Bác sĩ Chu Hoàng Khánh Hương (Khoa Sản) cho biết trường hợp của sản phụ Chăm rất nguy cấp, sinh thường hay sinh mổ đều nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con. Tiểu cầu của chị xuống thấp, thai ngôi ngược rất khó để sinh thường. Trong khi đó, sinh mổ thì phải đối diện với tình huống máu không đông, dễ khiến sản phụ tử vong.
Lúc này, bác sĩ Hương và bác sĩ Lê Thị Ánh Tuyết đã quyết định sẽ tìm nguồn máu nóng để khẩn cấp lọc tiểu cầu, truyền và cho sản phụ sinh mổ. “Hôm ấy, đội hiến máu chỉ có 3 người, họ đều sẵn sàng nhưng hầu hết đều vừa ăn uống nên máu không bảo đảm. Chúng tôi nghĩ đến việc huy động các bác sĩ của ca trực hiến máu cứu sản phụ” - bác sĩ Hương nhớ lại.
Bác sĩ Lưu Hồng Tuyên (trái) và bác sĩ Lê Khắc Hiệu thăm sản phụ Zơ Rum Chăm sau ca sinh mổ thành công
May mắn là cả 9 y - bác sĩ trong ca trực đều có nhóm máu B, trùng nhóm máu với sản phụ. Hai bác sĩ Lưu Hồng Tuyên (SN 1982) và Lê Khắc Hiệu (SN 1989) xung phong hiến tổng cộng 3 đơn vị máu để lọc lấy tiểu cầu truyền cho sản phụ.
Ca mổ thành công, bé gái nặng 2,9 kg chào đời trong niềm sung sướng và hạnh phúc khôn tả của cả gia đình. Anh Hiên Hoi, chồng sản phụ Chăm, cho biết khi đó anh sẵn sàng hiến máu cứu vợ nhưng các bác sĩ không đồng ý bởi lúc đó anh là người thân duy nhất bên vợ.
“Tôi nghe loáng thoáng việc các bác sĩ hiến máu cho vợ con tôi và cuối cùng vợ tôi đã “vượt cạn” thành công. Tôi mừng suýt khóc. Các bác sĩ là ân nhân lớn nhất của gia đình tôi. Tôi đã hỏi xin số điện thoại để chỉ nhắn một tin cảm ơn nhưng các bác sĩ không cho tôi biết ai là người đã hiến máu” - anh Hoi tâm sự.
Trao đổi với chúng tôi, cả hai bác sĩ Tuyên và Hiệu đều cho rằng họ rất vui bởi một việc làm nhỏ nhưng cứu cả mẹ con sản phụ qua cơn nguy kịch. “Sau khi hiến máu, chúng tôi tiếp tục ca trực. Cảm giác khi phụ mổ cho sản phụ mà trong đó máu truyền cho sản phụ chính là của mình thì xúc động lắm” - bác sĩ Tuyên trải lòng.
Cả bác sĩ Tuyên và bác sĩ Hiệu đã nhiều lần tham gia hiến máu nhân đạo nhưng đây là lần đầu tiên trực tiếp hiến máu “nóng” cứu bệnh nhân.