Khi Phong trào thơ mới phát triển chừng dăm bảy năm, ngập trong làn gió cách tân, chịu ảnh hưởng xu hướng lãng mạn Pháp, thì những tên tuổi được công chúng mến mộ xuất hiện như Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử.
Chiếm lĩnh toàn bộ đời sống thi ca, có một giọng thơ mới mang hồn quê đất Việt, đứng riêng một chỗ, cất lời. Khi mà độc giả đô thị chếnh choáng trong men say của những dòng thơ tình phóng khoáng, tự do, thì một giọng thơ mới như thổi từ những miền quê ấm áp, gần gũi như ca dao len lỏi dần trên Văn đàn, nhắc cho người ta những kỷ niệm, mới đây thôi, của làng mạc ruộng đồng, của tiếng trống chèo, chiếc áo tứ thân, ánh nhìn e lệ cô gái quê thuần phác. Tác giả của những vần thơ như tiếng sáo trong lành đó là Nguyễn Bính, một tài nhân lãng tử. Ông làm thơ từ rất sớm, nhưng mãi đến ngoài 20 tuổi, năm 1940 ông mới cho xuất bản hai tập thơ đầu là “Lỡ bước sang ngang” và “Tâm hồn tôi”.
Hai tập thơ đã làm nên tên tuổi Nguyễn Bính, một giọng thơ hiện đại, lãng mạn nhưng rất chân quê. Thơ ông đưa người đọc về lại những xúc cảm tinh tế, nguyên sơ thực đấy mà mộng đấy. Mỗi vần thơ là một nét bút tài hoa vẽ nên cảnh sắc của một miền thôn dã, rồi từ đó ông thả hồn mình qua một rặng mùng tơi, qua một chuyến đò, qua bãi nương dâu về nơi mộng ước. Mà lạ, hầu như những bài thơ tình nổi tiếng của ông đều gắn đến một dòng sông, một triền đê chờ đợi. Những cô thôn nữ trong thơ ông đều đến và đi theo những dòng sông, ước mơ cũng từ đó giã biệt cũng từ đó. Ông thật nặng tình với những chuyến đò, những triền đê.
Nhà văn Chu Văn đã viết một chi tiết thật cảm động sau cái chết của Nguyễn Bính về một cô lái đò vùng Hà Nam, nơi Nguyễn Bính công tác những năm cuối đời tại Ty Văn hoá. Gặp lại Chu Văn, cô lái đò nức nở khóc nói rằng: “Bác Bính đi rồi, người tài thế mà sao vội đi thế, giá cháu có thể chết thay cho bác ấy, để bác tiếp tục làm thơ...”. Lại có một lần, tôi được hầu rượu nhà văn Trần Lê Văn, một người bạn thân thiết của Nguyễn Bính, cụ Văn tủm tỉm cười kể rằng: “Bính đa tình và dễ xúc động lắm, ăn mặc thì cẩu thả, xuềnh xoàng, nhưng không ai nghiêm túc trong câu chữ như ông, ông thường chép nắn nót một bài thơ vào một nửa tờ giấy học sinh, thường gọi là giấy năm hào hai, đem tặng những người mình yêu thích, tất nhiên ưu tiên vẫn là phái nữ.
Trong số những người được tặng thơ đó, có một cô gái tên là Thoan. Cô Thoan đẹp lắm, lại tham gia Hội Phụ nữ xã nên tính tình thật mạnh dạn, cô thường chủ động hẹn nhà thơ tại một điếm canh đê cổ, lúc thì mang cho ông ca lạc luộc, một chút rượu, lúc là bắp ngô, củ khoai nướng rồi bắt ông đọc thơ. Nguyễn Bính tiếng thế thôi mà dát, ông không mấy khi dám vào cái điếm canh đê cổ đó, mà thường nằm dài trên triền đê, nhẩn nha đọc thơ.
Tất nhiên cô Thoan phải đinh ninh tất cả những bài đó là dành cho cô. Rồi một lần cô bắt nhà thơ chép lại một bài cô ưa thích. Nhà thơ về cặm cụi chép tặng, nhưng đãng trí làm sai, thay vì ghi tặng Thoan, lại nhầm thành tặng Ngoan! Vậy là cả tuần, cả tháng sau đó không một nhời nhắn hẹn. Trước ngày lấy chồng cô tìm gặp ông, cũng tại triền đê cũ, rồi nói trong nước mắt rằng: “Về nhà chồng em sẽ lấy tên là Ngoan, vì đó là tên của một người khác, còn tên Thoan, xin ông hãy giữ trọn kiếp này vì đó mới là em...”. Nguyễn Bính ngẩn ngơ cả tháng trời mới nguôi ngoai.
Trong đời Nguyễn Bính là những chuỗi ngày liên tục dịch chuyển, ông thèm đi, thèm khám phá, thèm tự do, thèm sống theo ý mình, như loài bướm đi tìm những nhuỵ hoa. Có lẽ vì thế trong thơ của ông, hình ảnh hoa và bướm xuất hiện thường xuyên. Đôi khi nó không còn là vật thể ngoài ông nữa mà đã hoá thân vào ông vào một nàng thơ nào đó.
Trong chuyến hành phương Nam dằng dặc của ông, nếm biết bao gian truân, khó nhọc, ông vẫn giữ cho mình lòng thuỷ chung trọn vẹn với thi ca, ông vẫn là con bướm nơi vùng đất lạ. Và dường như cuộc đời càng cơ cực bao nhiêu thơ ông càng đẫm tình bấy nhiêu. Ở vùng đất nào thì ông vẫn giữ cho mình một khoảng trời đất chân quê vốn đã nằm sẵn trong tâm khảm lòng ông. Ông đi để mà đi chứ không phải đi để mà đến.
Bước qua biết bao nhiêu chìm nổi, đa đoan, ông vẫn là bướm, là hoa, là con đò, là ngọn gió bất tận trên triền đê, là một thằng "Nhà quê" lành mạnh,trong suốt, là đóa hoa thơm ngát bốn mùa trong vườn thi ca Việt Nam.