Ngoài vấn đề lịch sử của quần đảo Hoàng Sa, theo báo Tuổi Trẻ, sách còn cập nhật thời sự với những sự kiện mới vừa diễn ra như việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, tàu của ngư dân Ðà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm...
Từ sau khi vấn đề sách giáo khoa (SGK) “lãng quên” Hoàng Sa được chất vấn tại Quốc hội, từ sau ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đề nghị đưa vấn đề Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa các cấp học, dư luận đã chờ đợi rất lâu. Và đến giờ có thể lạc quan mà nói rằng học sinh Đà Nẵng trong năm học tới sẽ có thể đàng hoàng đĩnh đạc rằng “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Chân lý cũng vừa được tái khẳng định trong Điều 1 Luật Biển.
Vài năm qua, khi “đường lưỡi bò” thè cái tham vọng xuống Biển Đông, vấn đề chủ quyền Tổ quốc được quan tâm hơn bao giờ hết với bừng bừng tinh thần dân tộc của người Việt cũng như những khẳng định cương quyết của những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Việc đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK là nỗi khắc khoải, là sự chờ đợi của người Việt nói chung.
Trên mạng xã hội, thậm chí đã có một phong trào “Sang năm tới Hoàng Sa”.
Việc Đà Nẵng đưa Hoàng Sa vào SGK chính là cách thức dạy cho các thế hệ hậu sinh một bài học lớn về chủ quyền Tổ quốc, một lời nhắc nhở “Sang năm tới Hoàng Sa” một phần lãnh thổ của Tổ quốc đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép không bao giờ được quên lãng.
Duy cũng còn một điều cần phải nói. Khi đưa ra vấn đề này, Đà Nẵng gần như phải mở ngoặc “theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, trong khung chương trình các cấp học phải có các tiết dạy giáo dục địa phương”. Sao vấn đề chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc phải có một câu “như lách luật” như thế nhỉ!
Thưa Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận, Thủ tướng đã có ý kiến rồi: Chủ quyền Hoàng Sa phải được đưa vào SGK ở các cấp học. Chắc Bộ trưởng cũng đồng ý rằng đó hoàn toàn không phải là việc riêng của Đà Nẵng.