Mùa giải Oscar 2015 đánh dấu một năm so kè "ác liệt" giữa rất nhiều ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu Phim hay nhất như The Grand Budapest Hotel, Boyhood, American Sniper… Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận rằng trong số đó, Birdman vẫn là cái tên được đặt lên tiêu điểm hàng đầu, không chỉ vì đây là một kiệt tác của thể loại điện ảnh độc lập mà còn là bộ phim đầy rẫy những tầng lớp ý nghĩa sâu sắc mang tính ẩn dụ về nền công nghiệp điện ảnh và cuộc đời – con người của những diễn viên, nhà làm phim.
Birdman không chỉ là một bộ phim tâm lý đơn thuần mà còn là một tác phẩm tôn vinh công việc điện ảnh như là một trong những niềm say mê có khả năng kích thích trí sáng tạo mạnh mẽ nhất thế giới.
Michael Keaton thủ vai Riggan, một diễn viên – đạo diễn bị ám ảnh bởi nhân vật Birdman mình từng thủ vai trong quá khứ
Đạo diễn gạo cội người Mexico Alejandro González Iñárritu, các nhà biên kịch Nicolás Giacobone, Alexander Dinelaris, Jr., Armando Bo, Jr., nam chính Michael Keaton và đặc biệt là nhà quay phim Emmanuel Lubezki đã có được những tưởng thưởng xứng đáng cho công sức và sự "liều lĩnh" mà họ bỏ ra để thực hiện một dự án vốn từng được xem là điên rồ này.
Sự phức tạp của một câu chuyện nhiều cảm xúc
Trước hết, phải thừa nhận một điều rằng, Birdman là một bộ phim không hề dễ xem. Xoay quanh câu chuyện của Riggan Thomson, một nam diễn viên gạo cội hết thời đã cố cứu vãn lấy sự nghiệp của mình bằng cách đầu tư thực hiện một vở nhạc kịch do chính ông thủ vai chính và làm đạo diễn. Trong quá khứ, Riggan từng thành công với vai diễn anh hùng Birdman (người chim), và cũng chính nhân vật này đã luôn ám ảnh Riggan để rồi trong đầu ông luôn vang lên những giọng nói vọng về từ hư vô, điều khiển Riggan trong cả suy nghĩ lẫn hành động thực.
Câu chuyện của bộ phim luôn bị trộn lẫn giữa hư và thực
Trong quá trình thực hiện vở nhạc kịch, Riggan liên tục gặp rắc rối với với quản lý tài chính, tuyển chọn diễn viên, phê bình báo chí. Nam tài tử Mike Shiner, người bạn luật Jake, cô con gái ngỗ ngược Sam Thomson, nhà báo Tabitha... là những thử thách mà cuộc sống "bày biện" ra để thách thức Riggan, khiêu khích anh chiến đấu tận cùng vì niềm say mê của mình.
Chính điều đó đã đẩy Riggan đến chỗ biến câu chuyện cuộc đời của mình thành bi kịch, tạo ra một bước đột phá mới khủng khiếp trên sàn diễn kịch và rồi đưa đến cho bộ phim một kết thúc lãng đãng và rất buồn.
Vở nhạc kịch mà nhân vật Riggan dàn dựng trong Birdman chính là vở nhạc kịch được chuyển thể từ câu truyện What We Talk About When We Talk About Love (Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình) của nhà văn Raymond Carver. Cái thú vị ở Birdman là đạo diễn Alejandro González Iñárritu đã biết đồng bộ cái không khí lãng đãng, mơ màng trong câu chuyện lãng đãng của Raymond Carver vào bộ phim mà không hề tạo ra sự dụng công. Bởi Birdman luôn có một sự mơ hồ dễ cảm nhận trong cái ranh giới giữa hiện thực và những ảo ảnh (do nhân vật chính Riggan tạo ra), nhưng nó không sa đà đến nỗi cuốn sâu vào những ma trận kỳ quái mà luôn giữ được những cảm xúc nhất định nơi người xem.
Kỳ thực, câu chuyện mà Birdman kể được không có gì mới, rất nhiều tác phẩm nổi tiếng do nhiều nhà làm phim gạo cội đã khai thác đề tài tương tự (về việc một đạo diễn đã đấu tranh thế nào cho tác phẩm để đời của mình), nhưng thứ thực sự tạo nên được sự khác biệt ở Birdman chính là một câu chuyện đầy rẫy những mối liên kết và nút thắt liền mạch, nó mượt mà như thể được chuyển hóa từ cuộc sống và giấc mơ hoặc ngược lại.
Đó chính là lý do vì sao bộ phim đã được xướng danh ở hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất ở lễ trao giải Oscar năm nay.
Emma Stone đã có một vai diễn gây ngạc nhiên trong Birdman
Những đột phá mới về mặt kỹ thuật
Một trong những yếu tố tiên quyết tạo nên sự đặc biệt ở Birdman mà sẽ còn được lưu truyền và nhắc đến rất lâu về sau nữa, đó chính là cách quay phim như thể toàn bộ bộ phim chỉ được thực hiện bởi một cú máy dài duy nhất. Một cú máy dài 120 phút là một điều được xem là điên rồ trong điện ảnh và cũng là nguyên do chính khiến trước khi bộ phim được thực hiện.
