Những ngày giáp Tết năm Ất Mùi 2015, PV đã tìm về nhà ông Phạm Văn Lé (SN 1963) sau khi ông được chứng minh bị bắt oan sai và trở về từ trại tạm giam của Công an tỉnh Sóc Trăng.
Gặp chúng tôi, ông Phạm Văn Lé bùi ngùi: “Tính ra, tôi cùng vợ và em trai đón 2 cái Tết ở trong trại tạm giam Công an Sóc Trăng. Với tôi, những ngày đó thật khó quên”.
Theo lời kể của ông: “Cái Tết đầu tiên trong trại tạm giam, tôi không thấy buồn, không thấy nhớ, cũng không khóc vì lúc đó, thần kinh tôi như có vấn đề. Tôi không nhớ, không biết gì cả. Có thể là do trước đó tôi bị đánh đập, ép cung nên đã ảnh hưởng tới trí nhớ. Còn Tết sau, tôi thấy nhớ nhà, khóc nhiều lắm, khóc suốt”.
Rồi ông Lé kể tiếp: “Ở trong trại giam, đồ ăn trong những ngày Tết rất phong phú và nhiều nhưng tôi không ăn nổi vì nhớ nhà quá.
Bình thường, chiều 30 Tết, cả nhà xúm xít bên nhau ăn bữa cơm tất niên đón ông bà, tối 30 Tết thì đi chơi, đi xem bắn pháo bông rồi về nhà đón giao thừa. Các ngày khác thì đi chơi, đi chúc Tết mọi người.
Còn những ngày trong trại giam thì tôi phải ngồi trong buồng giam, không được ra ngoài, không được gặp ai, buồn quá. Suốt mấy ngày Tết, nước mắt cứ chảy dài. Đã 2 cái Tết chúng tôi không được đốt một cây nhang nào cho ông bà, tổ tiên”.
Những ngày Tết ở trại giam, những người bị giam phải ở trong phòng giam, mỗi phòng có 3 người, không được ra ngoài. Để đón Tết, ngoài phần ăn do trại cung cấp, những người bị giam còn tổ chức chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn”.
Họ hát cho nhau nghe, hát cho quên đi nỗi buồn trong lòng. Khi có người hát xong, tất cả cùng vỗ tay khuyến khích. Nếu không ở cùng phòng nhau thì nhiều người chỉ nghe tiếng hát chứ không thấy mặt người hát nhưng không khí rất hào hứng. Họ hát cho quên đi nỗi buồn xa nhà, xa người thân thích.
Bà Thạch Thị Xem (vợ ông Lé) cũng là người bị bắt giam oan cho biết: “2 cái Tết trong trại giam đối với tôi buồn không thể nào tả nổi. Những ngày đó, nhớ con, nhớ mẹ quá, tôi khóc suốt đêm. Dù được cho ăn khá tươm tất, đầy đủ nhưng tôi không thể nào ăn được.
Vợ chồng tôi có 2 đứa con, đứa con gái lớn đi làm công nhân ở TP.HCM, đứa con trai còn nhỏ phải ở nhà một mình trong những ngày thường đã thấy tội nghiệp, những ngày Tết càng thấy xót xa hơn. Nằm trên bệ xi-măng lạnh lưng không buồn, chỉ buồn khi nghĩ về con cô đơn trong ngày Tết. Bây giờ nhớ lại, khủng khiếp quá.
Những ngày Tết là ngày gia đình đoàn tụ, còn vợ chồng tôi, những ngày Tết đều cùng ở trong trại giam, không được gặp nhau, thấy tủi thân vô cùng. Vợ chồng, anh em cùng ở trong một khu vực nhưng cũng không được gặp nhau”.
Nhớ lại những giây phút con cái xa nhà trong những ngày Tết ấy, cụ bà Đào Thị Quới (mẹ ruột ông Lé, ông Lến) không khỏi bùi ngùi: “Ngày Tết, gia đình người ta sum họp, còn gia đình tôi, 2 con trai và 1 con dâu ngồi trong trại giam, buồn lắm.
Nhà thằng Lé có 2 đứa con nhưng cha mẹ bị bắt giam nên 2 đứa con nó cũng không có tâm trạng nào mà nghĩ tới Tết. Còn tôi ở với thằng Lến, vốn nó đã bị bệnh về thần kinh, khi bị bắt, tôi thương nó lắm.
Một mình trong căn nhà trống trước hở sau suốt một thời gian dài, tôi tưởng chừng như mình không thể nào chịu nổi. Nhưng Tết năm nay vui rồi vì con cái đã được minh oan, về ăn Tết với gia đình cùng bà con hàng xóm”.
Với vợ chồng ông Lé, Tết này có lẽ là một trong những cái Tết đáng nhớ nhất khi họ đã được trả tự do sau 2 năm bị bắt giam oan.
Ông Lé phấn khởi ra mặt và cho biết: “Nhờ hồng phúc của ông bà, tổ tiên mà chúng tôi mới được minh oan, mới được trở về nhà sau 2 năm bị bắt giam oan sai. Tết này, vợ chồng tôi sẽ dành thời gian đi thăm bà con trong xóm, thăm những người đã hiểu, cảm thông, chia sẻ và giúp chúng tôi trong thời gian vừa qua. Vợ chồng tôi và chú Lến như được sinh ra lần thứ hai.”.
Anh Huỳnh Văn Nam - Bí thư chi bộ, Trưởng ban Nhân dân khóm Biển Dưới cho biết: “Ngày vợ chồng ông Lé và Lến bị bắt, bà con chúng tôi biết họ bị oan nên không quản ngại khó khăn, cùng nhau đi kêu oan cho họ. Hai cái Tết không có họ ở nhà, cả xóm cũng thấy Tết vắng đi một phần. Còn năm nay, họ về rồi, bà con chúng tôi lại vui như dạo trước”