Hai cuộc thi hát “hot” nhất trên VTV hiện nay là “Giọng hát Việt” và “Vietnam Idol” đang cuốn người xem vào mê hồn trận với rất nhiều chiêu trò của nhà tổ chức game show...
Cuộc chiến dai dẳng
Đã nhiều ngày sau scandal Thanh Lam chê thẳng thừng trình độ chuyên môn của 2 huấn luyện viên Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà, mà làng ca nhạc vẫn còn nóng chuyện này. Dường như có sự phân vùng Nam - Bắc trong “cuộc chiến giữa các vì sao” và fan của các nghệ sĩ này.
Các thí sinh “Giọng hát Việt” thi vòng Đối đầu. |
Các nghệ sĩ phía Bắc- những người vốn coi trọng yếu tố chuyên môn thanh nhạc hơn tất cả thì ngầm thể hiện sự ủng hộ Thanh Lam, còn phía Nam - nơi mà yếu tố “ăn khách” được đặt lên hàng đầu, cũng đã dùng nhiều chiêu “phản pháo” quyết liệt.
Đích thân 2 nghệ sĩ bị chê cũng đáp trả bằng nhiều đòn trí mạng, đặc biệt ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã không giữ được sự bình tĩnh, anh trả lời phỏng vấn, viết thư gửi fan đều chung một giọng cho biết “nếu mình im lặng là hèn”.
Ngay sau chuyến biểu diễn từ Mỹ trở về, ca sĩ Thanh Lam cho biết chuyện chị chê 2 huấn luyện viên của “Giọng hát Việt” không phải là “vạ miệng”, và chị đủ bản lĩnh để bảo vệ quan điểm của mình. Khán giả đang chờ đợi, phía bị chê sẽ đưa ra tiếp những đòn nào để “tiếp chiêu” mới này.
Dư âm cuộc chiến này có vẻ sẽ còn kéo rất dài, chỉ có chương trình là bỗng nhiên được “hưởng lợi” từ hiệu ứng truyền thông khi cứ hàng ngày mở báo ra, khán giả lại được đọc vô số bài mới về những chuyện bên lề xung quanh “Giọng hát Việt”. Vô hình trung, chương trình đã nóng lại càng thêm nóng, cứ như thể đời sống nghệ thuật của cả nước không còn gì ngoài những chuyện liên quan đến “Giọng hát Việt”.
Thực ra, trong một thế giới giải trí mà ngày càng thiên về bề nổi, mỗi ngày lại xuất hiện hàng loạt ca sĩ mới, với thu nhập cao, sống rất phong lưu nhờ tài... hát nhép theo các bản thu đã được trau chuốt kỹ trong phòng thu, thì có thể ngay lúc này, những lời khuyên chân tình về việc phải rèn luyện kỹ thuật thanh nhạc trở thành chuyện hài hước cũng là điều dễ hiểu.
Khi nào mà những khán giả tuổi teen chỉ thích bong bóng, gấu bông... tràn ngập trên sân khấu vây quanh các “công chúa”, “hoàng tử” thần tượng của họ, bất kể giọng hát ấy có thực không hay được phát ra từ một dàn âm thanh nào đó thì các “ca sĩ lồng tiếng” còn rất nhiều đất sống.
Game show không phải thước đo
Một điều rất dễ nhận thấy là bởi đời sống giải trí và tinh thần của khán giả VN hiện đang quá phụ thuộc vào chiếc TV nên những show game giải trí trên truyền hình lại vô tình trở thành thước đo nghệ thuật. Không phải cuộc thi trong các nhạc viện, không phải thử thách từ các sân khấu ca nhạc mà chính là các cuộc thi hát trên truyền hình mới là cái lò đào tạo và sản xuất khổng lồ các tài năng âm nhạc mới.
Ai có chút tài năng cũng nhăm nhăm đi thi hát trên truyền hình, nào “Vietnam Idol”, “Giọng hát Việt”, “Sao Mai điểm hẹn”, “Ngôi sao Tiếng hát truyền hình”...
Bao nhiêu sân chơi với giải thưởng hấp dẫn, sự nổi tiếng cấp tốc và nhanh như điện nhờ mức độ phổ cập của sóng truyền hình đang hấp dẫn các bạn trẻ từng ngày từng giờ.
