lê Minh Sơn lên vị trí hàng đầu của những nhạc sĩ viết về làng quê Việt. Kể về “Cặp ba lá”, Lê Minh Sơn tiết lộ: “Học lớp 2 tôi đã biết yêu, biết rung cảm.

Tôi thường nắm tay cô bạn gái chạy dọc chân đê. Đến bây giờ tôi vẫn không thôi ám ảnh về cô ấy. Hình ảnh người bạn gái bé nhỏ chạy trên con đê làng, gương mặt thanh khiết rạng rỡ, không còn gì đẹp hơn và cũng không có gì xóa nhòa được. Nhờ thế mà tôi viết được: “Cặp ba lá”, “Bên bờ ao nhà mình”, “Chuồn chuồn ớt”... Nhiều khi tôi tự hỏi yêu là gì và trả lời thực ra yêu là những ám ảnh trong nhau. Cái mối tình thơ dại đầu đời ấy có sức sống bất diệt, nó nuôi mãi trong tôi những xúc cảm đủ để rung động mãi mãi về sau”.

Con đê là một hình ảnh quen thuộc, thân thương trong các sáng tác âm nhạc của Lê Minh Sơn, bởi thiếu nó, hình như làng quê không còn là làng quê nữa. Chắc nhiều người còn nhớ, những khán giả của Bài hát Việt đã cảm thấy nhoi nhói trong lòng khi nghe Trọng Tấn hát “À í a” trên sân khấu: “Ngày xưa lũ chim về đây, những bông cỏ may lay động bờ đê. Ngày xưa tiếng ru mẹ ru, tiếng ru mỏng manh rung động nhà tranh”. Bờ đê là một miền ký ức đẹp thanh bình trong âm nhạc của Sơn, không phải người nhà quê, làm sao có thể viết được một câu ca đẹp đến thế này: “Những bông cỏ may lay động bờ đê”.

Lê Minh Sơn hồi tưởng: “Tuổi thơ ai cũng vậy, cũng có một triền đê của riêng mình, không có những buổi chiều cùng bạn bè nhảy chân sáo trên triền đê phơ phất những bông cỏ may thì làm sao có được tôi ngày hôm nay. Tôi là người sống rất bình dị, yêu tiếng chim hót, nâng niu từng ngọn cỏ, từng chiếc lá xanh, nhiều khi nhìn lớp trẻ bây giờ tôi thấy thương. Chúng vào quán cà phê, cắm mặt vào màn hình một chiếc điện thoại thông minh hay một chiếc laptop, thế là hết, vô cảm với thế giới xung quanh. Làm sao chúng ta để trẻ em lớn lên với một cách sống như vậy được? Không biết lắng nghe từng tiếng chim hót, tiếng cây cỏ, tiếng gió mùa về, tiếng sóng của dòng sông vỗ vào bờ khe khẽ, sống mà để lãng phí các giác quan như vậy quả thật đáng sợ”.

Cảm hứng từ “người nhà quê”

Quan điểm

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn
  Tuổi thơ ai cũng vậy, cũng có một triền đê của riêng mình, không có những buổi chiều cùng bạn bè nhảy chân sáo trên triền đê phơ phất những bông cỏ may thì làm sao có được tôi ngày hôm nay.  
“Sinh ra từ làng, là những đứa con có gốc tích của ao chuôm đồng ruộng, của bờ đê gió lộng, tôi luôn tin rằng một đứa trẻ khi được thấm đẫm văn hóa làng, văn hóa thuần Việt thì khi vào đời cũng sẽ dễ có được một tâm thế vững vàng hơn và chừng mực hơn trước những giá trị sống thuộc về các nền văn minh khác” - nhạc sĩ tâm sự.

 

Lê Minh Sơn cũng tự nhận mình là kẻ khác người, vì mỗi khi viết nhạc anh đều có sự tính toán như đang làm toán. Nhạc của Lê Minh Sơn phần âm nhạc và ca từ phải có đời sống riêng, độc lập được với nhau chứ không phải tách ra là vô dụng. Nếu là một nhà thơ, hẳn Lê Minh Sơn sẽ là một nhà thơ có chỗ đứng hẳn hoi với những ca từ đầy chất thơ mà anh viết. Sơn thừa nhận, người có ảnh hưởng lớn nhất đến ca từ của anh là nhà thơ Lê Đạt: “Tôi biết ơn ông vô cùng dù ông chẳng dạy tôi một ngày nào, tôi chưa bao giờ có cơ hội gặp mặt ông ngay cả khi ông còn sống”.

Và người đem đến cảm hứng sáng tác cho anh không ai khác chính là những “người nhà quê” theo cách gọi thông thường nhất. Sơn bảo: “Bạn về nhà quê, bạn nhìn các mẹ, các chị đứng trên bờ ao, trên dòng sông vừa rửa rau, vừa giặt quần áo vừa hát mà xem.