Dân Việt

Gameshow người lớn “ăn dỗ” trẻ em

Hà Thu 25/02/2015 08:04 GMT+7
Năm 2014 có thể coi như năm kỷ lục của các chương trình gameshow truyền hình phiên bản nhí, từ ca hát, khiêu vũ đến tạp kỹ… tất cả đều cuốn các tài năng nhỏ tuổi vào cuộc. Và đã có nhiều điều không mấy vui từ sự lạm dụng này. 

“Mầm xanh” trĩu nặng ưu tư

img

Các thí sinh nhí trong cuộc thi “The Voice Kids”. I.T

Có thể nói chương trình “Giọng hát Việt nhí” mùa thứ 2 năm 2014 đã để lại một ấn tượng lớn nhất trong khán giả về sự “cưỡng ép” các tài năng nhí chín trước tuổi. Thật khó quên được cảm giác lê thê suốt 10 tuần liên tục chương trình lên sóng, bật TV lên là thấy các cháu bé gương mặt rất non tơ, ngây thơ nhưng lại gân cổ hát những ca khúc người lớn.

Nào những “Xa khơi”, “Mẹ yêu con”, “Sông Lô”, “Còn tuổi nào cho em”, “Giấc mơ Chapi”, “Mái đình làng biển”… là những ca khúc từ trước tới giờ chỉ toàn dành cho các nghệ sĩ dày dặn kinh nghiệm trên sân khấu, thế nhưng chương trình vẫn bắt buộc các em nhỏ phải hát trong khi chắc chắn có nhiều từ trong bài chính các em còn chưa hiểu hết nghĩa.

Chính những người ngồi trên ghế huấn luyện viên cũng tỏ ra mình lúng túng khi đến đến với cuộc thi này bởi một mặt họ vẫn chọn cho các học trò những ca khúc khó, một mặt lại thừa nhận công khai trên sóng như lời phát biểu của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh: “Ở lứa tuổi hồn nhiên của mình, các con phải hát những ca khúc đề tài này cũng là điều quá sức với các con. Ở tuổi của các con, có lẽ các con không thể hiểu được ý nghĩa của các ca khúc ấy đâu. Có những người đi đến cuối đời có khi còn không hiểu được hết…”

Có vẻ như cuộc thi “Giọng hát Việt nhí” là một cuộc thi xem ai là người hát hay các ca khúc người lớn hơn cả. Cuối cùng trong đêm chung kết của Giọng hát Việt nhí, cô bé Thiện Nhân đã giành được giải Quán quân với một ca khúc nhạc tiêu biểu của dòng nhạc bolero đã từng ghi dấu ấn với các ngôi sao nhạc “sến” bằng những câu ca ảo não sướt mướt như: “Không biết đêm nay tại sao tôi buồn, buồn vì trời mưa hay bão trong tim…”

Một cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát nhí khác là “Đồ rê mí” tuy là phiên bản Việt 100% nhưng cũng không đứng ngoài trào lưu thử thách thí sinh trong cuộc đua “tập làm người lớn”. Tuần thì hát nhạc truyền thống, tuần thì nhạc kịch, tuần thì ca khúc nước ngoài… khiến cho những đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi đầu đã phải vặn vẹo biến hóa từ hết nhân vật này tới nhân vật khác, đầu tóc trang phục được hóa trang thành những người già hơn các em vài chục tuổi, chẳng còn thấy đâu nét ngây thơ, trong sáng hồn nhiên.

Bản thân ca sĩ Thái Thùy Linh, đã tham gia làm giám khảo “Đồ Rê Mí” 2012 còn phải thốt lên: “Thí sinh Sao Mai Điểm hẹn trước đây cũng không vất vả bằng thí sinh Đồ Rê Mí bây giờ!”.

Trái non chín ép

img

Thí sinh Chí Công trong cuộc thi “The Voice Kids”. I.T

 

Ở các sân chơi khác, như chương trình “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Vũ điệu tuổi xanh”, “Gương mặt thân quen nhí”… thì các em lại gánh chịu một nỗi khổ khác, đó là tình cảnh của “trái non chín ép”. Tất cả các vũ điệu khó khăn và sexy gợi cảm nhất như chachacha, rumba, salsa, tango… các vũ công nhí đều phải trải qua, nhìn những bé trai thì gầy guộc, bé gái thì nhỏ xíu nhưng vẫn liên tục thể hiện những động tác uốn éo, lắc mông, bẻ hông, ưỡn ngực cố để đạt được độ gợi cảm và những điểm kỹ thuật của điệu nhảy mà thấy thương cho các bé.

