Dân Việt

Quy định quản lý tàu du lịch chưa rõ ràng

23/05/2011 15:40 GMT+7
(Dân Việt) - Hiện nay, quản lý về mặt vận tải là do ngành giao thông quản lý; còn việc tàu đó có được hoạt động du lịch hay không, hoạt động thế nào lại do ngành du lịch và địa phương quản lý.

Trao đổi với NTNN hôm qua (22.5), Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa – Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phụ trách phía Nam, Cao Kim Phụng cho biết, vụ chìm tàu Dìn Ký đang được tổ điều tra liên ngành vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân.

Theo ông Phụng, tàu của doanh nghiệp này đã từng bị xử phạt, buộc ngừng hoạt động tại bến đậu này nhưng vẫn tiếp tục hoạt động.

Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao con tàu du lịch này vẫn hoạt động, ông Phụng cho biết, nguyên nhân một phần là do chồng chéo trong quản lý nhà nước đối với tàu du lịch. Hiện nay, quản lý về mặt vận tải là do ngành giao thông quản lý; còn việc tàu đó có được hoạt động du lịch hay không, hoạt động thế nào lại do ngành du lịch và địa phương quản lý.

Việc quản lý chồng chéo này dễ dẫn đến việc bỏ sót phương tiện không đảm bảo an toàn và khó quy trách nhiệm nếu để sự cố xảy ra. Ông Phụng cho biết, sau vụ tai nạn ở vịnh Hạ Long (ngày 17.2.2011 làm 12 người chết), hiện Bộ GTVT và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang xây dựng thông tư liên tịch để quản lý tàu thuyền du lịch.

Về đặc thù hoạt động của tàu du lịch so với tàu vận tải đường thủy thông thường, ông Phạm Minh Nghĩa cục phó Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết: Người đi tàu vận tải không được đứng trên khoang ngắm cảnh, còn tàu du lịch thì khác, tàu vận tải có điểm dừng đỗ được quy định trước, trong khi tàu du lịch nhiều khi lại tùy tiện theo ý khách; số lượng người trên tàu du lịch nhiều hơn tàu vận tải…Vì thế, theo ông Nghĩa, việc phân biệt trong quản lý tàu du lịch phải được sớm thực hiện.

Theo ông Nghĩa, do phương tiện du lịch chở số người nhiều nên việc quản lý, đảm bảo an toàn phải đặt ra yêu cầu cao hơn so với tàu vận tải thông thường. Về bằng cấp của lái tàu, chứng chỉ cứu hộ…của nhân viên phục vụ trên tàu phải được quy định cụ thể.

Theo ông Nghĩa, Cục Đường thủy Nội địa đã có kế hoạch phối hợp cùng Cục Đăng kiểm và Cục Cảnh sát Giao thông đường thủy tiến hành kiểm tra tất cả tàu du lịch trên toàn quốc. Kế hoạch này đã được làm xong và bắt đầu từ tháng 6, sẽ đi kiểm tra ở tất cả các tỉnh, thành để nắm tình hình chung rồi đưa ra hướng khắc phục những bất cập trong quản lý.