Dân Việt

Mùng 1 Tết, “khu vườn kỳ lạ” vẫn nườm nượp khách

Phạm Công 20/02/2015 08:46 GMT+7
Mặc dù không có bất kỳ nghiên cứu y học nào cho rằng có khả năng chữa bệnh và nhiều lần bị các ngành chức năng lập biên bản buộc phải đình chỉ hoạt động nhưng “khu vườn kỳ lạ” (tại ấp Tân Hội, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) vẫn tồn tại hơn 10 năm qua, dẫn đến hàng loạt tín đồ từ khắp nơi trong nước kéo về đây để mong được khỏi bệnh. 

Có mặt tại đây vào sáng Mùng 1 Tết Ất Mùi, chúng tôi nhận thấy có gần 100 người miệt mài cầu nguyện, khấn vái. Bên trong khu cầu nguyện (thực chất là căn nhà tình nghĩa được một doanh nghiệp xây tặng từ năm 2002), nhiều người đang thi nhau ngồi khấn vái.

img
 

 

Một lối nhỏ nằm giữa ruộng bắp dẫn vào "Khu vườn kỳ lạ" 


Trong khi đó, phần sân phía trước căn nhà này được lót bằng gạch Tàu cũng đang được hàng chục người già, trẻ nằm la liệt. Tôi giả vờ ho sù sụ, bà N.T.D , một người dân đến từ tỉnh Thái Bình, nói khẽ: “Nằm xuống đất đi, sẽ thấy hiệu nghiệm ngay. Ở đây trị được bá bệnh mà”. Cũng theo bà D., gia đình bà và hơn 20 người cùng thôn đã bắt xe vào đây trị bệnh gần 10 ngày qua theo lời giới thiệu của những người bạn. Tôi thắc mắc sao không ở quê đón Tết mà vào tận trong này, bà D. nói ngay: “Trị bệnh là quan trọng nhất. Tết mà năm nào chả ăn”. Một người đàn ông đang nằm cạnh bà D. chỉ tay về phía sau căn nhà cầu nguyện, bảo: “Chú ra đó hứng “nước thiêng” uống đi, sẽ cảm thấy khỏe ngay thôi. Bệnh nan y còn khỏi nói chi ho”.

img

Không chỉ người lớn, trẻ con cũng nằm vật vạ dưới đất để mong được khỏi bệnh

 
Lần theo hướng chỉ của người đàn ông, tôi ra phía sau và nhận thấy đã có hàng chục người đang ngồi chờ tới lượt mình hứng nước để vừa uống tại chỗ, vừa mang ra xe chở về. Người thì mang thùng, kẻ mang can đang hì hục vặn nước lã chảy ra từ vòi nước máy đã được bơm sẵn trên bồn chứa đặt phía trên. Thấy tôi đang do dự, một cụ bà nghiêm giọng: “Cháu hứng đi. Nước ở đây trị bệnh hay lắm”.

Lối đi qua khu vực “nước thiên”, hàng chục người già, trẻ con cũng đang trải chiếu nằm dưới bóng cây sơ-ri. Thỉnh thoảng, có người cất lên tiếng rên, tiếng khấn vái nghe rất rợn người dù giữa ban ngày. Trên một nhánh sơ-ri, tấm bảng thông báo có dòng chữ “Khi có ý định nghiên cứu - quay phim - chụp ảnh, phải có sự đồng ý của gia đình”.

 

img

Khu vực để gia chủ tiếp khách, người không quen biết không được vào

 
img

Hứng nước từ vòi nước máy để đem về uống chữa bệnh

 
img


Người đàn ông này ở tận Đồng Nai cũng xuống hứng nước đem về sử dụng

 

Nghe tôi đề cập đến việc nghỉ qua đêm tại đây, một phụ nữ nói giọng miền Bắc hướng dẫn ra gặp bà chủ khu nhà trọ nằm đối diện “khu vườn kỳ lạ”. Bà chủ này nhiệt tình dắt tôi đi khắp dãy nhà ẩm thấp, nóng bức của mình để giới thiệu giá thuê. Theo đó, nếu khách nghỉ phòng riêng có nhà vệ sinh bên trong thì 70.000 đồng/ngày. Muốn giá rẻ (15.000 đồng/ngày), khách phải nằm trên những chiếc giường đặt sát lối đi. Những căn phòng tập thể nóng hừng hực nằm phía trên trên gác được cho thuê với giá thấp hơn 30% so với phòng dưới đất.

Một khách trị bệnh tại đây cho biết chủ nhân của khu vườn này là bà Nguyễn Thị Kim Hồng. Đang ngồi trong nhà, nhìn thấy một đoàn khách lạ ăn mặc sang trọng bước vào, bà Hồng giòn giã mời họ vào khu vực dành riêng để tiếp khách “sộp”, mặc cho phía trước khu vực này có ghi tấm bảng “Chủ vườn không nhận quà biếu bất cứ mọi hình thức nào”. Lát sau, bà Hồng dẫn khách ra khu cầu nguyện và bảo với những người đang nằm tại đây: “Cô bác ngồi dậy đi. Ban ngày thì chỉ cần ngồi, đến tối thì nằm mới mau khỏi bệnh”.

 
img

img

Người phụ nữ này phản ứng khi phát hiện bị ghi hình

Lẩn vào trong đoàn khách, tôi bước đến trước khu vực bếp ăn của gia chủ có đặt một tấm bảng thông báo “khu vực xin bà con đừng vào”. Một trong 2 phụ nữ đang ngồi dồn thịt vào khổ qua, phát hiện tôi ghi hình nên quát mắng.

Đến trưa cùng ngày, dòng người đổ về càng đông, bất chấp thời tiết nóng bức. Bà Trần Thị Minh, một người dân sống gần “khu vườn kỳ lạ”, quả quyết: “Tui sống ở đây từ nhỏ chứ có bao giờ đặt chân đến khu vườn đó bao giờ. Người dân ở xa nghe đồn thổi nên kéo lại đây trị bệnh chứ dân địa phương ai mà tin”.