Khát khao một công việc
Nhà em Chẻo Sun Mẩy (dân tộc Dao) huyện Sìn Hồ (Lai Châu) có hoàn cảnh khá đặc biệt: Bố mất sớm, một mình mẹ nuôi 3 anh em ăn học chỉ bằng mảnh ruộng bên sườn dốc núi. Gia đình em luôn là hộ nghèo của bản. Đã vậy, em lại bị mắc bệnh đục thủy tinh thể. Từ ngày bố mất, em được xã đưa xuống Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu để bớt gánh nặng cho mẹ: “Em chỉ mong có một công việc ổn định, thu nhập 2 – 3 triệu đồng/tháng để có thể giúp đỡ mẹ nuôi anh và em em học tiếp” – Mẩy nói với giọng run rẩy vì gió lạnh nhưng trong ánh mắt của em vẫn rực sáng nỗi khát khao sẽ có được công việc nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Hiện Mẩy đang học ngành phục vụ buồng – phòng tại Trường Trung cấp Kinh tế- Du lịch Hoa Sữa.
Sinh ra ở vùng quê nghèo huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cả 2 em Đinh Thị Thùy Dung (SN 1995) và em Phan Hữu Đạt (SN 1995) đều có ước mơ đơn sơ là có một công việc với thu nhập ổn định để giúp cha mẹ. Đạt là con trai cả trong một gia đình có 5 anh chị em. Cha mẹ là nông dân nên em hiểu được nỗi khổ của cha mẹ khi hàng ngày “một nắng hai sương”để nuôi mấy anh chị em ăn học. Vì vậy học xong lớp 12 em xin đi phụ bếp cho một quán ăn gần nhà. Thế nhưng: “Thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu vì mình không được học, chưa biết việc. Nếu em được học việc, học nghề sẽ đỡ hơn. Nhưng em không muốn bố mẹ vất vả thêm, bố mẹ già rồi, làm gì có tiền cho em học nghề nữa” – Đạt chia sẻ.
Không khá hơn Đạt là bao, gia đình Dung có hai anh em nhưng bố mẹ cũng làm nghề nông cả. Sau khi học xong lớp 12, Dung đi làm công nhân điện tử cho một công ty ở Hải Dương rất vất vả nhưng công việc không ổn định. Em cũng luôn mơ ước được làm đầu bếp nhưng chưa bao giờ dám ngỏ ý xin tiền bố mẹ để… học nghề.
Thắp sáng niềm tin
Mẩy, Dung, Đạt là 3 trong số hơn 10 em được nhận học bổng học nghề miễn phí từ chương trình của Báo Nông Thôn Ngày Nay phối hợp với Trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa trao trong đợt 1 năm 2014.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và xúc tiến việc làm cho biết: “Chương trình đào tạo của các em gồm 2i hệ sơ cấp và trung cấp. Hệ sơ cấp học 3 tháng và đào tạo cho các em những kỹ năng cơ bản để các em có thể làm việc. Sau khi học xong, đi làm, nếu các em có nguyện vọng học tiếp thì nhà trương vẫn tạo điều kiện cho các em được nâng cao tay nghề. Khi về học đây các em nhận học bổng được hỗ trợ kinh phí học tập, ăn ở, đi lại. Đồng thời, sau khi học xong các em sẽ được giới thiệu cho công ăn việc làm phù hợp với ngành học”.
Hiểu về nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp và để các em ra trường có thể có dễ dàng có việc làm nhà trường đã hướng các em đào tạo về các ngành nghề như: Kỹ thuật chế biến món ăn Á - Âu, nghiệp vụ phục vụ bàn, nghề làm bánh mì - bánh ngọt, nghiệp vụ phục vụ bàn, buồng. Riêng nghề thêu, may là chỉ dành cho những em bị khuyết tật.
“Dự kiến trong năm 2015, trường sẽ tiếp tục phối hợp với Báo Nông Thôn Ngày Nay sẽ trao thêm những suất học bổng cho con em nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, nhà trường đang có sự phối hợp với Tỉnh đoàn Đăk Lăk, Đăk Nông để có thể giới thiệu mở rộng phạm vi tuyển sinh ra khắp cả nước”- ông Nguyễn Ngọc Thanh cho biết.
Cô Nguyễn Thị Huệ - giáo viên bộ môn kỹ thuật chế biến các món ăn Á cho biết thêm: “Trong lớp tôi hiện nay có khoảng 30 – 50% học sinh đã và đang đi làm thêm ở các nhà hàng. Đây chính là cơ hội để các em được rèn luyện tay nghề và có thêm thu nhập giúp gia đình. Vì vậy, các em được học nghề ở đây rất có tương lai”.
Mặc dù còn những khó khăn nhưng với lòng quyết tâm, cố gắng và ham học hỏi đã giúp các em vượt lên tất cả: “Ngày trước em làm ở quán ăn những món ăn đơn giản còn khó nấu nhưng giờ đây khi vừa được học vừa được làm thì em đã thuần thục hơn nhiều, những kỹ năng em học được từ trước khi đi học giờ được củng cố thêm” - Đạt tự hào nói.
Được biết, sau khi ra trường các em có thể có mức mức lương khởi điểm khoảng từ 3 – 4 triệu/tháng tùy theo từng ngành nghề. Giờ đây, ngoài những giờ đi học ở trường Dung và Đạt đang làm thêm ở các nhà hàng, quán ăn một việc phù hợp với ngành nấu ăn Á của mình và còn dư thêm một khoản nhỏ để gửi về cho bố mẹ. Một con đường mới đã mở ra, các em đang dần chạm tay gần hơn với ước mơ của mình.