Gần đây, trên các trang mạng xã hội lan truyền clip về một chàng trai quỳ gối trước mẹ người yêu, sẵn sàng chấp nhận việc bị đánh mắng. Theo thông tin cư dân mạng tìm hiểu được, chàng trai trong clip tên T.N đã yêu cô gái tên L. cách đây 2 năm nhưng không được cha mẹ cô gái đồng ý. Họ vẫn lén lút qua lại, cùng nhau đi chơi.
Đến ngày 23/2 vừa qua, khi cùng nhau đi xem phim tại Vincom (Hà Nội), cặp đôi bị mẹ cô gái phát hiện và bị đánh, mắng trước đám đông. Dù chàng trai đã quỳ gối xin lỗi nhưng cậu vẫn không được mẹ cô gái tha thứ.
Chàng trai cho biết, từ khi yêu nhau đến giờ, đây là lần đầu tiên cậu bị mẹ L. đánh nhưng với L. thì chuyện này xảy ra thường xuyên. Lý do mẹ cô gái cấm đoán là vì cậu trai chưa trưởng thành, hơn nữa từng làm một việc ảnh hưởng đến danh dự gia đình cô gái.
Câu chuyện của nhân vật bất đắc dĩ trong clip đã đặt ra rất nhiều vấn đề trong đó vấn đề đáng nói hơn cả là việc giáo dục tình cảm cho con cái. Việc cha mẹ không muốn con cái “lao” vào chuyện yêu đương có rất nhiều lý do như: chưa trưởng thành, không yêu người “môn đăng hộ đối”, yêu quá sớm dẫn đến xao nhãng việc học tập, quan hệ tình dục sớm… Dù lý do là chính đáng, sự lo lắng là cần thiết nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng tìm được cách cư xử đúng mực với con cái.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Gần đây cư dân mạng truyền tay nhau clip một chàng trai quỳ gối trước mặt mẹ người yêu giữa phố Hà Nội, chấp nhận việc bị mẹ người yêu đánh, mắng. Là một chuyên gia tâm lý, anh đánh giá thế nào về cách xử lý của các nhân vật trong câu chuyện, đặc biệt là mẹ cô gái?
Trước hết, nên thông cảm cho sự lo lắng và căng thẳng của người mẹ… Vì bậc làm cha mẹ khó có thể vô tư chấp nhận việc con mình nói dối để tiếp tục duy trì một mối quan hệ từng bị cấm đoán…
Thứ nữa, tôi thực sự mong được thông cảm khi đây là chuyện cá nhân mà chúng ta lại đưa ra bình luận. Nhưng cũng nhân sự việc này, có hai vấn đề cần nhìn nhận rõ ràng, đó là mâu thuẫn, xung đột giữa cha mẹ, con cái và dạy con cái trong hoàn cảnh nào là phù hợp.
Thời điểm và hoàn cảnh là hai thứ các bậc phụ huynh nên cân nhắc khi quyết định lên tiếng dạy dỗ con mình. Sự nóng nảy quá mức của họ có thể gây tổn thương sâu sắc đến con cái và những cá nhân có liên quan.
Sự tổn thương cụ thể là gì và theo ông cách người mẹ chọn xử lý trong tình huống này có phải là cách tốt nhất?
Như đã phân tích, tổn thương ở đây là sự tổn hại đến tâm lý và tinh thần của con cái. Cô gái có thể sẽ thấy xấu hổ trước đám đông, có cái nhìn tiêu cực về mẹ mình, thậm chí có thể tìm cách giải thoát mà chúng ta không mong đợi nhất.
Thứ nữa, việc cấm cản một mối quan hệ bằng những hành vi bạo hành có thể tạo những động lực để hai bạn đó phản ứng thiểu kiểm soát hay thậm chí là bất chấp… Vì sự tương thích tâm lý, sự đồng cảm, sự bảo vệ lẫn nhau có thể dẫn đến trường cảm xúc mạnh mẽ và thiếu lý trí.
Còn về cách xử lý, theo tôi, nếu đó là mối quan hệ lâu dài, có cơ sở, có cân nhắc thì cấm đoán hay đánh đập không phải là cách tốt nhất. Thay vì đó hãy nhẹ nhàng chia sẻ.
Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ lo lắng chuyện con yêu sớm sẽ xao nhãng học hành, quan hệ tình dục sớm để lại những hệ lụy khó lường… nên đã tìm cách cấm đoán, đe nẹt, kiểm soát con mình không tiếp xúc với “nửa kia”. Theo ông, đó có phải là phương pháp dạy con tốt? Và nếu không thì nó sẽ để lại hệ lụy gì?
