Dân Việt

Quà Tết sai quy định: Chỉ người trong cuộc mới biết(?!)

Công Thọ 15/02/2015 07:30 GMT+7
“Họ “đi đêm” với nhau thì ai biết việc đưa quà Tết mang ý nghĩa tình cảm hay biểu hiện hối lộ?”, nguyên chuyên viên cao cấp Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng nhận định.
Vừa qua, Thanh tra Chính phủ có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương về việc nắm tình hình và báo cáo việc tặng quà, nhận quà tặng không đúng dịp Tết Ất Mùi - 2015.

img
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, mọi người dân khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức tặng quà hay nhận quà Tết trái quy định hoặc các hành vi tham nhũng khác, có thể gọi điện ngay vào đường dây nóng của Cục Chống tham nhũng (080.48228) để phản ánh.

“Không ai có thể kiểm soát được quà Tết”

Ông Bùi Khánh Thụy, nguyên chuyên viên cao cấp Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng nhận xét, lập đường dây nóng chỉ là giải pháp tình thế của nhà quản lý. Biện pháp này có tác dụng nhắc nhở, răn đe biểu hiện hối lộ qua việc tặng quà Tết.

Theo nhận định của ông Thụy, rất khó để kiểm tra, kiểm soát chuyện các cá nhân tặng quà Tết nhau. Biện pháp “báo cơ quan chức năng qua đường dây nóng” cũng chỉ có tác dụng răn đe với người có ý thức.

Nếu người cán bộ có ý thức, trách nhiệm, gương mẫu sẽ tự giác thực hiện. Người không tự giác, sẽ tìm cách luồn lách, lợi dụng quà Tết để kiếm lợi cá nhân, mà không ai có thể kiểm soát được.

Chẳng hạn như, người ta tặng quà Tết nhau đâu cần chở đồ cồng kềnh để ai cũng trông thấy mà báo cho cơ quan chức năng. “Họ "đi đêm" với nhau, thì ai biết được đó là quà Tết mang ý nghĩa tình cảm hay biểu hiện hối lộ? Chỉ có người trong cuộc mới biết”, ông Thụy nói.

Ông Thụy cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình trước ý kiến đề xuất cấm hẳn cán bộ, công chức, viên chức tặng quà hay nhận quà Tết. Bởi, đây là sinh hoạt tập quán, nét đẹp của dân tộc, chuyện bình thường. Ví dụ, hai gia đình thăm nhau dịp Tết, có chút quà biếu nhau rất đáng quý.

"Điều cần phê phán là sự biến tướng, lợi dụng quà Tết để kiếm lợi, hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy biên chế", ông Thụy bày tỏ.

Quy định bao nhiêu tiền là quà, bao nhiêu là hối lộ

Ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, Hà Nội luôn có văn bản nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên; không được sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công để đi làm quà Tết cấp trên.

Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng, mang tiền của cơ quan đi biếu cấp trên cũng là giúp cho cơ quan mình thuận lợi hơn trong công việc, không phải đút túi mang về. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó, điều này cũng có nghĩa dùng tiền công, tiền thuế của dân để tạo ảnh hưởng riêng cho cá nhân lãnh đạo đơn vị đó.

Ông Long cũng đồng tình, nếu món quà dùng tiền công quỹ mới có thể kiểm soát được. Nếu dùng tiền riêng để tặng quà Tết cấp trên sẽ rất khó kiểm soát.

Ông Long phân tích, bản thân chuyện tặng quà nhau ngày Tết có ý nghĩa tốt đẹp. Nhưng món quà không phải có giá trị vật chất, mà ở ý nghĩa việc làm, xuất phát từ tấm lòng. Ví dụ như, con cái đến với bố mẹ, học trò đến thầy... biếu thầy, cha mẹ con gà, chai rượu để ghi nhớ công ơn dạy dỗ.

Hiện nay, có chuyện mượn quà Tết để đến với người có quan hệ ảnh hưởng đến mình tặng món quà giá trị lớn, nhằm mưu cầu những chuyện khác.

“Tôi biết, nhiều người vẫn ngụy biện rằng chuyện tặng quà, nhận quà là văn hóa. Nhưng xin nói là bản chất quà Tết khác, nó không nằm ở món vật chất giá trị bao nhiêu tiền mà xuất phát từ yếu tố tinh thần. Đó là cách nói để họ yên tâm nhận quà”, ông Long nói.

Theo nghiên cứu kinh nghiệm của ông Long, ở một số nước, họ quy định về giá trị vật chất món quà. Trong đó nêu rõ, ở mức độ giá trị nào coi là quà, mức độ nào là hối lộ. Đây có thể là kinh nghiệm các cơ quan chức năng của Việt Nam nghiên cứu thêm.

Ông cũng cho biết thêm: Một số nước quy định, lãnh đạo đi công tác nước ngoài được tặng quà trị giá bao nhiêu tiền được giữ, bao nhiêu phải nộp lại. Bởi, quà được tặng là do vị trí công tác chứ không phải cá nhân.