Dân Việt

Nhờ cậu cóc

21/05/2011 22:06 GMT+7
(Dân Việt) - Chuyện kể rằng vào tháng 5.2011, khi mà “lạm phát kịch trần, cổ phiếu rớt đáy”, thiên hạ vẫn ăn nhậu tưng bừng, “như chưa hề có cuộc... giá tăng”. Cái sự đời xưa nay vẫn vậy.

Ông Đỗ Phủ bên Trung Quốc mấy nghìn năm trước đã có thơ “Cửa son rượu thịt ôi - Ngoài đường xương trắng phơi”, nghe thê thảm lắm! Ta bây giờ kiên quyết không để dân đói (chính xác là nông dân). Ngày 17.5.2011, Chính phủ tiếp tục mở kho gạo hỗ trợ nông dân lúc giáp hạt. Quảng Bình: 2.000 tấn, Thừa Thiên - Huế 1.500 tấn, Thanh Hóa 2.049 tấn, Nghệ An 3.908 tấn, Quảng Trị 1.800 tấn và Gia Lai 400 tấn. Mức hỗ trợ như ở Thanh Hóa là 15kg gạo/khẩu.

Từ nay đến lúc có hạt thóc gặt về chắc chắn bà con vẫn đủ cơm ăn. Miền Trung, bao giờ cũng khổ nhất nước, dù có “rừng vàng biển bạc”, có cả một dải bờ biển du lịch san sát khách sạn, “zì dọt”, có cả lễ hội pháo hoa quốc tế tưng bừng và Festival Huế hút cả thế giới sang “ăn chơi nhảy múa” nhiều ngày đêm...

Miền Nam năm nay đã và sẽ xuất hiện 7 triệu tấn gạo, nhưng nhiều vùng như An Giang vẫn mất mùa vì rầy nâu, hàng ngàn ha tôm nuôi ở Sóc Trăng, Bạc Liêu... tôm chết hàng loạt vì bệnh thân đỏ, đốm trắng. Con tôm làm mắm chua, ngậm muối và gia vị đỏ au, nhậu ngon hết tầm. Nhưng ở trong đìa, chưa có muối đã chết đỏ vì bệnh chỉ có cách đổ đi, mất cả vốn lẫn lời. Thiên tai, dịch bệnh bao giờ cũng giáng “trực tiếp” xuống đầu nông dân. Người đô thị chỉ có đọc báo, xem ti vi mà xuýt xoa thông cảm sẻ chia thôi...

Thiên tai chưa đủ, bà con nông dân còn thiệt hại vì hiện đại hóa. Vụ mùa năm ngoái bà con Long An bên đường cao tốc đã mất trắng ruộng vụ lúa vì đèn cao áp. Chưa có ai phân tích vì sao ánh sáng điện làm lúa “điếc”. Nhưng mất mùa vì đèn thì đã rõ. Trời không mưa, con cóc còn lên kiện. Bà con kiện ông cao tốc. Cù cưa hơn 6 tháng trời, cuối cùng bác cao tốc nhận đền bù.

Cũng trong ngày 17.5.2011 UBND tỉnh Long An, căn cứ vào lời hứa của bên gây hại đã tự ứng tiền của tỉnh ra hơn 1,3 tỷ tạm ứng đền bù cho dân. Nghe nói có người đã rơi nước mắt. Lại có người hồ nghi, tỉnh ứng trước, nhỡ họ không đền thì sao? Lại nhờ “cậu cóc”? Người ta liên kết ba bốn nhà để làm nông, có lợi cùng hưởng. Lúc thất bát nông dân gánh chịu đến bảy tám phần!