Dân Việt

Đê: Bờ của bình yên

VI THUỲ LINH 23/02/2015 17:00 GMT+7
Tôi không thể quên triền đê xanh buổi chiều tháng Sáu ấy, triền đê cỏ mượt, cúi xuống là cánh đồng kề những khu vườn xanh mướt, nhìn lên là vòm trời ngọc bích bao bọc chúng tôi…

img
 Đê là nơi nghỉ ngơi, thư dãn của bà con nông dân sau những giờ lao động vất vả. trọng chính
Châu thổ sông Hồng hình thành lâu đời nhất trong các đồng bằng Việt Nam với nền văn minh lúa nước - đặc trưng văn hóa Việt ngàn đời, đê là nhân tố trọng yếu trong đời sống nông dân, đời này qua đời khác. Đê không cung cấp lương thực, thực phẩm như ruộng đồng, lại thiết yếu hơn nhiều lần công năng ban đầu mà con người đặt ra như tính mục đích của định nghĩa. Hiện ra một áng xanh hay con đường cong - thẳng bên xóm làng. Làng nghèo hay trù mật đều có đê che chở như thế; vô hình trung đê đã thành vệ sĩ khách quan, công bằng cho thôn quê, không lệ thuộc hoàn cảnh tồn tại.

 

Đê, từ đời sống vào thi ca, nhạc họa, phim ảnh là bối cảnh, thành tố tạo hình; nhiều lần thành nhân vật, nhân chứng. Từ công năng ban đầu để ngăn nước sông lúc dâng cao, đê ngự trị tựa tường thành vững chãi. Phổ biến là đê sông, một số tỉnh có đê biển kè đá. Với vùng biển, đê không chỉ chắn sóng, nó hiển thị tham vọng chinh phục biển của con người - quai đê lấn biển. Trữ tình nhất là đê sông - nó gần gũi cuộc sống và tầm mắt của nhiều người. Chẳng cứ gắn bó đời sống nông thôn mới thấy được nét đẹp, ích lợi của đê. Đê xuất hiện trong tâm thức thị dân qua kênh nghệ thuật,qua từ hiện hữu ở đô thành, kể cả thành ngữ: “Đánh đề ra đê mà ở”.

Đê là thành cỏ của thế giới tuổi thơ kéo dài cho ai sống cả đời gắn với làng quê lẫn nông dân thoát ly nơi khác. Không phân biệt tuổi tác, danh phận, vị thế, thân đê trải mình cho tất cả bước qua. Đắp bằng đất sét, cỏ mọc phủ thân xuống hai triền dốc; nơi dốc ít, nơi thoải nhiều. Những con đê rộng thường có bề mặt và hai triền đủ làm cầu trượt cho lũ trẻ trâu, tấm đệm thiên nhiên cho ai muốn ngồi, nằm thư thái. Đi làm, đi học, họp chợ, thả trâu bò, gồng gánh đều qua đường đê. Lúc mưa bão, đê thành đường chính, sạch và an toàn. Đê là nơi trai gái hẹn hò, tỏ tình; đê tiễn thôn nữ lấy chồng, đê đón cô dâu về chốn mới. Những chàng trai lên đường nhập ngũ đi trên đê, đứng lại ngậm ngùi chia tay mẹ, người yêu và ngoái ngôi nhà, làng xóm của mình. Rồi đê lại đón bộ đội về: “Con đê mòn lối cỏ về”. Đê, luôn là cánh tay đầu tiên đón người lính trở lại quê hương ân tình sâu nặng.

Từ chức năng ngăn nước dâng, chống lũ lụt, hỗ trợ thủy lợi; đê giúp ta trong chiến tranh, như hào lũy bảo vệ làng. Đê thử thách sức lao động và hội tụ tính đoàn kết cộng đồng trong những chiến dịch bồi đắp. Hộ đê là để bảo vệ cho người. Đã từng có tai nạn vỡ đê do bão lụt khi đê bị nứt, lún mà không kịp thời phát hiện xử lý, gây hậu quả, thiệt hại đáng tiếc. Hẳn vì thế, đại thi hào Nguyễn Trãi đã dùng hình ảnh đê như biểu tượng về việc dụng nhân trong quân sự, qua cảnh báo: “Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”.

