“Hãy bắt đầu từ chiều hôm nay”
Câu chuyện xảy ra cách đây 4 năm, vào đầu tháng 7.2010. Ông Nguyễn Bá Thanh – khi đó là Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, tổ chức cho các em thanh thiếu niên chậm tiến đi tham quan Trại Giáo dưỡng số 03 ở Hòa Phú, Trại Tạm giam Hòa Sơn và du lịch cáp treo Bà Nà để các em có thể thấy được sự nghiêm khắc của xã hội đối với những hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời thấy được những cảnh đẹp quê hương để có lòng yêu quý mãnh đất này.
Nhiều thanh thiếu niên hư khi tham quan trại giam Hòa Sơn năm 2010 đã thực sự tiến bộ
300 thanh thiếu niên chậm tiến tuổi từ 12-17 với nhiều “thành tích” đáng buồn: Trộm cắp, đánh nhau, gây rối, dùng thuốc lắc...đã ngồi lặng im nghe ông Thanh nói. Bằng những lời lẽ tâm tình như người anh, người cha, người thầy, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã nói: “Nhiều người đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được đồng tiền, mình cướp không của người ta, nghĩ có được không?” Rồi ông hỏi: Các em đi Bà Nà thấy có đẹp không? Đà Nẵng quê hương mình đẹp vậy đấy, tương lai sẽ có tàu điện ngầm, du thuyền, thành phố sẽ tấp nập, sầm uất. Vậy mình đã làm được gì cho quê hương”? Một phút im lặng, lắng sâu. Nhiều em cúi đầu, suy nghĩ. “Muốn đi chơi, thậm chí đi vũ trường, không ai cấm, những phải đi bằng tiền do chính công sức mình kiếm được, các em có hiểu không?”- Bí thư nhấn mạnh.
Không thuyết lý dài dòng, đao to búa lớn, vẫn giọng điệu quen thuộc, ông Thanh nói giản dị, cụ thể mà dễ hiểu, nhiều lúc pha chút dí dỏm, hài hước cho không khí đỡ phần căng thẳng: “Con người ai chẳng đôi lần vấp ngã, nhưng quan trọng là phải biết đứng lên. Nhưng chỉ đôi lần thôi nghe, mấy mươi lần là hết cách...Nhớ ma túy còn hơn là nhớ người yêu nhưng phải bỏ vì tương lai…”
Bí thư Thanh đã nêu lên tầm quan trọng của việc học: “Chán học, bỏ học sẽ dẫn đến những cái xấu. Đó chính là cái gốc của sự lầm đường, lạc lối”. Kết thúc buổi nói chuyện, bí thư Thành ủy nói “Hãy bắt đầu từ chiều hôm nay để có ngày mai. Hãy làm những việc có ích để xây dựng thành phố giàu đẹp. Ai muốn học lên, thành phố sẽ tạo điều kiện, ai muốn học nghề cho học nghề...”. Bí thư Thanh cũng đã giao nhiệm vụ cho công an, đoàn thanh niên theo dõi, dìu dắt các em tiến bộ.
Sống tốt và cảm ơn người lãnh đạo
Sau cuộc gặp gỡ đó, điều đáng mừng là đã có nhiều em thay đổi cách sống cũ, trở lại trường lớp nỗ lực học hành, tìm việc làm ổn định, sống có trách nhiệm hơn với mọi người. Hơn 70% các em tham gia vào các chương trình này đã sự tiến bộ thật sự.
Chúng tôi có dịp gặp lại Lê Quốc Đạt (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê). Sau khi gặp bí thư Thành ủy, được các anh, chị đoàn viên phường Vĩnh Trung giúp đỡ, Đạt được học nghề, trở thành công nhân hàn sắt và sống có ích, em đã tự nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự của địa phương.
Bà Huỳnh Thị Liễu, mẹ của Đạt, chia sẻ “Ngày trước, tôi héo mòn theo nó vì không khuyên bảo được. Có những lần nó đi cả tuần không về khiến tôi nghĩ quẩn. Hôm con về thông báo sẽ đi học nghề, tôi mừng không ngủ được. Tháng đầu tiên nó đi làm, cầm trên tay 1 triệu đồng tiền lương con đưa mà tôi rơi nước mắt. Bây giờ, nó đã tham gia nghĩa vụ quân sự, chắc chắn sẽ là người tốt, có ích cho xã hội. Chúng tôi rất cảm ơn ông Bá Thanh khi tổ chức buổi tham quan đó, nhờ thế mà con tôi thay đổi, sống tốt”.
Đến bây giờ những câu chuyện tưởng chừng đã cũ của ông Nguyễn Bá Thanh vẫn được người dân nhớ mãi. Càng nhớ họ càng tiếc thương ông, họ khóc nức nở như một người thân quý của mình vừa ra đi.
Ông Nguyễn Văn Đinh - 63 tuổi, một người dân đã lặng lẽ đến trước nhà ông Thanh, hòa vào dòng người khóc thầm trước cổng nhà ông Thanh chiều 13.2, kể: Có lần, bí thư Thanh ghé chợ Cồn để tìm hiểu về tình hình buôn bán ở chợ. Ông không đi lên ban quản lý chợ mà đi thẳng xuống chợ, hỏi thăm tình hình bà con tiểu thương, người nào khó khăn ông giúp đỡ… Chúng tôi rất khâm phục, biết ơn ông, một người lãnh đạo gần dân, vì vậy mà chúng tôi xót xa khi ông ra đi.