Duy Phương và khoảnh khắc "đỏ mặt"
Nghệ sĩ hài Duy Phương kể có lần anh chạy sô mà xe máy hư nên đón xe đò từ Sài Gòn về Long An cho kịp giờ diễn. Trên xe rất đông khách, anh là diễn viên trẻ nên chưa mấy người nhận biết, chỉ lặng lẽ ngồi chờ cho đến điểm dừng sẽ xuống xe đến sân khấu diễn. Không ngờ, trên xe có một phụ nữ bế theo con trai khoảng 2 tuổi. Chị này nhận ra nghệ sĩ Duy Phương nên đến hỏi thăm, làm quen, anh cũng đáp lại vài câu.
Cả hai đang nói chuyện thì đứa bé khóc ầm ĩ. Người phụ nữ dỗ dành cỡ nào đứa bé cũng không nín. Ban đầu, hành khách trên xe thông cảm, chịu đựng nhưng rồi họ tỏ ra khó chịu. Thấy vậy, nghệ sĩ Duy Phương lấy trong túi ra một bao lì - xì màu đỏ - anh chuẩn bị sẵn để đến điểm diễn mừng tuổi mấy anh hậu đài trong đoàn hát, đưa cho đứa bé. Thế nhưng, đứa bé vẫn khóc thét lên. Bực bội xen lẫn chút tức giận, người phụ nữ vén áo, hỏi con mình: “Chú Duy Phương lì xì mà sao mày còn khóc? Bây giờ mày không bú tao cho chú Duy Phương bú?”.
Tự dưng thằng bé im re còn cả xe cười ầm ĩ, nghệ sĩ Duy Phương thì ngại đến…"tím người"!
NSƯT Bảo Quốc "giải vây" cho nghệ sĩ Chí Hiếu
NSƯT Bảo Quốc nhớ hoài một kỷ niệm buồn cười khi chạy sô từ đoàn hát đang diễn vở Rạng ngọc Côn Sơn qua một tụ điểm diễn tấu hài. Anh và nghệ sĩ Chí Hiếu mỗi người mỗi xe máy chạy trước, chạy sau, tranh thủ khoảng trống không có phân cảnh giữa vở Rạng ngọc Côn Sơn, cùng cố đến điểm diễn.
Đoạn đường giữa hai điểm diễn cách nhau 10 km, hai anh phải chạy đến hai bận. Diễn tấu hài xong, cả hai lên xe máy quay lại nơi diễn vở Rạng ngọc Côn Sơn để chuẩn bị cho vai mình. Nhưng khi NSƯT Bảo Quốc về đến điểm diễn, quay lại, không nhìn thấy nghệ sĩ Chí Hiếu đâu cả.
"Lúc đó đâu có điện thoại di động để liên lạc, tôi liền quay xe lại tìm Chí Hiếu. Đến nơi mới tá hỏa, người dân và công an đang vây quanh Chí Hiếu. Họ nói anh là ăn cướp đang rượt theo NSƯT Bảo Quốc để chém, vì trên tay anh đang cầm mã tấu, còn mặt trông rất côn đồ" - NSƯT Bảo Quốc kể. Trên thực tế, nghệ sĩ Chí Hiếu cầm mã tấu đạo cụ, còn gương mặt hóa trang dữ dằn vì diễn vai giang hồ. Chính vì thế, người dân và công an không nhận ra, cho dù Chí Hiếu thanh minh liên tục, vẫn bị mời về đồn công an tạm giam.
"Khi tôi đến nơi, anh Chí Hiếu đã từ trạng thái năn nỉ chuyển qua…cau có, bực bội, anh nói: “Trời ơi, tôi là Chí Hiếu, tôi đi diễn với Bảo Quốc!”. Một phụ nữ có mặt lúc đó lên tiếng: “Ông xạo, cái mặt ông diễn ai coi”. Chí Hiếu lớn tiếng: “Trời ơi, ngó xuống mà coi, tôi bị trễ tuồng rồi”. Chị kia cũng lớn tiếng: “Ăn cướp mà còn bày đặt trễ tuồng, cho ông gỡ lịch 10 năm”. Tôi lập tức chạy đến giãy bày, lúc đó bà con và các anh công an mới cho chúng tôi đi. Anh Chí Hiếu lên xe rồ máy còn kịp nói với chị buộc tội mình: “Mai mốt có vô khám gỡ lịch, thế nào tôi cũng rủ bà này cùng gỡ”. Chị kia bẻn lẽn cười: “Em xin lỗi…em cũng chưa có chồng, nên sẵn sàng gỡ cùng anh!”.
Vợ chồng NS Bảo Quốc
Giải quyết chuyện lì - xì "kiểu" Hồng Nga
Theo nghệ sĩ Hồng Nga, lì - xì gọi là “tục” có lẽ không đúng, theo chị đấy chỉ là “lệ”. Thế nhưng, cái lệ này đã quá quen thuộc và không thể nào thiếu mỗi khi Tết đến. Đến nhà bạn bè chơi ngày Tết mà không lì - xì cho con, cháu của bạn thì coi không được. Nhưng nếu ở nhà bạn mình có chừng... một "tiểu đội" con cháu xếp hàng chờ chúc Tết thì người “ban phát tài lộc” nhanh chóng bị...“viêm màng túi!”.
