Tại Đà Nẵng có một khu chung cư cao tầng được xây dựng dành riêng cho những phụ nữ đơn thân, bất hạnh làm chủ hộ. Chung cư đặc biệt này bắt đầu khởi xướng từ ông Nguyễn Bá Thanh, khi đó là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Nghẹn ngào phút tưởng niệm ông Nguyễn Bá Thanh tại khu chung cư đơn thân.
Trong lần đến thăm, tặng quà Tết vào dịp cuối năm tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), thấy cuộc sống của nhiều phụ nữ đơn thân, bất hạnh còn nhiều khó khăn, nhà cửa xập xệ, ông Nguyễn Bá Thanh có ý tưởng sẽ xây dựng mái ấm ổn định dành cho những người phụ nữ này.
Sau đó, tháng 5.2012, khu chung cư gồm 4 nhà (5 tầng) được hoàn thành, trở thành mái ấm ổn định cho hơn 140 hộ phụ nữ đơn thân, bất hạnh.
Chúng tôi tìm về khu chung cư đơn thân trong những ngày người dân Đà Nẵng đang chìm trong cảm xúc đau thương vì sự ra đi của ông Thanh. Nghe tin ông Thanh mất, hơn 140 hộ dân ở đây như chết lặng.
Ký ức về ông Thanh hiện về rõ mòn một trong tâm trí những người phụ nữ này. Với họ, ông Thanh là người có công cất đất, dựng nhà để họ an cư lập nghiệp, nảy mầm sự sống tốt đẹp.
Chị Lê Thị Cẩm Thanh - Tổ trưởng tổ 91, khối A khu chung cư cho biết: “Ngày trước, những chị em chúng tôi sống ở khu nhà liền kề, cuộc sống rất khó khăn, nhà cửa lụp xụp. Bác xuống thăm vỗ vai động viên, mấy chị em chúng tôi cố gắng nuôi con, bác sẽ lo chỗ ở cho chị em ổn định làm ăn. Thế là năm 2012, hơn 140 hộ phụ nữ đơn thân bất hạnh được chuyển về nơi ở khang trang”.
Những ngày cuối năm Giáp Ngọ, khu chung cư 5 tầng khang trang dành cho phụ nữ đơn thân bỗng hiu hắt, nét buồn, tiếc thương xuất hiện rõ trên từng khuôn mặt. Câu chuyện về ông Nguyễn Bá Thanh được họ nhắc đi nhắc lại, đó là những ký ức đẹp, lòng biết ơn và cả sự tiếc thương dành cho vị lãnh đạo gần dân này.
Bà Nguyễn Thị Mực rớm nước mắt khi hồi tưởng về ông Nguyễn Bá Thanh.
Nhắc về ông Thanh, bà Nguyễn Thị Mực (53 tuổi) rơm rớm nước mắt: “Năm 2010-2011 bác Thanh lúc ấy còn khỏe lắm, bác đến đây tặng quà Tết và cho chị em chúng tôi mỗi người 1 triệu đồng. Nhờ có bác mà chúng tôi có được mái ấm như hôm nay, nhiều chị em chúng tôi ở đây coi bác Thanh như người cha. Ngày bác mang bệnh, chúng tôi ngày đêm nguyện cầu, bây giờ bác mất, nỗi đau như mất đi người thân trong gia đình”.
“Tôi được gặp bác Thanh vài lần, lúc còn làm ở đây, mùa bão năm nào bác cũng đến để di dời chị em chúng tôi về nơi trú ẩn an toàn. Trẻ em bất hạnh được bác tạo mọi điều kiện để giúp đỡ, lúc thiên tai thì bác đến bắt tay từng người động viên, rồi hỗ trợ cho chị em từng gói mì tôm, ký gạo” - chị Lê Thị Nhung (SN 1970) xúc động kể.
Chiều muộn, những người phụ nữ đơn thân vẫn đang tranh thủ làm nốt công việc cuối ngày để xuống viếng ông Thanh tại nhà riêng. Nỗi buồn, sự tiếc thương đọng lại nơi khóe mắt của họ...