Những mảnh đời cơ cực
Những ngày này Hà Nội rét trên dưới 10*C, ở trong nhà cũng có thể cảm nhận được cái lạnh thấu xương, thế nhưng ngoài kia, người vô gia cư phải ngủ trên những vỉa hè với tấm chiếu rách, hay túi ni-lon. Trên đường Lê Duẩn (đoạn phía trước ga Hà Nội) có gần chục người vô gia cư coi vỉa hè là “mái nhà” để tá túc mỗi đêm.
Chị Trần Thị Huyên sinh năm 1974, quê ở Lý Nhân Hà Nam. Chị bị hỏng một bên mắt, sống nhờ vào việc nhặt giấy vụn bán. Chị Huyên nói: “Chị không còn bố mẹ, người thân nào cả, anh em cũng không, nhiều lúc chị còn không nhớ mình là ai, chị vừa mới mổ ruột thừa về, người còn mệt và yếu lắm, có những hôm không kiếm được đồng nào, thiếu ăn và rất vất vả. Hôm nay ngày tiễn ông Công ông Táo chầu trời, chị không đi xa nhặt giấy nữa, chỉ đi gần đây thôi…”
Mùa đông mưa lạnh cũng chỉ có ni-lon dải xuống làm chiếu cho đỡ lạnh. Mấy năm rồi chị Huyên đón Tết ở ga Hà Nội, vì không con nơi nào để đi. “Chị mong muốn tết này được đầm ấm như bao người mà thôi”, chị Huyên tâm sự.
Bác Nguyễn Thị Phúc, 67 tuổi quê ở Bình Lục-Hà Nam. Bác Phúc có gia đình và con cháu đầy đủ, nhưng con cháu bác đã bán nhà để vào Tây Nguyên sinh sống. Bác lên Hà Nội sống với các nghề như nhặt giấy rác, rửa bát thuê.
Hằng ngày bác dạy từ 6h00 sáng, lang thang khắp các con đường ngõ phố nhặt vỏ chai như ở Hồ Gươm, văn miếu Quốc Tử Giám, Long Biên. Sau 11h đêm, khi các quán trà đá, cà phê vỉa hè thu dọn thì bác về lại vỉa hè ga Hà Nội để ngủ. Một ngày bác nhặt vỏ chai bán cũng được 20.000 đồng tới 30.000đồng. Tuy đủ ăn nhưng bác cảm thấy rất thiếu thốn tình cảm.
Đón tết ở Hà Nội cũng được 4 năm, đón khoảng khắc giao thừa giữa đường phố Hà Nội, nơi đất khách quê người. Bác Phúc tâm sự: “Tết chả còn ý nghĩa gì cả, chẳng đầm ấm, chẳng yên vui. Nhìn mọi người về quê bác cũng mong muốn được gần gũi con cháu, được đoàn tụ với gia đình. Thi thoảng cũng có các cháu sinh viên tới tặng quà, cho bánh chưng, mì tôm, bác vui lắm. Các cháu khi nào rảnh thì tới thăm bác, tới nói chuyện thôi cũng được, không phải cho quà bác đâu, bác chỉ mong có người tới thăm, tới nói chuyện mà không được. ”
Chị Phạm Thị Gái, sinh năm 1983 quê ở Phú Xuyên-Hà Tây, chị lang thang ở Hà Nội đã 3 năm xin ăn để nuôi con chữa bệnh. Con chị là bé Phạm Thị Đào sinh năm 2001 em bị tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể và bại não. Chị Gái phải đưa con lên Hà Nội chữa bệnh, gia đình bên ngoại đã mất hết. Chồng chị Đào bị mất sức lao động, không thể giúp đỡ chị điều gì, hàng tháng anh được nhận 300.000 nghìn trợ cấp của xã, cũng chỉ đủ mình anh ăn uống. Tất cả mọi chi phí chữa bệnh cho bé Đào chị Gái phải chịu.
Chị Gái tâm sự: “Hồi đầu mới lên Hà Nội, khó khăn lắm, không có tiền ăn chứ đừng nói đến tiền chữa bệnh. Bé Đào bị tim bẩm sinh, cũng may là đã được công ty tư nhân hỗ trợ mổ tim, đã bớt nguy hiểm hơn trước, nhưng vẫn phải đưa em đi khám định kì ở 49 Thái Thịnh, Đống Đa. Một tháng châm cứu 2 lần, cũng rất tốn kém… Giờ thì hai mẹ con chỉ biết ôm nhau đi ăn xin qua ngày thôi”.
Những nghĩa cử cao đẹp
Trong rất nhiều các tổ đội nhóm tình nguyện, phát quà cho người vô gia cư trên đường Lê Duẩn có câu lạc bộ “Lãnh đạo trẻ” thuộc trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Câu lạc bộ gồm 20 thành viên là những bạn sinh viên trẻ, đầy nhiệt huyết
Cứ 2 tháng 1 lần, câu lạc bộ “Lãnh đạo trẻ” đi làm tình nguyện, phát quà tới người nghèo, người vô gia cư…
Bạn Vũ Hoàng Giang chủ nhiệm câu lạc bộ Lãnh đạo trẻ cho biết: “ Những món quà mà chúng tớ gửi tới các bác ở đây, một phần nào giúp cho các bác có thêm một bữa no đủ, một phần muốn sẻ chia tình cảm tới các bác. Mong các bác có thêm sự ấm áp trong những đêm đông lạnh giá này. Sau mỗi lần đi tình nguyện, chúng tớ cảm thấy vui hơn, thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn rất nhiều”.