Dân Việt

Khám phá “kho báu quý giá” từng bị quên lãng được công nhận là di sản thế giới

Minh Khánh 26/02/2015 08:07 GMT+7
Hang động Ajanta là một trung tâm Phật giáo lâu đời và đồ sộ, có cảnh quan tuyệt đẹp, nhưng bị rơi vào quên lãng và chỉ được biết đến sau gần 1.500 năm.

Hang động Ajanta là một quần thể hang đá trên sườn núi ở làng Ajintha thuộc quận Aurangabad, tiểu bang Maharashtra, Ấn Độ, gồm 30 hang động đá là phế tích những ngôi chùa và tu viện thờ Phật, hoạt động từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên đến thế kỷ thứ 7 sau công nguyên. Các hang đá được đục thành từ những dung nham núi lửa của Deccan trong một hẻm núi trong rừng của ngọn đồi Sahyadri và được bao quanh bởi một rừng cây tuyệt đẹp.

img

Hang động Ajanta bị rơi vào quên lãng và chỉ được biết đến sau hơn 1 nghìn năm

 

Hang Ajanta lưu giữ được những bức tranh tường có thể coi là đẹp nhất trong mỹ thuật Phật giáo. Ngoài những bức họa, Ajanta còn là tập hợp công trình điêu khắc đá với nhiều tượng hình và cấu trúc trang trí tạc ngay vào vách đá. Năm 1983, hang động Ajanta được ghi nhận là di sản thế giới do UNESCO công nhận.

Hang động được phát hiện bất ngờ bởi Đại úy quân đội Anh quốc John Smith thuộc đội kỵ mã thứ 28 của đoàn kỵ binh đóng ở Madras vào năm 1819, trong khi đi săn. Đại úy John Smith phát hiện có những cửa hang trên vách đá, do tò mò nên ông tìm cách trèo lên vách núi để xem, khi đến nơi ông cũng chỉ xem được qua loa vì thời gian gấp gáp, nhưng ông vẫn cố lấy bút chì ghi tên mình và ngày tháng vào một góc kín đáo trên một bức tượng của một vị Bồ Tát, và nét bút chì ấy cho đến ngày nay vẫn còn lờ mờ.

Sau sự khám phá chớp nhoáng của ông John thì các hang động lại chìm vào sự yên lặng mênh mông của những ngàn năm quá khứ. Hang động Ajanta bị rơi vào quên lãng trong suốt thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên và chỉ được thế giới bên ngoài biết đến vào khoảng 1.500 năm sau.

img

Các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc trong quần thể hang đá đồ sộ.

 

Ít ai biết về di sản tuyệt vời Ajanta của Phật giáo được khám phá một cách tình cờ và ngày nay trở thành một nơi hành hương tại Ấn độ, nơi mà Phật giáo đã phát sinh và đã từng biến mất. Kể từ đó, hàng ngàn người đã khắc tên của họ vào các hang động Ajanta.

Các hang đá đều do tay người đục đẽo thẳng từ bên ngoài vào trong vách núi, các cửa hang hình vòm cung có cột đá chống đỡ. Tường và cột đá ở cửa hang được chạm nổi với các hình người, hình thú vật, hoa, lá tạo quang cảnh đồ sộ.

Hang động Ajanta là nơi trú ẩn của hàng ngàn con dơi, khi thám hiểm, người ta phát hiện đống phân động vật của nhiều loài như khỉ, chó rừng, cọp, gấu... trên mặt đất, cho thấy đây là nơi đến trú ẩn của nhiều loài.

Quần thể hang nơi đây rất đa dạng, có hang có kích thước nhỏ và không sâu, nhưng một số hang lại rộng mênh mông, trần cao vút. Trong nhiều hang lớn, có nhiều pho tượng Phật to lớn và oai nghiêm, trên tường là các bức tranh vẽ rất tinh xảo.

img

Hang động Ajanta từng là một trung tâm Phật giáo lâu đời

 

Hang đá Ajanta được đánh giá là di tích ngoại hạng, là một tu viện đồ sộ và tinh xảo đã bị chìm vào quên lãng, biến mất trong trong trí nhớ của con người. Các nhà khảo cổ xác nhận đấy là một trung tâm Phật giáo lâu đời và đồ sộ.

Các tranh trên tường trong các hang động là đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật tranh vẽ của Ấn Độ. Kiến trúc, tranh vẽ và điêu khắc trong hang cho thấy Ajanta được xây dựng vào hai thời kỳ cách nhau khá xa. Từ thời kỳ thứ nhất kéo dài từ thế kỷ thứ II trước Tây lịch đến từ thế kỷ thứ I trước Tây lịch với cách trang trí khá đơn giản và không hoa mỹ, không có một biểu tượng nào tượng trưng cho Đức Phật. Thời kỳ thứ hai vào thế kỷ thứ V chịu ảnh hưởng của Phật giáo Bắc tông, với thiết kế phức tạp, trang trí phong phú và màu mè hơn.