Những công việc như bán cát lư hương, phong bao lì xì, làm đẹp mồ mả, đánh bóng lư đồng…, nhiều người vẫn hay thường gọi là nghề “Tết” vào vụ.
Không khí Tết đang rộn ràng khắp nơi, hương xuân len lỏi khắp con đường, ngõ hẻm tại Đà thành. Nhiều chuyến xe chở khách hối hả về quê ăn Tết, nhưng cũng có không ít những người ở lại nơi này để mưu sinh.
Những chuyến xe bò chở cát lư hương do những người dân đưa lên từ Quảng Nam, Quảng Ngãi bày bán ngày một đông tại Đà Nẵng. Mỗi lon cát có giá 2.000 đồng, bao nhỏ thì 10.000 đồng, bao lớn 20.000 đồng.
Gạt vội giọt mồ hôi lăn trên trán, ông Nguyễn Chạ (55 tuổi, Quảng Nam) tâm sự: “Thường ngày tôi làm nghề chở hàng và chuyển nhà thuê. Cứ gần Tết là tôi về quê chở cát trắng ra đây bán, ngót gần 22 năm rồi. Cái nghề ni chỉ bán được dịp Tết thôi, tranh thủ làm vài xe để có tiền sắm Tết”.
Ông Nguyễn Chạ với thâm niên hơn 20 năm bán cát lư hương vào dịp Tết.
Những ngày cuối năm, nhà nhà làm mới và trang trí bàn thờ của ông bà, tổ tiên nên công đánh bóng lư đồng là việc không thể thiếu. Nắm bắt được nhu cầu ấy, nghề này luôn hút khách tại Đà Nẵng vào dịp cận Tết.
Ông Võ Văn Kỳ (60 tuổi, thợ đánh bóng lư đồng) phân tích: “Cái nghề này độc hại hơn so với nghề khác, vì người thợ phải tiếp xúc với máy mài lư đồng cả ngày. Bụi bặm và mùi hôi khi mài ảnh hưởng đến sức khỏe của người thợ. Mỗi bộ lư nhỏ công mài với giá 150 ngàn, bộ lớn thì 250 ngàn trở lên. Nhờ vậy mà tôi có thu nhập khấm khá trong ngày cuối năm”.
Tại các khu nghĩa địa thuộc huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, nghề làm mới cho những ngôi mộ bắt đầu vào vụ. Việc tu bổ, sơn quét mồ mả trong những ngày cận Tết khá phổ biến, rất nhiều nơi trong tình trạng thiếu thợ.
Anh Nguyễn Văn Hà (45 tuổi) tâm sự: “Nghề làm mới cho mồ mả người chết, chịu khó tí là được. Dù hơi vất vả, nhưng tranh thủ dịp Tết thì gia đình tôi cũng kiếm được thêm thu nhập. Những ngày này, làm cả buổi trưa mới kịp cho khách”.
Sinh viên chọn nghề bán bao lì xì để mưu sinh dịp cuối năm.
Trong khi đó, nhiều bạn sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại Đà Nẵng cũng trở thành những "ông, bà chủ" bán bao lì xì kiếm tiền về xe trong dịp Tết. Công việc này khá nhẹ nhàng và rất hợp với sinh viên.
“Mỗi phong bao có già từ vài ngàn đến vài chục ngàn. Mình chỉ cần chọn góc ngồi rồi niềm nở với khách là có tiền về xe rồi. Không nặng nhọc lắm, mình chỉ mong bán hết sớm để có tiền về quê” - chị Phan Thị Thảo (Quảng Ngãi) chia sẻ.
Tại chợ hoa đường 2.9 (quận Hải Châu, Đà Nẵng), nghề chở thuê cây cảnh, hoa đang bắt đầu nở rộ. Đa số người làm nghề này là xe thồ, xích lô thường ngày. Xuất phát từ nhu cầu mua cây cảnh chưng Tết của người dân, họ chuyển sang chở thuê để kiếm thu nhập.
Nghề chở cây cảnh thuê vào vụ.
“Khó lắm, chở mà rớt cái chậu là coi như mất Tết. Năm ngoái tôi làm bể chậu mai cảnh phải đền tiền cho họ, thế là Tết không sắm được gì cho gia đình luôn. Nhưng nếu cẩn thận thì thu nhập cao hơn nhiều những ngày làm xe thồ chở khách” - ông Lê Hòa (50 tuổi) giãi bày.
Dịp cuối năm, đối với những người lao động là dịp để mưu sinh, kiếm thu nhập để có cái Tết sung túc, ấm no.