Người trồng mía kêu vì mía khô mà nhà máy không tiêu thụ hết đã đành, người không có mía cũng kêu vì tình trạng chất thải từ các nhà máy đường xả thẳng ra sông, vừa gây ô nhiễm nguồn nước dẫn đến bệnh tật, vừa là thủ phạm gây chết cá, tôm hàng loạt cho nông dân.
Không thể phủ nhận những đóng góp của các nhà máy đường ở miền Trung trong việc tạo điều kiện cho nông dân có cơ hội để thoát nghèo từ cây mía suốt hàng chục năm qua, song những hậu quả tồi tệ mà các nhà máy này mang lại cho họ thì cũng không thể đo đếm hết.
Những năm trước đây, để giảm chi phí “đầu vào”, Nhà máy Đường Quảng Phú (Quảng Ngãi) có “sáng kiến” lạ đời là dùng số bã mía sau khi ép xong đem đốt lò để nấu đường. Hậu quả là cả một vùng rộng lớn phía tây TP. Quảng Ngãi bị nhuộm đen bởi tro bụi mỗi khi nhà máy này hoạt động.
Học tập “kinh nghiệm tiết kiệm” này, Nhà máy Đường Khánh Hòa cũng dùng bã mía thay cho dầu để đốt nấu đường. Hàng nghìn hộ dân ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm phải đóng cửa suốt 4 tháng (thời gian nhà máy hoạt động) vì bụi từ Nhà máy Đường Khánh Hòa phủ kín.
Chưa hết, lượng phân từ việc đốt bã mía này kết hợp với các loại hóa chất thải ra từ nhà máy đã tạo nên một thứ mùi vô cùng khó chịu. Số phân này được các nhà máy chất thành đống, cao như núi, chỉ sau một mùa mưa, chúng thẩm thấu vào nguồn nước khiến nhiều giếng nước cũng chua theo, không cách gì sử dụng được.
Để khắc phục tình trạng “uống giấm” này, Nhà máy Đường Khánh Hòa tổ chức bán nước sạch cho dân với giá cao hơn giá nước mua trong thành phố, nhưng không phải người dân nào cũng mua được nước sạch! Người dân ở quanh khu vực các nhà máy đường, đặc biệt là người già và trẻ con đều bị viêm đường hô hấp và đường ruột.
Tệ hại hơn, chất thải từ các nhà máy đường này xả thẳng ra sông, gây cá chết hàng loạt trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). Hàng tấn tôm, cá mú và rong sụn của người dân ở đầm Thủy Triều, thị xã Cam Ranh bị chết sạch mà thủ phạm không ai khác là nước thải từ Nhà máy Đường Khánh Hòa. Các chỉ số về môi trường được ngành chức năng đo được từ các nhà máy đường thải ra đều cao gấp nhiều lần so với quy định.
Nông dân vùng hạ lưu sông Trà Khúc đang tiến hành các thủ tục để kiện Công ty Đường Quảng Ngãi vì vịt của họ chết hàng loạt do chất thải của nhà máy. Nông dân đầm Thủy Triều ở Khánh Hòa thì đến “bao vây” nhà máy đường sau khi họ “mật phục” bắt quả tang nhà máy thải chất thải ra đầm, gây cá chết hàng loạt.
Những hệ lụy từ việc gây ô nhiễm của các nhà máy đường đã rõ, tuy nhiên, ngoài việc xử phạt mang tính “tượng trưng”, không thấy có một động thái “rắn” nào từ các cơ quan cấp tỉnh đối với các nhà máy này. Lợi nhuận từ mía đường thì các nhà máy hưởng, còn thiệt hại do ô nhiễm thì người dân lãnh đủ. Bất công này biết đến bao giờ chấm dứt?
Hà Nhiên