Dân Việt

Vụ cắt nhầm bàng quang bé 21 tháng: 9 bệnh viện cùng hội chẩn

27/12/2012 15:56 GMT+7
Dân Việt - Có 12/15 chuyên gia tham gia hội chẩn chọn phương án sẽ tái tạo bàng quang cho bé T.A.Đ sau 6 tháng đến 1 năm nữa, 2 chuyên gia đề xuất phẫu thuật hai giai đoạn cách nhau nhiều năm.

Sáng 27.12, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra cuộc hội chẩn tập thể của 15 bác sĩ chuyên khoa đến từ 9 bệnh viện lớn trong cả nước, bàn phương án phẫu thuật tái tạo bàng quang cho bé trai T.A.Đ (21 tháng tuổi, trú Cam Ranh, Khánh Hòa), bị cắt nhầm bàng quang hồi cuối tháng 10 vừa qua.

img
Các chuyên gia thăm khám bé T.A.Đ

Cuộc hội chẩn do Sở Y tế Khánh Hòa cùng bệnh viện đa khoa Khánh Hòa phối hợp tổ chức, dưới sự chủ trì chuyên môn của GS-TS Nguyễn Thanh Liêm – Chủ tịch Hội phẫu thuật nhi Việt Nam, Giám đốc bệnh viện Nhi trung ương. Tham gia hội chẩn có 15 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ... về ngoại niệu - thận hàng đầu của các bệnh viện: Nhi trung ương, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Trung ương Huế, Bình Dân, Đa khoa Đà Nẵng, Quân y 103, Hoàn Vũ và Khánh Hòa, trong đó có PGS-TS Vũ Lê Chuyên – Chủ tịch Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam, Phó Giám đốc bệnh viện Bình Dân.

Trước cuộc hội chẩn này, giới chuyên môn trong nước đưa ra hai phương án điều trị chính: đợi bé T.A.Đ đủ 5 tuổi mới làm phẫu thuật bàng quang, hoặc phẫu thuật tái tạo ngay khi sức khỏe bé hồi phục cho phép - dự kiến trong vài tháng tới. Riêng kỹ thuật tái tạo bàng quang hiện nay có nhiều phương pháp. Cuộc hội chẩn nhằm xác định phương án phù hợp nhất cho trường hợp của bé.

img
Các chuyên gia cùng hội chẩn

Tại cuộc hội chẩn, các chuyên gia đã đề xuất, tranh luận thẳng thắn và cởi mở. Có 12/15 chuyên gia chọn phương án sẽ tái tạo bàng quang sau 6 tháng đến 1 năm nữa, 2 chuyên gia đề xuất phẫu thuật hai giai đoạn cách nhau nhiều năm. Riêng PGS-TS Lê Tấn Sơn, Trưởng khoa Thận – Niệu bệnh viện Nhi Đồng 2 (trực tiếp mổ ca thứ 3 cho bé hồi đầu tháng 11 vừa qua) bảo lưu quan điểm sau 5 tuổi mới phẫu thuật.

Có 3 bệnh viện được đề xuất chọn mổ tái tạo, gồm: Nhi trung ương, Nhi Đồng 2 và Đa khoa Đà Nẵng.

GS-TS Liêm kết luận: Về nơi thực hiện, sẽ trình Bộ Y tế quyết định. Về phương pháp tái tạo, ưu tiên nối bàng quang tái tạo với cổ niệu đạo để bé có thể đi tiểu bình thường (sau khi được huấn luyện vài năm). Nếu không thể thực hiện theo cách đó, đành dẫn lưu ra thành bụng.

BS chuyên khoa niệu Nguyễn Ngọc Hiền - nguyên Phó giám đốc phụ trách khối Ngoại khoa bệnh viện đa khoa Khánh Hòa (từng phẫu thuật rất nhiều ca niệu phức tạp) đề xuất phương án nối bàng quang tái tạo với cổ niệu đạo, có dẫn lưu ra thành bụng. Sau khi bé tập được phản xạ đi tiểu, sẽ bít dẫn lưu ở thành bụng.

Cuộc hội chẩn chưa xác định ê kíp chuyên môn nào sẽ thực hiện ca phẫu thuật tái tạo bàng quang cho bé.