Việc quá dễ dãi hay quá dân chủ với con cái sẽ dẫn đến những hệ lụy như: con cái hư hỏng, bỏ học, mang thai sớm…
Nhưng việc cấm đoán con cái, bạo hành con cái, kiểm soát thái quá cũng sẽ dẫn đến những hậu quả đau lòng như: con cái thiếu cân bằng, bực bội, dễ “tung cánh” bay mất khi có cơ hội…
Ông có thường xuyên nhận được những câu hỏi của các bậc phụ huynh về vấn đề này? Điều mà họ băn khoăn, trăn trở nhất là gì thưa ông?
Những câu hỏi này là những câu hỏi thường trực của các vị phụ huynh gửi đến cho chúng tôi. Điều mà các bậc phụ huynh trăn trở nhất là làm sao để con được thoải mái trong chừng mực, có kiểm soát… Vấn đề này xuất phát từ hai phía. Chính các em nhỏ “được đằng chân lân đằng đầu”, khi không có biện pháp mạnh thì thường không e sợ. Còn các bậc cha mẹ thì quá thiếu tin tưởng vào con cái.
Thiết nghĩ nếu cha mẹ, con cái xích lại gần nhau, ngồi xuống chiếc ghế của nhau, xỏ chân vào đôi giày của nhau thì có lẽ sẽ hiểu nhau, dễ chấp nhận và thông cảm cho nhau hơn.
Theo ông, tại sao các bạn trẻ lại có tâm lý “càng cấm càng yêu”?
Tâm lý càng cấm càng yêu là tâm lý của sự phản kháng. Đó là phản ứng tự vệ hay tự khẳng định bản thân của các bạn trẻ.
Các bậc cha mẹ nên nhìn nhận và xem xét kỹ vấn đề, giải quyết bằng sự lắng nghe, chia sẻ nhẹ nhàng. Cần nhìn nhận tình yêu của con là một biểu hiện bình thường, là nhu cầu chính đáng của con cái để có những tác động phù hợp…
Có ý kiến cho rằng, cách yêu của trẻ em 10 năm trước so với bây giờ không khác nhau nhưng cách phụ huynh quan tâm đến con em mình thì khác nhau rất nhiều. Khi mạng xã hội phát triển, cha mẹ quan tâm con cái bằng điện thoại, máy tính, internet chứ không phải bằng mắt, bằng tai… nên trẻ em thời nay cô độc hơn rất nhiều. Ông có đồng ý với ý kiến đó?
Tôi đồng ý một phần nhưng vấn đề quan trọng nhất ở đây vẫn là việc hiểu con, sẵn sàng làm bạn với con để có những tác động mang tính công bằng, tôn trọng. Điều căn bản nhất là nên khuyến khích con chia sẻ thay vì bắt buộc chúng phải thú nhận hay báo cáo. Còn bằng phương tiện nào thì không quá quan trọng.
Thứ nữa, trẻ sẽ rất cô độc nếu thiếu người chia sẻ hàng ngày… Đừng đợi xa nhau rồi mới bù đắp để kéo lại gần… Sẽ rất khó khăn nếu lằn ranh đã quá lớn, quá xa rồi mới giải quyết…
Cũng có ý kiến cho rằng, cha mẹ Việt luôn tìm cách sống thay con, không chịu lớn lên cùng con. Ông có đồng ý với điều này?
Tôi nghĩ chính tâm lý quá thương con nên có nhiều bậc phụ huynh có biểu hiện sống giùm con, sống thay con. Đó là cách giáo dục con chưa thật hiệu quả.
Hãy giúp con trưởng thành và đối diện với những vấn đề của lứa tuổi bằng chính kỹ năng và bản lĩnh của mình thay vì trực tiếp giải quyết thay chúng. Cũng nên nhớ rằng, "con chúng ta sẽ sống khi ta không còn tồn tại" nên hãy trao cho trẻ hành trang vào đời đích thực.
Vậy, các bậc phụ huynh nên làm gì khi biết con mình yêu sớm và có những thay đổi lớn về tâm sinh lý, thưa ông?
Khó định nghĩa là sớm hay muộn khi chúng ta không có cái chuẩn để so sánh. Thế nhưng khi trẻ dậy thì thì bắt đầu có rung cảm giới tính. Sau rung cảm giới tính có thể là tình yêu đầu đời. Trẻ con cần người khác, đặc biệt là cha mẹ chấp nhận rằng mình đã lớn.
Hãy thẳng thắn đối diện… tâm sự với con về chuyện tình yêu, giới tính. Nói cho con nghe về chuyện của chính mình thời xưa một cách chân thành, vui vẻ mà không tỏ ra khuôn phép hay giáo điều. Sau đó, lắng nghe con một cách công bằng và chia sẻ nếu cần thiết…
Hãy nói với con rằng cha, mẹ cũng nghĩ thế, hoặc con có thể suy nghĩ về một lựa chọn khác xem sao… Đó là cung cách ứng xử khá phù hợp hiện nay…
Cảm ơn ông và chúc ông một năm mới nhiều may mắn!