 

Quan điểm

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mai
  Tôi thấy rất đáng tiếc vì các gameshow trên truyền hình hiện nay quá thiếu những chương trình dạy kỹ năng sống cho khán giả trẻ. Chúng ta nên ưu tiên những chương trình như “Cha con hợp sức”  hay “Bố ơi mình đi đâu thế”, “Chìa khóa thành công” hay “Cuộc đua kỳ thú” nên được phát sóng nhiều hơn trên truyền hình. Bởi những chương trình đó ít nhiều đem đến cho người xem những kinh nghiệm để vượt qua những thử thách, tình huống trong đời sống”.
 
Và tranh cãi đã nổ ra vào đêm chung kết cuộc thi “Bước nhảy hoàn vũ nhí” khi mà thí sinh Bảo Ngọc được giám khảo Đoan Trang-Phan Hiển biên đạo bài nhảy hóa thân thành Lady Gaga trong phần thi “Thần tượng”.

Chỉ riêng phần hóa thân này đã gây nên nhiều tranh cãi cho rằng, Lady Gaga là một nhân vật “quái chiêu”, ăn mặc hở hang, quái dị với đầy rẫy những scandal mà coi đó là “thần tượng” để các em biểu diễn là một lỗi lớn về mặt biên đạo và góc nhìn của người lớn, ở đây cụ thể là ban giám khảo và ban tổ chức.

Đỉnh điểm của sự tranh cãi còn nằm ở việc, một đứa trẻ 8 tuổi trở nên “người lớn hóa” khi khoe kỹ thuật điêu luyện với hình thức múa cột. “Múa cột không xấu, nhưng để một đứa trẻ phải thể hiện điều này khi còn quá nhỏ thì chỉ thấy phản cảm, tội nghiệp chứ không thấy đẹp gì cả”- một khán giả nhận xét.

Còn các bé tham gia chương trình “Gương mặt thân quen nhí” thì cũng phải đối đầu với một thử thách vô cùng khó khăn, hóa thân thành các nam nữ ca sĩ nổi tiếng, và buộc phải trở thành những bản sao của người lớn.

Có thể nói những năm gần đây, cuộc đua của người lớn đã trở nên chán chường, không còn ăn khách nữa nên nhà tổ chức các chương trình gameshow truyền hình chuyển sang “ăn dỗ” trẻ nhỏ. Và hiệu quả kinh tế đã thấy rõ, các cuộc thi “Giọng hát Việt nhí”, “Đồ Rê Mí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Vũ điệu tuổi thơ”, “Gương mặt thân quen nhí” luôn có được tỉ lệ rating cao, nhờ lượng phụ huynh và fan nhí đông.

Có chương trình kéo đến 23 giờ, chung kết thì đến nửa đêm mới kết thúc, vì clip quảng cáo chen vào liên tục, với mức giá cao ngất. Cứ 30 giây quảng cáo trong Giọng hát Việt nhí, nhà đài thu về 280-300 triệu đồng, mà trung bình mỗi đêm cũng trên 20 clip quảng cáo, ngoài ra còn số tiền khổng lồ từ tin nhắn bình chọn.

Cứ cái gì hái được ra tiền là người ta tích cực hái lượm, bất kể nhiều tài năng nhí bị khai thác quá đà đã phải hứng chịu những cơn cuồng hâm mộ từ dư luận, khen ngợi hết lời và “ném đá” cũng hết mình. Trước sự cuốn hút của các gameshow, nếu cha mẹ các tài năng nhí không tỉnh táo, có thể sẽ đẩy con mình vào một hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của các bé.

Đôi khi phải chấp nhận một sự thật đắng cay: Những gì ngọt ngào màu mỡ nhất thì công ty tổ chức gameshow hưởng lợi, còn hậu quả thì chính gia đình các bé phải gánh chịu.