Dân Việt

Sự vô cảm trong mỗi gia đình

02/09/2012 19:49 GMT+7
(Dân Việt) - Dư luận xã hội ngày càng bất ngờ và lo lắng trước tình trạng bạo lực gia đình ngày một gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu, ngăn chặn thực trạng trên vẫn còn là thách thức lớn với các nhà quản lý.

Máu đào cũng là nước lã

Ngày 31.5.2012, ông Võ Tuấn Dũng (SN 1949, trú tại tổ 112 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội) ra cơ quan công an đầu thú về hành vi giết người.

Võ Tuấn Cường - con trai ông Dũng - là đối tượng nghiện ma túy, vì không xin được tiền đi hút chích nên đã về dọa giết và dùng khóa cửa tấn công bố đẻ của mình. Trong lúc nóng giận, ông Dũng đã bóp cổ nghịch tử đến chết.

img
Quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ nhau là nền tảng để gia đình luôn hạnh phúc, bình yên (ảnh minh họa).

Ngày 24.6.2012, chỉ vì xin tiền đi trả nợ cờ bạc không được, Lưu Văn Thắng (SN 1986, ở phố Thụy Lĩnh, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) đã đang tâm dùng dao chọc tiết lợn đâm chết cả bố mẹ ruột của mình. Tại cơ quan điều tra, kẻ bất hiếu này không hề tỏ ra chút gì hối hận mà chỉ dành thời gian giãi bày cho những uất hận dồn nén của hắn với những bậc sinh thành trong mấy năm qua...

Đó chỉ là 2 trong số nhiều vụ trọng án vừa xảy ra trên địa bàn cả nước mà hung thủ và nạn nhân là những người ruột rà, máu mủ trong một gia đình. Có thể nói, chưa bao giờ vấn nạn bạo lực gia đình lại được đẩy lên tận cùng với nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng như thời gian qua. Trên các mạng xã hội gần đây cũng có một hiện tượng hết sức đáng lo ngại.

Cư dân mạng cũng nhiều lần tỏ rõ sự phẫn nộ tột cùng với thái độ của những đứa trẻ dành cho những bậc sinh thành ra mình. Chúng sẵn sàng dùng những lời lẽ tục tĩu, xấu xa nhất, những từ mà người ta để dùng nói với kẻ thù, để nói về cha mẹ đẻ của chúng những khi không làm vừa lòng chúng.

Thà bị đánh còn hơn nghe chửi

Trao đổi với phóng viên NTNN về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tường Minh - chuyên gia tư vấn gia đình và trẻ em thuộc Hội đồng tư vấn gia đình và trẻ em quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: "Vấn đề bạo lực gia đình ngày càng phát triển phức tạp và nghiêm trọng.

Ngày trước, bạo lực gia đình chỉ dừng ở mức độ "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", chửi rủa, lăng mạ nhau bằng lời nói, đập phá tài sản riêng… giữa những người thân trong gia đình, thì ngày nay những vụ bạo lực gia đình mang tính nghiêm trọng ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

img
Sát thủ Lưu Văn Thắng giết chết bố mẹ đẻ.

Tình mẫu tử, phụ tử, vợ chồng, anh em đều là những tình cảm thiêng liêng, luôn được trân trọng trong phong tục, tập quán, lối sống, nếp nghĩ của người Việt Nam ta, nhưng giờ đây không còn đủ sức mạnh để cảm hóa, chế ngự thú tính ẩn sâu trong nhiều người".

Bà Minh cho rằng, có nhiều nguyên nhân để dẫn đến thực trạng bạo lực gia đình đáng báo động như hiện nay, nhưng nguyên nhân đáng chú ý nhất chính là môi trường giáo dục trong chính mỗi tế bào xã hội. Có vẻ như sự vô cảm đang lớn dần trong mỗi gia đình, tạo nên những khoảng trống mênh mông giữa những người thân thích, ruột thịt với nhau.

Chuyên gia tư vấn Tường Minh mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa các lớp tập huấn kỹ năng sống trong nhà trường và trong cộng đồng cho trẻ em. Ngược lại, ngay cả người lớn trong gia đình cũng phải học lại kỹ năng sống và kỹ năng giải quyết những phức tạp nảy sinh trong gia đình và với con cái mình.

Với những đứa con vô cảm đến mức có thể cầm dao giết bố mẹ mình, chắc chắn chúng đã không được phát triển trong một môi trường giáo dục gia đình đúng đắn. Nhiều ông bố, bà mẹ có điều kiện kinh tế nên luôn đáp ứng mọi đòi hỏi của con cái, vô hình trung đã làm cho đứa trẻ sinh ra tính ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình. Đến khi chúng đòi hỏi một điều gì đó không được thỏa mãn thì dễ sinh ra tâm lý ức chế, thù hằn, hỗn láo và tận cùng là thảm sát cả những bậc sinh thành.

Bà Minh cho biết thêm: Một trong những sai lầm khác trong giáo dục gia đình là các ông bố, bà mẹ thường không quan tâm đến suy nghĩ, lối sống, quan hệ của con cái mình. Có những ông bố, bà mẹ không dạy con bằng đòn roi nhưng lại sử dụng nhiều lời chửi rủa, mạt sát con mình mà không biết rằng, những đứa trẻ mới lớn rất sợ bị xúc phạm. Nhiều cháu tâm sự rằng thà bị đánh đau còn hơn phải nghe những lời chửi mắng vì nó cứ đeo đẳng trong đầu và dần trở thành sự thù hằn lúc nào không hay.

“Tôi cũng từng dự nhiều phiên tòa mà bố mẹ bị cáo hoàn toàn bất ngờ trước lối sống và các mối quan hệ của con mình. Chỉ khi con ra trước vành móng ngựa thì họ mới nhận ra mình thiếu quan tâm và vô trách nhiệm" - bà Minh nói.