Thêm gia vị vào thức ăn phòng bệnh
Theo tiết trời của tạo hóa thì: Xuân sanh - Hạ trưởng - Thu thâu - Đông tàn (mùa xuân vạn vật sinh sản, mùa hạ tăng trưởng, mùa thu thâu rút lại, mùa đông ẩn tàng, chất chứa...) và Xuân ôn (ấm) - Hạ nhiệt (nóng) - Thu lương (mát) - Đông hàn (lạnh). Mỗi mùa luôn có sự khác biệt rõ rệt. Do đó khi bước vào giai đoạn giao giữa hai mùa, thời tiết thường có sự biến đổi khí hậu một cách đột ngột. Những người nhạy cảm sẽ dễ bị dị ứng và thường mắc các căn bệnh về thời tiết. Dịp Tết Nguyên đán là giai đoạn chuyển giao giữa hai mùa Đông và Thu, cộng thêm việc ăn uống thất thường sẽ làm nguy cơ mắc bệnh của chúng ta tăng lên. Theo lương y Nam, chứng bệnh phổ biến nhất trong dịp Tết là đầy bụng, khó tiêu. Tức là thức ăn khi vào bụng tiêu hóa kém khiến bụng bí bách, tắc nghẽn trì trệ. Đông y gọi chung là bĩ mãn. Nguyên nhân phần lớn là do tì cận hóa không tốt, làm cho ăn uống kém, khó tiêu, thức ăn bị đình trệ trong dạ dày, ruột, bụng đầy trướng, nuốt hơi, ợ chua, buồn nôn, đại tiện không điều đạt, tay chân bứt rứt, rêu lưỡi dày, dính nhớt. Biểu hiện của chứng đầy bụng khó tiêu có thể xếp vào các chứng vị quản thống (đau dạ dày), ấu thổ (nôn mửa).
Lương y Nam giới thiệu bài thuốc trị chứng đầy bụng khó tiêu.
Lương y cho biết: “Người xưa vẫn thường nói phòng bệnh hơn chữa bệnh nên vào dịp Tết, người dân nên chú ý trong việc ăn uống. Không nên ăn các thức ăn đã nguội lạnh. Trái cây trước khi ăn phải rửa kỹ. “Cao lương mỹ vị” là thủ phạm đầu tiên gây ra triệu chứng này. Những món nhiều đạm (thịt, cá, trứng) hoặc nhiều dầu mỡ (thịt mỡ, chiên, xào) luôn có xu hướng làm giảm khả năng xử lý chất thải của cơ thể, vì thế nên cố gắng hạn chế việc ăn quá nhiều. Bên cạnh đó nên tăng cường chất xơ (chất xơ có nhiều trong rau xanh và trái cây) giúp hỗ trợ tiêu hoá. Nấu thức ăn trong ngày Tết nên có đầy đủ các gia vị sẽ tốt hơn cho hệ tiêu hóa cũng như cơ thể. Điều này được Đông y đúc kết thành một bài thơ như sau: “Hành, tỏi, ớt, tiêu, sả, gừng/ Củ riềng gia vị nồng nàn dễ tiêu/ Tan mỡ nên có Quế quan (Vỏ quế)/ Đại hồi (Cây hồi), Thảo quả cháy than đưa vào”. Trong đó, thảo quả phải đốt cháy vỏ mới dùng, nếu không sẽ gây bệnh bụng phệ béo mỡ rồi sinh ra cổ trướng. Quan trọng nhất là phải ăn uống điều độ, rượu bia có chừng mực”.
Lương y Nam cho biết thêm: Trong trường hợp không may gặp phải chứng bệnh đầy bụng khó tiêu, người bệnh có thể sử dụng bài thuốc sau: Hậu phác (10g), Thương truật (12g), Trần bì (8g), Cam thảo (6g), Thần khúc (8g), Can khương (6g), Sơn tra (12g), Mộc hương (4g). Theo đó, Hậu phác còn có tên là Liệt phác, Xích phác, Xuyên phác dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh, là vỏ thân hoặc vỏ rễ phơi hay sấy khô của cây Hậu phác. Hậu phác vị cay, tính ôn, quy kinh Tỳ - Vị - Phế - Đại tràng có tác dụng hành khí tiêu tích, táo thấp, hạ khí tiêu đàm bình suyễn; thường dùng trị rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, bụng đầy. Thương truật vị cay đắng tính ôn, qui kinh Tỳ - Vị, cũng thường được sử dụng trong các bài thuốc chủ trị các bệnh đường tiêu hóa. Trần bì vị cay, tình ôn, qui kinh Phế - Can - Tỳ - Vị có tác dụng lý khí, kiện tỳ, táo thấp, hóa đờm; thường được sử dụng trong các bài thuốc kích thích tiêu hóa. Cam thảo điều hòa tính vị của các vị thuốc khác. Thần khúc còn có tên lục thần khúc, lục khúc..., là hỗn hợp của bột mỳ và bột các vị thuốc khác trộn đều, ủ lên men. Nó có vị ngọt, cay, tính ôn, đi vào Tỳ - Vị, có tác dụng kiện tỳ, tiêu thực, hoạt huyết hóa ứ. Dùng cho các trường hợp rối loạn tiêu hóa, đau bụng, cảm sốt, nôn ói, tiêu chảy, tắc sữa... Can khương là thân rễ phơi sấy khô của cây gừng vàng, vị cay, tính ôn, có tác dụng ôn trung (ấm cơ thể) trừ hàn, hồi dương, thông mạch, dịu ho, cầm tả, cầm mửa, cầm máu. Sơn tra tên khác là sơn trà hay đào gai, vị chua, tính hàn, quy vào các kinh Tỳ, Vị và Can. Có công năng phá khí tán ứ, hóa đờm, chỉ huyết; chủ trị lỵ, giảm đau, tiêu tích... Mộc hương có vị cay, đắng, tính ấm, thường dùng trị mọi chứng đau, khó tiêu, trướng đầy...
