Đối với nhiều người Hà Nội, việc đi dạo Tết trên phố Hàng Lược để ngắm hoa đào, quất đã trở thành một thói quen tao nhã.
Một mình xuống phố, mua sắm vào buổi chiều cuối cùng của năm, bà Thịnh, một người con của đất Hà thành gần 80 mùa xuân, tâm sự về Tết xưa và nay: “Nói thật, giờ tôi đi chợ không giống ngày xưa bởi ngày xưa phải ăn mặc đẹp mới được đi chợ, nay đơn giản hơn nhiều”.
Không khí tấp nập, rộn ràng đã xuất hiện trên khắp các phiên chợ hoa Tết.
Tại phiên chợ đặc biệt ngày cuối năm này, đào Tết là mặt hàng tiêu thụ chính, những cành đào được lấy từ những vườn đào nổi tiếng Hà Nội như Nhật Tân, Phú Thượng, Nghi Tàm.
Tuy nhiên năm nay thời tiết không thuận lợi khiến đào nở sớm “nhìn đào mà thương người trồng đào”, bà Thịnh tâm sự.
Trong buổi chiều cuối cùng của năm này, dù bình thản hay vội vã nhưng tất cả mọi người đều muốn hướng về gia đình, về tổ ấm nhỏ của mình. Nhưng có người lại tự thưởng cho mình, một buổi chiều lang thang phố cổ để cảm nhận Hà Nội xưa trong không khí của những phiên chợ đặc biệt – ông Nguyễn Xuân Tấn là một người như vậy.
Ông Tấn chia sẻ, mỗi người vào chiều cuối năm có một cách thưởng thức, tôi dành chút ít thời gian để lang thang chợ đồ cổ, một năm mới họp một lần: “Mình đến không chỉ xem, ngắm, mua mà còn xem cách người xưa, các bậc ông cha hay xa hơn nữa họ sống như thế nào qua các đồ vật bày bán ở đây ”.
Nằm xen kẽ giữa những hàng hoa đào, hàng quất sặc sỡ., tuy không nhộn nhịp nhưng hàng tò he của Nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu lại được các em nhỏ chú ý bởi các con vật, ngộ nghĩnh nhiều màu sắc rực được làm từ đất.
Không chỉ trẻ con mà nhiều người lớn cũng ghé qua xem để nhớ lại tuổi thơ. Bác Nguyễn Đình Máy (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: "Năm nào tôi cũng đưa các cháu đi chơi chợ hoa phố cổ, hàng tò he không chỉ trẻ con mà rất nhiều người lớn cũng thích. Các cụ ngày xưa có câu “già được bát canh, trẻ manh áo mới” nhưng hiện giờ ăn uống không quan trọng lắm, ngày xuân, ai cũng muốn được đi dạo chơi.
Giữa sự ồn ào, tất bật người qua lại. Năm nay, xuất hiện một “ông đồ” trẻ, áo the, khăn xếp, ngồi trầm mặc đợi người đến xin chữ.
Anh Đặc Thành Lộc(26 tuổi, Ninh Bình), đã có 6 năm học, viết thư pháp, cho biết: "Đây là lần đầu tiên mình ngồi ở phố cổ, mọi năm mình ngồi ở Văn Miếu. Ở đây, người thì nhiều nhưng khách không có mấy".
Anh Dương Quốc Hùng (Khâm Thiên, Hà Nội) cho biết, phải đi tìm rất nhiều chỗ mới tìm được câu đối, phù hợp với gia đình.
Ông Nguyễn Xuân Tấn lang thang chợ đồ cổ, để tìm hiểu, cách sống, cách nghĩ của người xưa như thế nào thông qua các đồ vật cũ.
Buổi chiều cuối năm, ai cũng tranh thủ đi chỉnh trang lại đầu, tóc
Một hàng bày bán các hộp nữ trang, con lợn may mắn, hồ lô… được làm bằng gỗ
Một bàn tính thủ công được dựng lại, khiến nhiều người tò mò, thử tính
Lều trại của ông đồ xưa
Ông “đồ trẻ” Đặc Thành Lộc trải nghiệm lần đầu tiên cho chữ ở phố cổ
Chợ hoa phố Hàng Lược xưa
Chợ hoa Hàng Lược chiều cuối năm
Bà Nguyễn Thị Thịnh (78 tuổi, Hàng Ngang, Hà Nội) chọn cho gia đình một cành đào ưng ý nhất
Những cô gái xưa vào những chiều cuối năm, phải diện áo dài đi chợ hoa
Thỉnh thoảng bắt gặp, thiếu nữ diện áo dài, xuống phố chụp ảnh
Hàng tò he của anh Hậu rực rỡ với đủ mọi hình thù con vật, anh cho biết, năm nay mọi người thích nặn hình con dê, dưới có chữ, Xuân An Viên , hay Xuân Ất mùi…
Bác Nguyễn Đình Máy (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, năm nào tôi cũng đưa cháu đến mua tò he để nhớ lại tuổi thơ của mình
Một lọ hành muối, mang hương vị ngày Tết có giá 80.000 đồng.
Khói nghi ngút từ hàng thịt xiên nướng đầu chợ hoa Hàng Lược