Có thể thấy trường hợp của Uyên Linh - cô gái chưa từng qua trường lớp thanh nhạc một ngày nào, chỉ một đêm sau chung kết Vietnam Idol 2010 đã có một lượng fan lớn ngang với các đàn chị phải mất mười mấy năm đi hát mới gây dựng được. Tuy nhiên, bây giờ thì Uyên Linh đã trở về đúng vị trí của cô, chỉ là một ca sĩ thường thường bậc trung với mấy bài tủ đã từng hát trong cuộc thi.
Thi hát trên truyền hình có thế mạnh nhưng không phải là không có những điểm yếu chí tử. Thay vì tuyển chọn những giọng hát thực sự tài năng bất kể ngoại hình như tiêu chí ban đầu, “Giọng hát Việt” vòng Đối đầu đã khiến người hâm mộ “ngã ngửa” khi rất nhiều thí sinh có giọng hát tốt như Thanh Thúy, Hoàng Mạnh, Quốc Huy, Hoàng Dương... đã phải sớm dừng bước để nhường chỗ cho các đối thủ có ngoại hình nhỉnh hơn, dễ câu kéo được tin nhắn bình chọn hơn. Đó là một thực tế chua chát và đắng ngắt.
Có lẽ vì đây là một show game phát sóng trên truyền hình, phần nhìn của khán giả vẫn được ưu tiên hơn những tai nghe có chuyên môn của giới làm nghề. Thế nên nếu là những khán giả công tâm và có chút hiểu biết, đừng bao giờ bị vướng vào những hỏa mù mà Ban tổ chức tung ra, những chiêu trò, những scandal bên lề nhóm lên các cuộc tranh cãi bất tận, mà tất cả cũng chỉ để hướng đến một mục tiêu duy nhất: “Kích động khán giả nhắn tin bình chọn và lôi kéo thêm quảng cáo”.
Ông Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục NTBD: Nên chọn chương trình có ảnh hưởng lớn
Số lượng và tần suất phát sóng hiện nay cho thấy đúng là quá nhiều cuộc thi hát trên truyền hình, nhưng hiện nay chưa có điều luật nào để hạn chế. Hơn nữa, các cuộc thi đó diễn ra trên truyền hình, do các đài sản xuất và phát sóng, mà các cơ quan báo chí hoạt động theo Luật Báo chí, lại không phạm luật nên rất khó “siết”.
Theo tôi, các đài truyền hình nên lựa chọn chương trình nào có sức ảnh hưởng lớn tới công chúng, thanh lọc những chương trình thực sự có tác dụng. Ngoài ra, các đài nên dành thời lượng để phát sóng các chương trình về những lĩnh vực khác, ít khi được xuất hiện trên truyền hình.
Ca sĩ Tùng Dương: Đừng nên vui vì quá nhiều cuộc thi
Tôi nghĩ, trong thời đại ngày nay, với các cuộc thi hát trên truyền hình, ít nhiều cũng phải để ý đến tổng thể của thí sinh chứ không chỉ giọng hát (vì nếu chỉ cần giọng hát thì có thể thi chương trình của đài phát thanh). Các cuộc thi hát trên thực tế chỉ là những phiên bản khác nhau để thể hiện cùng một nội dung là tìm kiếm tài năng, có Idol thì cũng có thể có X Fator, The Voice... Nhưng quá nhiều các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình cũng là điều không nên vui.
Sự nở rộ của chiêu trò trong game show, chương trình truyền hình thực tế và khán giả thích xem những gì thực tế, nhưng khi xem tôi lại thấy chẳng thực tế tý nào. Họ đang diễn. Đứng trước ống kính, họ không thể như đời thường được. Sự diễn ấy mà khán giả nghĩ là thật thì quả là nguy hiểm. Quá nhiều chương trình truyền hình thực tế kiểu như hiện nay, có thể khiến nghệ thuật đi thụt lùi.
Ca sĩ Ngọc Khuê: Vòng Đối đầu đã lộ rõ khiếm khuyết
Vòng Đối đầu của chương trình “Giọng hát Việt” vừa qua, tôi xem qua truyền hình cũng thấy tất cả những khiếm khuyết của thí sinh chưa được học về thanh nhạc đều bị lộ rõ, từ cách luyến láy, nhả chữ tiếng nước ngoài mà nghe như dân gian Việt Nam... Tôi thấy có mỗi một cặp hát rock trong đội Trần Lập là Kim Loan và Đỗ Lệ Quyên đã thể hiện rõ sự cam go, giành giật, quyết liệt nhất trên sân khấu. Còn các cặp khác như Bùi Anh Tuấn và Hồng Dương chẳng hạn, tôi lại có cảm giác hai bạn ấy thi hét nhiều hơn là hát…
M.A (tổng hợp)
Việt An