Cam thảo – một vị dược liệu trong bài thuốc trị chướng bụng đầy hơi. (Ảnh: Internet)
Theo lương y Nam, các vị dược liệu này tương đối phổ biến, đều có bán trong các tiệm thuốc Đông y. Khi đã chuẩn bị đủ tất cả các thành phần trên thì đem rửa sạch rồi để vào ấm sắc theo phương pháp: Nước thứ nhất đổ ba chén lấy lại một chén, uống nóng. Nước thứ hai đổ ba chén nấu còn lại nửa chén, uống nóng. Uống mỗi ngày một thang trong ba ngày liền. Ngoài việc sử dụng bài thuốc trên, lương y Nam còn gợi ý các phương pháp xoa bóp để hỗ trợ điều trị, tăng cường chức năng tiêu hóa. Cách thực hiện như sau: Người bệnh ngồi thõng chân hay nằm hơi chống chân. Xoa hạ tiêu (phần dưới bụng gồm can, thận, tiểu trường, đại trường, bàng quang): Một tay nắm lại, tay kia úp lên trên để tăng áp lực. Xoa theo chiều kim đồng hồ từ 10 - 20 lần và ngược lại cũng từ 10 - 20 lần. Xoa trung tiêu (phần bụng gồm tỳ vị): Một tay nắm lại, tay kia úp lên trên để tăng áp lực. Xoa từ 10 - 20 lần mỗi chiều. Vuốt cạnh sườn: Vuốt từ xương sườn cụt 12 theo bờ sườn đến vùng mỏm xương ức, thay bên nhau mỗi bên làm 10 lần. Động tác này có tác dụng tốt cho gan và lách. Xoa thượng tiêu (phần trên cơ thể, gồm tâm và phế): Một bàn tay xòe ra áp lên ngực, bàn tay kia úp chồng lên. Xoa vòng trên vùng ngực một chiều từ 10 - 20 lần rồi đổi chiều ngược lại từ 10 - 20 lần. Vuốt bụng: Sau khi xoa tam tiêu xong, hai tay hơi nắm lại để ở vùng hạ tiêu vuốt lên trung tiêu rồi thượng tiêu 5 - 10 lần. Động tác này làm khỏe cơ bụng, chữa sa tạng phủ, điều hòa khí huyết vùng bụng.
Một số chứng bệnh phổ biến khác
Ngoài chứng bệnh phổ biến là đầy hơi khó tiêu thì trong dịp Tết, người dân thường hay đi lại du xuân, tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều nên cũng dễ mắc phải những căn bệnh có liên quan đến thời tiết. Trong đó, người cao tuổi và trẻ em có sức đề kháng yếu là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nhiều nhất. Những bệnh thường gặp có thể kể đến là cảm lạnh và thấp khớp. Hai loại bệnh này tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng mang lại nhiều phiền toái, khiến ngày Tết giảm đi sự vui vẻ. Để đề phòng bệnh cảm lạnh, bạn nên chú ý giữ ấm phần ngực và cổ vì đây là hai vùng dễ bị ảnh hưởng và sinh ra cảm lạnh, cảm cúm. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn. Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo nhà cửa được thông thoáng, thường xuyên vệ sinh các đồ dùng, trang thiết bị hay sử dụng hoặc cầm nắm tới để hạn chế tối đa
khả năng bị vi khuẩn xâm nhập. Trong ăn uống hãy ưu tiên lựa chọn các loại rau củ có màu vàng cam và lá màu xanh sẫm như: cà rốt, đu đủ, bí đỏ, rau ngót, mồng tơi, cải, rau chân vịt, … vì có tác dụng hỗ trợ phòng chống cảm cúm. Tiếp đến là các loại đậu, chất xơ, trái cây có nhiều vitamin C… chống viêm hiệu quả, giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng.
“Trong trường hợp đã mắc bệnh, người bệnh có thể sử dụng phương thuốc sau để chữa trị, bao gồm: Phong phong (12g), Kiết cành (12g), Cam thảo (6g), Trần bì (8g), Bạc hà (8g), Kinh giới (12g), Bạch linh (12g), Bán hạ (8g), Gừng (3 nhát). Cách sắc thuốc và uống cũng giống như đối với chứng trướng bụng khó tiêu nói trên. Bên cạnh đó, người bệnh nên kết hợp với việc nấu nước lá xông với các loại lá tía tô, bạc hà, lá é tía (hương nhu), sả, lá chanh và 3 củ hành hương rồi trùm mền xông cho đổ mồ hôi kết hợp với ăn cháo hành tăm (nấu cháo trắng bỏ 3 củ hành hương ăn nóng). Làm như vậy bệnh cảm lạnh sẽ nhánh chóng khỏi”, lương y Nam cho biết. Về bệnh thấp khớp, lương y Nam cho biết đây là căn bệnh mà người già thường hay mắc phải. Để điều trị căn bệnh này, người bệnh có thể áp dụng phương thuốc sau: Trinh nữ căn (rễ cây ngủ ngày, 30g), Bạch phấn đăng (dây đau xương, 30g), Hy Thiêm (30g). Cả ba vị trên sao với rượu trước. Sau đó kết hợp với 30 quế chi (thân cây quế) bỏ vào ấm sắc theo như cách sắc hai bài thuốc trên, uống mỗi ngày một thang, liên tiếp trong 10 ngày thì bệnh sẽ dứt.