Ngay từ năm lớp 9, cậu học trò Sơn Nam đã tự mày mò, tham khảo tài liệu từ sách báo để “chế” ra xà phòng cho mẹ rửa chén từ tro bếp trộn với dầu đậu phộng.
Sau đó, anh hoàn tất khóa học thực tập sinh sau tiến sĩ tại Viện công nghệ Georgia (Mỹ) năm 2006. Và từ 2006 đến nay, Sơn Nam là giảng viên khoa Kỹ thuật hóa học tại ĐH Bách khoa TP HCM.
GS Phan Thanh Sơn Nam là tác giả của 62 bài báo khoa học đăng ở trong nước và 37 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế rất có uy tín (22 bài SCI và 15 bài SCIE) với chỉ số ảnh hưởng IF cao.
Anh tâm sự: “Vào năm 2006, sau khi hoàn thành khóa thực tập sinh sau tiến sĩ tại Hoa Kỳ trở lại Trường ĐH Bách Khoa công tác, tôi thật sự cảm thấy chạnh lòng trước tình hình cơ sở vật chất và trang thiết bị cũng như kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học khá nghèo nàn tại Khoa Kỹ thuật Hóa học nói riêng và Trường ĐH Bách Khoa nói chung.
Và lúc đó, tôi cứ ngỡ rằng mình sẽ không còn cơ hội được tiếp tục thực hiện những ý tưởng, những ước mơ hoài bão của mình trong nghiên cứu khoa học mà tôi hằng ấp ủ”.
May mắn năm 2009, Ban giám hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM đã phê duyệt cấp kinh phí cho dự án đầu tư chiều sâu phòng thí nghiệm Nghiên cứu cấu trúc Vật liệu, Ban Giám hiệu Trường Đại học Bách Khoa đã cấp đất và kinh phí để xây phòng thí nghiệm, và sau đó đến năm 2012 thì được nâng cấp thành Phòng thí nghiệm Trọng điểm cấp ĐHQG.
Nhờ vậy, con đường nghiên cứu khoa học của Phan Thanh Sơn Nam bước sang một giai đoạn mới với các hoạt động nghiên cứu khoa học tiến dần đến các chuẩn mực quốc tế.
Anh trăn trở: “Tôi cũng biết rằng trong hệ thống ĐH Quốc gia TPHCM vẫn còn khá nhiều cán bộ giảng dạy có năng lực, có trình độ, có tâm huyết với nghiên cứu khoa học và đào tạo, muốn được toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự phát triển của ĐHQG nhưng không có được cái may mắn như bản thân tôi.
"Tôi cũng hiểu rằng còn khá nhiều nhóm nghiên cứu trong ĐH Quốc gia TPHCM hiện đang làm việc trong những phòng thí nghiệm với cơ sở vật chất còn nghèo nàn lạc hậu cũng như kinh phí nghiên cứu khoa học còn khiêm tốn”.
Anh cho rằng, chức danh GS là điểm khởi đầu của một giai đoạn mới với trách nhiệm nặng nề hơn, nhưng không phải là sự kết thúc với sự nghiệp khoa học.
Tân GS bày tỏ nguyện vọng là giới khoa học sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước, đặc biệt trong việc tiếp tục đổi mới và cải tiến cơ chế quản lý khoa học công nghệ và cơ chề về tài chính, để các nhà khoa học có thể toàn tâm toàn ý dành trọn thời gian vào các hoạt động chuyên môn.
Bên cạnh những thành tích về học thuật, Sơn Nam còn nhận được rất nhiều danh hiệu với tư cách là một Giảng viên trẻ: Bằng khen của Đại học quốc gia TPHCM cho Giảng viên đạt thành tích công bố khoa học xuất sắc năm học 2007 – 2008; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Đoàn viên – Thanh niên tiêu biểu khối cán bộ - giảng viên trẻ Đại học quốc gia TPHCM năm học 2007 – 2008; bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT cho giảng viên hướng dẫn sinh viên đoạt giải nhất giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc-2008”, giải nhất VIFOTEC sinh viên 2008, 2009...