Dân Việt

C53 - âm thầm đứng sau các chuyên án "khủng"

Thắng Quang 25/02/2015 07:18 GMT+7
Người ta thường gọi C53 là những người thầm lặng đứng sau những chuyên án “khủng”.

Từ thông tin do cơ quan CSĐT yêu cầu cung cấp trong các chuyên án lớn, bằng biện pháp nghiệp vụ, những cán bộ làm công tác tra cứu hồ sơ thuộc Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát (C53, Bộ Công an) đã có trong tay tên, tuổi và đặc điểm nhân dạng các đối tượng nghi vấn. Đó chỉ là một trong số những nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ C53. Đây còn là cơ quan lưu giữ “tàng thư” về thông tin của tất cả cá nhân trong cả nước, từ những đối tượng tội phạm “cáo già” đến kẻ truy nã đã thay tên đổi họ.

“Tàng thư” biết nói

img
Cán bộ Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát tra cứu hồ sơ phục vụ kịp thời yêu cầu của công an các đơn vị, địa phương. Ảnh: T.Q

Những ngày cuối năm, dù bận rộn với công việc, Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ- Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53) vẫn dành thời gian để chia sẻ với PV về công việc thầm lặng của mình và đồng đội: “Công việc của C53 hầu như người ngoài ngành không nắm được. Tôi chỉ nói đơn giản, kho “tàng thư” là cả một câu chuyện dài mà nhiều người khi nghe sẽ phải giật mình. Tại đây lưu giữ tất cả các dữ liệu của công dân trong cả nước.

Từ những năm 1958, anh em đã bắt đầu tập hợp thông tin qua tư liệu kháng chiến, làm thủ công và sắp xếp theo từng mục. Về sau, khi công nghệ nâng cấp cùng với sự phát triển của dân số và sự manh nha của các loại tội phạm khiến việc lưu trữ dữ liệu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”.

Để minh chứng vai trò quan trọng của “tàng thư”, Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ kể cho chúng tôi về Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” (NCHCCCL) số 33 với tiêu đề “Tiếng nói của tàng thư”. Đó là cuộc đoàn tụ đầy bất ngờ của gia đình của anh Lâm Văn Thuận, quốc tịch Campuchia, với người mẹ đã 84 tuổi của mình ở Việt Nam sau hơn 40 năm thất lạc (trong đó có 33 năm thất lạc, mưu sinh trên đất nước Campuchia).

Để góp phần làm nên cuộc đoàn tụ đó, Phòng Tàng thư căn cước (P6 - C53) đã xác định thông tin anh Thuận tìm cha mẹ đẻ chỉ là tờ cam kết cho con mang tên người cha là Lâm Vul, căn cước số 001976 cấp tại Sài Gòn ngày 13.6.1960; mẹ là Lê Thị Hải (SN 1926, căn cước số 010919 cấp tại Sài Gòn ngày 13.6.1960).

Nhờ vào kết quả tra cứu tàng thư của P6/C53, Đội tìm kiếm của NCHCCCL đã nhanh chóng tìm ra gia đình của bà Nguyễn Thị Hải - người mẹ mà anh Thuận tìm kiếm suốt bao năm tại con hẻm số 1000 đường Đinh Tiên Hoàng, TP.HCM. Bà Hải nay ở tuổi gần đất xa trời, ước nguyện cuối của bà là tìm được đứa con trai bị lưu lạc từ lâu. Được chứng kiến cảnh đoàn tụ ấy, các cán bộ của C53 cảm thấy như chính mình vừa tìm lại được người thân.

Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ chia sẻ thêm: Ban đầu công việc của các cán bộ, chiến sĩ C53 còn gặp nhiều khó khăn. Việc tập hợp thông tin, dữ liệu của từng cá nhân rồi mã hóa thành một hệ thống là cả một chặng đường dài đầy gian nan. Khi chương trình NCHCCCL mới phát sóng trên VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam, chúng tôi đã nhận thấy tính nhân văn sâu sắc của chương trình.

C53 cũng đang lưu giữ hệ thống tàng thư căn cước công dân, tàng thư hồ sơ hộ khẩu và tàng thư căn cước thu được của Mỹ - ngụy nên đã báo cáo xin chủ trương của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, cùng phối hợp với chương trình NCHCCCL xây dựng kế hoạch tìm kiếm người thân bị thất lạc. Đến nay, C53 và Phòng Hồ sơ nghiệp vụ các địa phương đã phối hợp tra cứu, xác minh giúp NCHCCCL tìm ra hàng trăm trường hợp thất lạc, giúp họ đoàn tụ với người thân.

