Báo cáo của Ủy ban Liên minh châu Âu thuộc Thượng viện Anh công bố ngày 19/2 nhấn mạnh: “Yếu tố ‘mộng du’ là rất rõ ràng trong cuộc khủng hoảng hiện nay, khi các nước châu Âu đã bị bất ngờ trước các diễn biến tình hình ở Ukraine”.
Theo báo cáo này, các quan chức châu Âu “dường như đã bỏ lỡ những tín hiệu cảnh báo” khi cuộc khủng hoảng trở nên gay gắt, và các nước EU “thiếu khả năng thu thập thông tin tình báo phù hợp trên mặt đất cũng như chính sách đối ngoại đồng bộ”.
Báo cáo cảnh báo rằng việc không thể xử lý mối quan hệ đang ngày càng xấu đi với Tổng thống Nga Vladimir Putin – một phần là do EU không hiểu rõ chính sách của Nga đối với chính phủ thân phương Tây ở Ukraine – có thể khiến cuộc khủng hoảng lan sang cấp độ toàn cầu.
Theo đó, nếu quan hệ giữa Nga và EU ngày càng xấu đi, tình hình bất ổn sẽ tiếp tục lan sang các khu vực lân cận, các mối quan hệ kinh tế sẽ ngày càng suy yếu, và sự phối hợp của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực sẽ bị phá vỡ.
Báo cáo của Thượng viện Anh bổ sung rằng quan hệ giữa Nga và châu Âu đã đến mức “nghiêm trọng” và cần phải được đánh giá lại một cách căn bản.
“Trong khi phải đảm bảo không nhượng bộ những nguyên tắc cơ bản, EU cần phải thể hiện rõ mong muốn ngăn ngừa cuộc khủng hoảng hiện nay diễn biến xấu đi thành những thứ tương tự như Chiến tranh Lạnh, và cần phải thăm dò ý kiến của Nga”.
Ông John Lough, chuyên gia phân tích thuộc tổ chức tư vấn Chatham House đã cảnh báo rằng đây là “thời điểm nguy hiểm đối với chính sách của phương Tây” liên quan đến Nga.
Ông Lough tuyên bố: “Trong khi nỗ lực ngăn chặn chiến sự ở Ukraine, các lãnh đạo phương Tây không được rời mắt khỏi nỗ lực của ông Putin nhằm thay đổi trật tự thế giới”.
Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh hàng ngàn binh sĩ Ukraine vừa phải tháo chạy khỏi thị trấn chiến lược Debaltseve sau khi bị phe ly khai vây hãm từ ba hướng, bất chấp lệnh ngừng bắn theo thỏa thuận hòa bình Minsk vừa mới được thi hành.