Dĩ nhiên, Birdman không hề được quay bởi một cú máy duy nhất mà nó là những cú mày dài được chắp nối một cách khéo léo vào nhau để đánh lừa thị giác khán giả. Người thực hiện nên kỳ công này chính là nhà quay phim Emmanuel Lubezki, vừa giành giải Quay phim xuất sắc nhất vào năm ngoài với Gravity. Tượng vàng Orscar thứ hai năm nay của ông là hoàn toàn xứng đáng với những gì mà ông và ê-kíp của mình đã bỏ ra.
Cách quay phim của Birdman tạo cảm giác như toàn bộ bộ phim là một cú máy dài.
Kỳ thực, góc mày và cách xử lý máy quay trong Birdman không hẳn là tuyệt mỹ hay hoàn hảo, đôi chỗ còn khiền người xem có cảm giác hơi chao đảo hoặc vụng về, theo kiểu "bán chuyên". Tuy nhiên, đây lại chính là dụng ý của ê-kíp nhằm tạo ra một sự chân thật nhất định dành cho khán giả, những người rồi sẽ bị cuốn vào bộ phim một cách say mê, không dứt ra được.
Cách dựng phim và quay phim này đã đồng nhất Birdman vào đời thực, một cuộc sống "không có cắt cảnh" và mọi thứ cứ diễn ra liên tiếp, ồ ạt, không có điểm dừng và không sao ngăn lại được. Đồng bộ với tất cả những thứ hình ảnh công phu đó là một phần hòa thanh và phối âm vô cùng xuất sắc với những tiếng động vừa hoa mỹ vừa gai góc.
Rất tiếc, Birdman đã trượt cả hai giải về âm thanh và hòa thanh nhưng vẫn không thể phủ nhận nó chính là một phần đã giúp bộ phim nâng cao lên được giá trị hơn nhiều.
Dàn diễn viên chứa đựng nhiều bất ngờ
Nam chính Michael Keaton, như nhiều người đã biết, có số phận khá tương đồng với nhân vật Riggan do anh thủ vai. Có lẽ cũng vì vậy mà anh đã hòa nhập vào bộ phim một cách tròn trịa, với tất cả những thô ráp bên ngoài và ủy mị bên trong được phô bày trong từng thời điểm một cách tinh tế.
Thật khó để nhận ra "người dơi" ngày nào trong một hình ảnh say mê đầy khắc khổ như thế với nghề nghiệp và điện ảnh. Cách diễn của Michal Keaton còn có tác động truyền cảm hứng. Sự độc đáo và đầy đặn trong cảm xúc của anh đã phần nào mang đến ảnh hưởng cho các diễn viên khác trong đoàn phimn, từ đó tạo ra một hiệu ứng lan rộng mạnh mẽ và sâu sắc.
Với vai diễn Mike Shiner trong Birdman, Edward Norton cũng có được lần thứ ba đề cử giải Oscar, rất tiếc, lại một lần nữa anh trượt. Vai diễn "nam tài tử" của anh là một trong số những nhân vật hiếm hoi có thể gọi là tuyến phản diện, gây xung đột và tạo nút thắt cho bộ phim. Edward Norton xử lý chúng tinh tế, duyên dáng bằng cách kết hợp với hòa với cả Michael Keaton lẫn Emma Stone, nữ diễn viên thủ vai Sam, con gái của nhân vật chính Riggan.
Emma Stone cũng nhờ vai diễn này mà rũ bỏ được lớp hình ảnh bề ngoài kiêu sa, trẻ trung và có phần hơi thị trường để chứng tỏ mình cũng có khả năng lấn sân sâu vào mảng nghệ thuật hàn lâm. Dù vậy, cách diễn của Emma Stone đôi khi cũng tạo cảm giác hơi phô trương, đặc biệt là trong đoạn đối thoại với cha về những công việc và dự án của ông, nhưng vẫn hoàn toàn chấp nhận và đáng ghi nhận như một nỗ lực.
Ngay từ cảnh mở đầu, khán giả đã bị ấn tượng bởi một cảnh quay lạ và khó hiểu
Naomi Watts, Andrea Riseborough và Zach Galifianakis cũng làm rất tốt vai trò của mình để thúc đẩy sự thành công của bộ phim. Đặc biệt, có thể xem Zach Galifianakis như một yếu tố bất ngờ khi anh đã khiến không ít người chẳng thể nhận ra mình từng chuyên trị nhưng vai ngốc nghếch, chọc cười trong những bộ phim khác. Vai diễn luật sư Jake của anh trong Birdman tưởng chỉ là bâng quơ nhưng hóa ra cũng đầy sức nặng không kém các diễn viên còn lại.
Cứ mỗi khi Oscar vinh danh một tác phẩm độc lập ở hạng mục Phim hay nhất, các nhà làm phim trên thế giới lại vui mừng phấn khởi, bởi điện ảnh được tôn vinh một cách đa dạng chứ không chỉ gói gọn trong sự điều hành của các hãng phim lớn sẽ mang lại cho khán giả và các nhà làm phim nhiều lựa chọn hơn. Sẽ có người cho rằng The Grand Budapest Hotel hay Boyhood mới là kiệt tác, nhưng Birdman mới thực sự là bộ phim đáp ứng được tính sáng tạo và đột phá mạnh mẽ nhất trong mùa phim năm nay.
Đó là chưa kể, bản thân Birdman chính là một cách để tôn vinh điện ảnh, và chính nó đã là một lời cảm ơn của những người vốn say mê làm phim gửi đến các khán giả của mình.