Tình huống này đã xảy đến với Hồng Nga, lần đó, sau khi diễn xong, chị đến thăm nhà bạn thân là cố nghệ sĩ Kim Ngọc ở Giồng ông Tố nhưng không thể ngờ con cháu của bạn mình đếm đến 30 người. “Lúc đó, diễn Tết lãnh tiền ba cọc ba đồng. Lì - xì ít quá coi không được, mà lì - xì nhiều cho một số lượng đông như thế thì “quá hớp!”, không đủ khả năng. Dở khóc, dở cười chứ chẳng chơi! Thế là, tôi bèn xin một tờ giấy, biểu tất cả ghi tên vào. Kim Ngọc trố mắt nhìn tôi hỏi: “Mày làm cái gì vậy Hồng Nga?, tôi cười: “Thì ghi sổ, qua Tết tao quay lại lì - xì” – Nghệ sĩ Hồng Nga xúc động kể. Mỗi khi nhắc đến chuyện này chị lại bùi ngùi nhớ đến người bạn thân thiết đã ra đi vĩnh viễn.
Kế trị thói... bớt lương!
Ngày Tết, nghệ sĩ bị bầu sô tìm cách bớt xén thù lao khá phổ biến, có đến 1.001 kiểu. Nghệ sĩ Mỹ Chi kể: "Phần đông anh chị em nghệ sĩ các đoàn biết chuyện nhưng vẫn phải ngậm bồ hòn mà hát. Chỉ có một vài nghệ sĩ (thường là đào, kép, hề chánh) nổi tiếng mới phản ứng, tìm cách đối phó. Dù “cuộc chiến” không cân sức nhưng các nghệ sĩ đó vẫn có rất nhiều “chiêu” buộc chủ đoàn hát phát đủ thù lao cho anh chị em nghệ sĩ trong đoàn".
Theo lời kể của nghệ sĩ Mỹ Chi, trước đây, ở miền Tây có bầu Ngân tuy đoàn nhỏ nhưng lại khá nổi tiếng vì... hay bớt thù lao nghệ sĩ. Đêm mùng 2 Tết, đoàn của ông này về diễn ở Chợ Mới - tỉnh An Giang vở “Phạm Công Cúc Hoa” rất đông khách. Nhưng bầu Ngân bị chủ nợ đòi tiền nên làm liều: phát lương "đờ - mi" (nửa mức lương đủ) cho anh chị em trong đoàn mà không thương lượng trước. Anh kép chánh (tạm gọi là Z) của đoàn bị bầu Ngân bớt tiền nhiều lần nên tức lắm. Lần này, thấy lượng khán giả hơn 2000 người mà bầu Ngân chỉ phát đờ - mi, nên Z nghĩ ra “chiêu” để trị ông bầu này.
Mỹ Chi và Tùng Lâm, Thanh Hoài
Kép Z đóng vai Phạm Công, đến lớp Phạm Công được vua ra lệnh đi dẹp giặc Sầm Hưng ở biên giới thì Phạm Công chỉ giao đấu vài ba hiệp bỗng... ngã lăn ra chết. Người đóng vai Sầm Hưng tưởng kép Z bị trúng gió bất ngờ nên cúi xuống giựt tóc mai cấp cứu, còn khán giả ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì. Kép Z bị bạn diễn làm đau nên nói nhỏ với “Sầm Hưng”: Tôi không bị gì đâu. Tôi làm như thế để bầu Ngân phát lương đủ cho anh em mình mà thôi".
“Sầm Hưng” hiểu ý bèn đứng lên ra bộ, đi thụt lùi rồi nói một câu thật to cho mọi người nghe: “Phạm Công đang dùng tà thuật giả chết, ta không dại gì đến gần nó cho mang họa, về trại ta điều động thêm tướng sĩ đến ứng phó cho chắc ăn”... Như hiểu ý, dàn nhạc lúc này trỗi lên một bài nhạc buồn, mà ngày Tết khán giả kỵ xem tuồng có người chết, nên la lớn phản đối. Cùng lúc bốn quân sĩ từ trong hậu trường mang khí giới chạy ra canh chừng cho... chủ tướng Phạm Công. “Sầm Hưng” nhân cơ hội đó vào hậu trường thông báo cho bầu Ngân biết kép Z đòi phát lương đủ mới chịu hát.
Bầu Ngân biết chuyện, chạy vào hậu trường mặc áo dài, gắn râu (không làm mặt) rồi kêu hậu đài kéo dây bay cho ông bay ra sàn diễn. Đứng trên bục cao, bầu Ngân vuốt chòm râu bạc rồi nói: “Ta là Tiên trên thượng giới được lệnh Ngọc Hoàng Thượng đế xuống trần gian xem xét sự tình, ngang qua đây thấy người hiền bị nạn nên dừng chân để cứu”. Bầu Ngân nói xong liền bước xuống chỗ anh kép chánh nói nhỏ: “Tao lạy mày, mau đứng lên diễn đi, tao phát lương đủ cho!”.
Anh kép chánh Z: “Ông nói là phải giữ lời hứa, nếu còn gạt gẫm, bớt xén lương anh em trong đoàn nữa thì tôi sẽ không hát luôn cho ông biết tay”. Bầu Ngân trong vai tiên ông nói: “Được rồi. Tiên hứa là chắc mà!” Thương lượng xong, bầu Ngân quay ra sân khấu phán một câu: “Tưởng ai chớ Phạm Công thì ta biết rõ quá. Là người nhân hậu, trung quân ái quốc, chung thủy với vợ hiền nay gặp phải nạn tai, ta sẽ cứu sống”.
Nói xong Tiên ông móc trong túi ra một viên đan dược tròn tròn nhét vào miệng Phạm Công. Một lát sau khán giả thấy Phạm Công tỉnh dậy chào tiên ông. Vở diễn lại được tiếp tục... khán giả không biết nội tình, nhưng thấy sân khấu có Tiên xuất hiện để cứu người ngay gặp nạn thì chịu lắm nên vỗ tay khen ào ào.