Theo cáo trạng, từ năm 2007 - 2008, Công “mô tô” có 85 mô tô phân khối lớn do nước ngoài sản xuất song không có giấy tờ hợp pháp. Qua các mối quan hệ, Xuân đã nhờ Huệ móc nối với cán bộ có chức quyền ở tỉnh Hải Dương để tìm cách hợp thức hóa giấy tờ cho lô xe máy nói trên.
Sau đó Huệ đã tìm gặp, đặt vấn đề với Trần Quốc Huy, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 3 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hải Dương và được Huy đồng ý. Sau khi thỏa thuận với Huy, Huệ yêu cầu Công chuyển một số xe máy cũ nát từ TP.HCM ra Hải Dương để Huy dàn dựng các cuộc kiểm tra, bắt giữ xe máy phân khối lớn không có giấy tờ rồi tổ chức bán xe thanh lý, mua lại, lấy giấy tờ hợp pháp chuyển cho Công.
Có được hồ sơ mua xe thanh lý, Công “mô tô” đã đăng ký lưu hành hợp pháp 85 xe máy phân khối lớn tại TP.HCM và bán ra thị trường từ 48 triệu đồng đến 645 triệu đồng/xe, trong khi giá mua thanh lý chỉ từ 2,8 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng/xe. Như vậy, Công “mô tô” chỉ phải bỏ ra 278 triệu đồng để mua 85 xe thanh lý, trong khi giá trị thực của số xe này lên đến gần 20 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định, Huệ đã nhận của Công “mô tô” tổng cộng hơn 1,8 tỷ đồng để đưa hối lộ cho Huy. Tuy nhiên, Huy chỉ thừa nhận đã nhận 360 triệu đồng, số còn lại Huệ không chứng minh được đã sử dụng vào việc gì.
Ngoài số tiền nhận từ Huệ, Huy còn chỉ đạo nhân viên làm tờ trình xin UBND huyện Ninh Giang thanh toán gần 25 triệu đồng tiền mua tin bắt giữ 85 xe gian.
Từ số tiền nhận được, Huy đã chia cho Phạm Đình Quang (Đội phó Đội quản lý thị trường số 3) 22 triệu đồng, Phạm Đăng Duyên (Đội phó Đội quản lý thị trường số 5) 20 triệu đồng, Ngô Văn Tới (Đội phó Đội quản lý thị trường số 2) 6 triệu đồng.
Ngoài số cán bộ quản lý thị trường “biến chất” nêu trên, Viện KSND Tối cao còn truy tố hai bị can là cán bộ Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Ninh Giang và Chi cục Thuế huyện Ninh Giang (Hải Dương) về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.