Đê có kiến, dế, châu chấu, các loại cỏ, côn trùng. Đó là chiếc gối dài mà không cần nằm, chỉ trông thôi thì triền xanh ấy cũng cho ta cảm giác được nâng đỡ. “Sông cong, cong cả con đê”- lời hát diết da lúc chiều buông khi mùa Xuân choàng áo xanh - thảm rau mướt và mạ non mởn. Những buổi chiều nông thôn mang vẻ đẹp buồn. Khi nắng nhạt dần, trẻ con đi học, trẻ con tan trường, người lớn về nhà từ các cánh đồng. Sự yên ả được cảm nhận qua khói: Khói từ những gian bếp, khói đốt đồng hay sương mờ. Chiều đông, chiều áp tết, quang cảnh thanh vắng khiến thân đê như khuông nhạc đợi chờ. Đê tấp nập tháng củ mật, người đi - về mua sắm chợ phiên náo nức. Là “con”, triền, dải… nó không tự sinh sôi. Độ vững chãi tầm vóc của đê do con người bồi đắp, sửa sang, gìn giữ. Đê gầy, đê lớn, đê thấp, đê cao… đê nào cũng cống hiến bền bỉ.

Đê chứng kiến nguyện thề đôi lứa. Đê theo chân người bịn rịn tiễn đưa. Đê sảng khoái hân hoan độ lượng nhận đón người xa, kẻ lầm lỡ. Đê lưu sải chân trai làng măng tơ ra trận. Đê hãnh diện mừng vui thong dong anh lính khải hoàn. Đường đê thành đường mòn vì chân người, chân gia súc ngày này tháng khác. Từ đê, mắt lia cái nhìn dài toàn cảnh làng quê. Cú dựng “ mờ chồng” (montage) thân đê cỏ mượt bên những cánh đồng lúa mì trải dài mà tôi đã ngắm qua cửa sổ tàu siêu tốc TGV từ Paris về Lyon hay những cánh đồng nối dài từ Pháp qua Bỉ sang Đức. Đê ở Pháp mà tôi thấy không phải để ngăn sông như địa giới để phân định giữa cánh đồng và thảm cỏ chăn nuôi gia súc. Nền nông nghiệp được cơ khí cơ giới hóa ở châu Âu giúp nông dân ít cần có mặt trên cánh đồng, nên nó thật vắng lặng và mênh mông phong cảnh đẹp; còn độ trữ tình, gắn kết kỷ niệm thì không bằng đê nước mình, dù đê đồng ở Pháp hay đê biển ở Hà Lan.

Các nền văn minh thường ở bên lưu vực sông. Không phải cứ có sông là có đê; không phải nông thôn nào cũng có đê. Đê đã thành biểu tượng của chốn yên bình cho tất cả mọi người. Đón rước qua làng những lễ hội, đại hỷ, sự đau buồn, tang ma, đám cưới, phơi lụa - giấy, thả diều… đều trên /qua đường đê- nhân chứng. Đê như vẫn chạy, chạy một cách tĩnh lặng, trong hồi ức, hình dung của bao lớp người và góp phần sinh ra kỉ niệm. Bao dung, chịu đựng, đê tác động và bồi tụ vào ký ức nhân gian đời này, kiếp khác. Đê thành album ảnh nối dài, một độ dài không chỉ tính bằng chiều dọc thân đê.

Khuông nhạc đê bề mặt lồi lõm khúc khuỷu bởi kiêm nhiệm thêm hàng quán biển cọc, bị xẻ, chiếm, chợt rung lên nốt ngân tủi thân, buồn bã. Xuân đến rồi, đê tiễn vết thương bằng đợt cỏ mới, một khả năng tự chữa, tự phục hồi để tiếp tục sống kiên cường...

Tôi tin sự vật đều có linh hồn. Đê mang linh hồn của quê làng, của thế giới bình yên, là vệt xanh bất tận, một định vị của sự sống trong phạm trù triết học Đi - Về của nông dân Việt. Đê - thứ kim la bàn của miền ước mơ yên ả.