Thầm lặng đứng sau những chiến công

Năm 1987, Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát (C53) được thành lập trên cơ sở chia tách từ Cục Hồ sơ chung. C53 đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, công tác hồ sơ vì thế ngày càng gắn kết và phục vụ hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản đấu tranh phòng, chống tội phạm. Rất nhiều vụ án lớn được khám phá thành công có sự đóng góp thầm lặng của C53.

img
Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ cùng cán bộ C53 đang tra cứu hồ sơ phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ảnh: T.Q

Dù quân số còn quá mỏng so với yêu cầu thực tế, nhưng bất kể lúc nào, khi các đơn vị nghiệp vụ cảnh sát - an ninh cần tra cứu khẩn thông tin để phục vụ công tác điều tra, truy xét, đấu tranh phá án… anh em C53 đều thực hiện kịp thời, chính xác. Trong đó, có những đối tượng tội phạm “cáo già”, từng vào tù ra tội nên cũng có ít nhiều kinh nghiệm để đối phó với điều tra viên khi lại bị bắt ở một địa bàn khác.

Từ những tàng thư căn cước tội phạm đã được bảo quản rất cẩn trọng, những người làm công tác hồ sơ nghiệp vụ đã góp phần lật tẩy hành tung đối tượng.

Vụ án Phạm Chí Tin (tức Palét Tin) ở Khánh Hòa, kẻ có 7 tiền án, tiền sự là một ví dụ. Đối tượng này đã khai nhiều tên họ, địa chỉ khác nhau với nhiều lần phạm tội. Sau khi được đề nghị phối hợp, C53 đã nhanh chóng xác định thông tin kịp thời, chính xác góp phần hỗ trợ đắc lực, giúp Ban chuyên án nhanh chóng truy bắt đối tượng.

Một vụ việc khác mà hẳn dư luận hẳn chưa quên bởi độ tàn bạo là vụ án cướp của, giết 4 người tại tiệm vàng Kim Sinh (48 Tây Sơn, Hà Nội). Chỉ từ dấu vết thu được tại hiện trường, C53 đã xác định chính xác thủ phạm là đối tượng Nguyễn Minh Châu. Đồng thời C53 cung cấp các quan hệ, địa chỉ nơi Châu có thể lẩn trốn để hỗ trợ đắc lực cho Công an Hà Nội phối hợp với các địa phương tổ chức mật phục bắt gọn kẻ giết người.

Một trong những vụ việc đáng nhớ nữa mà Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ trực tiếp tham gia là tham gia điều tra vụ giết người, cướp tài sản, sát hại bác sĩ Phạm Thị Nguyệt xảy ra tại Phòng khám đa khoa khu vực thuộc tổ 6, phường Lào Cai, TP.Lào Cai gây xôn xao dư luận. Bất chấp mọi nỗ lực tìm kiếm của cơ quan điều tra, tung tích của hung thủ suốt thời gian dài vẫn là ẩn số.

Sau gần 1 năm kiên trì, C53 đã phối hợp Công an Lào Cai rà soát, quét ảnh hàng trăm nghìn tờ khai; rút hơn 160.000 chỉ bản CMND nam giới, từ độ tuổi SN 1970-1997. Sau đó, C53 nhập cơ sở dữ liệu điện tử để tra cứu theo ảnh đối tượng và đối sánh với dấu vân tay thu được tại hiện trường cũng như nhân dạng mà nhân chứng miêu tả lại. Đến ngày 4.5.2013, đối tượng sát hại bác sĩ Phạm Thị Nguyệt mới được xác định khi liên quan đến một vụ án khác.

“Đó là một trong những công việc thường ngày của C53. Nhiều người nhầm tưởng công tác hồ sơ nghiệp vụ rất đơn giản, nhẹ nhàng. Thực tế không phải vậy. Đơn cử như việc sắp xếp, lưu trữ hồ sơ cho khoa học, công tác phục vụ yêu cầu tra cứu cũng nhiều khó khăn.

Chỉ riêng tàng thư hồ sơ của chế độ cũ và hồ sơ hàng chục năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng vốn là những mẫu giấy đã quá cũ, chất liệu giấy nhiều trang xơ vữa, ố vàng theo dòng chảy thời gian và biến động thời tiết cần phải xử lý hóa chất, nên mỗi khi cần tra cứu, cán bộ chiến sĩ đơn vị phải mang khẩu trang để… phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp” - Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ tâm sự.

Theo ước tính, mỗi năm bằng công nghệ thông tin, C53 đã tra cứu xác định chính xác hàng trăm đối tượng. Chỉ riêng năm 2011, đơn vị này đã cung cấp thông tin chính xác về 185 đối tượng, thủ phạm của 195 vụ án qua dấu vết thu được tại hiện trường... Với những công việc thầm lặng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ C53, hình ảnh người công an nhân dân Việt Nam càng trở nên tin cậy và gần gũi hơn trong mắt người dân.

Sau gần 1 năm kiên trì, C53 đã phối hợp Công an Lào Cai rà soát, quét ảnh hàng trăm nghìn tờ khai; rút hơn 160.000 chỉ bản CMND nam giới, từ độ tuổi SN 1970 -1997.