Hơn 50 năm, hai vợ chồng bám víu vào nhau mưu sinh bằng nghề bán chổi. Chồng bị mù, người vợ trở thành "đôi mắt" để chồng nhìn thấy được ánh sáng, niềm tin của cuộc đời.
Bà Bé trở thành "đôi mắt" của chồng trên chặng đường mưu sinh.
Vợ là "đôi mắt"
Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, nằm nép mình tại con hẻm nhỏ thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, vợ chồng ông Cộ đang tất bật chuẩn bị cho 1 ngày mưu sinh. Dáng người gầy còm, đôi mắt của ông Cộ không nhìn thấy được ánh sáng, nên dường như mọi chuyện đều nhờ vào bàn tay yếu ớt của người vợ.
Ông Cộ kể: “Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, trong cuộc chiến tranh tôi để lại đôi mắt vĩnh viễn nơi chiến trường. Năm 1967, về quê lập nghiệp cũng là lúc tôi sống trong bóng tối”.
Bị mù, nhưng ông Cộ vẫn sống với niềm tin và nghị lực. Hiểu và cảm thông hoàn cảnh của nhau, ông Cộ và bà Bé nên duyên vợ chồng và có với nhau được 4 người con (3 trai, 1 gái).
“Nhiều khi nghĩ tôi vẫn còn may mắn vì gặp được người vợ yêu thương mình. Tôi thì cũng chỉ là người dân nghèo, lại bị mù, bao nhiêu năm tôi chưa cho bà được cái sung túc, đầy đủ như người ta nhưng bà vẫn không hờn giận, oán trách. Bà chính là "đôi mắt" của tôi, không có bà coi như cuộc sống của tôi không còn ý nghĩa gì nữa” - ông Cộ tâm sự.
Hai vợ chồng ông Cộ chắt chiu từng đồng để nuôi 4 con nên người. Ba người con trai đầu đều cuộc sống nghèo khó và mang trong mình bệnh hiểm nghèo. Cô con gái út khỏe mạnh thì chồng mất sớm, lam lũ nuôi 4 đứa con ăn học nên không đỡ đần được mấy cho vợ chồng ông bà.
Bà Bé nghẹn ngào nói: “Vợ chồng tôi không có số hưởng thụ tuổi già, sinh con ra nhưng đứa nào cũng nghèo khổ, có lo gì cho mình được đâu. Ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng phải làm lụng để kiếm tiền chứ không thì chết đói”.
Nặng gánh mưu sinh
Ngày qua ngày, vợ chồng ông Cộ tất bật lặn lội khắp con đường ngõ hẻm của thành phố để mưu sinh. Mỗi chuyến mang theo khoảng 30 cây chổi để bán, vợ cầm gậy chỉ đường cho chồng. Bắt đầu từ sáng tinh mơ cho đến khi tối mịt thì một ngày mưu sinh mới kết thúc.
Hạnh phúc giản đơn của gia đình “chồng mù, vợ sáng”.
Theo ông Cộ, với mỗi cây chổi có giá từ 30 đến 50 ngàn đồng thì vợ chồng ông chỉ lời được vài ba ngàn. Mỗi ngày bán được khoảng 10 cây chổi thì đủ tiền cơm. Đó là những ngày trúng mánh, còn ngày mưa thì chỉ biết ăn mì tôm, bánh mì để cầm chừng.
Trên chặng đường mưu sinh, 2 vợ chồng ông Cộ gặp không ít trở ngại. Tuổi cao, chân tay yếu ớt nên khó khăn là điều khó tránh khỏi. Ông mắc bệnh huyết áp, bà mang trong mình căn bệnh viêm khớp mạn tính, nhưng đôi vợ chồng này vẫn không nản lòng. Ông bà chắt chiu từng đồng để có cơm ăn, áo mặc và trang trải tiền thuốc men lúc đau ốm.
“Nhiều lúc đi đường tôi mệt quá té ngã là chuyện bình thường. Có khi bà bỏ cả chổi lại để đưa tôi vào viện, dù không nhìn thấy nhưng tôi biết bà rất lo cho tôi. Hơn 50 năm chung sống, vợ luôn động viên, an ủi, nhờ bà mà tôi thấy cuộc đời đẹp hơn” - ông Cộ chia sẻ.
Mọi chuyện trong gia đình đều do một tay bà Bé lo liệu. Từ miếng cơm cho đến cái quần, cái áo…, tất tần tật bà đều chăm sóc chồng chu toàn.
Nhiều lần bà Bé muốn ông Cộ ở nhà cho khỏe, để mình bà đi bán nhưng ông không đồng ý. Ông bảo muốn đi cùng bà có khó khăn thì còn tương trợ, ông không muốn làm gánh nặng cho người vợ của mình. Thế là dù mưa hay nắng, tiếng rao “chổi đây, chổi đây” phát ra từ đôi vợ chồng già cứ vang vọng trên khắp nẻo đường.
Trong căn nhà chật hẹp, tiếng cười nói của đôi vợ chồng già bỗng ấm cúng lạ thường. Dù khó khăn, mệt nhọc nhưng họ vẫn dành trọn tình cảm cho nhau.
Bị mù nên cuộc sống sinh hoạt của ông Cộ rất khó khăn, mỗi khi không có bà ông phải tự mò mẫm. Trải qua những trở ngại thường nhật, bà Bé vẫn dành cho người chồng sự thủy chung, tận tụy vì chồng vì con.
“Chồng tôi bị mù nên bản thân tôi làm vợ thì phải cố gắng gấp đôi những người vợ khác để bù đắp cho thiếu thốn của chồng. Nhiều khi nhìn thấy ổng bị té ngã vì không thấy đường, tôi thương lắm, nhưng sức tôi yếu rồi làm sao mà đỡ ổng nổi” - bà Bé rưng rức nước mắt.
Cuộc sống thiếu thốn nhưng hạnh phúc luôn dâng đầy trong căn nhà tuềnh toàng ấy. Bao năm qua, bà Bé đã trở thành "đôi mắt" để người chồng mình có thể cảm nhận được ánh sáng của cuộc đời. Chuyện tình cổ tích của họ đã vượt qua những định kiến, khó nhọc và được nhiều người trân trọng.