Chiều 25.2, tại phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) lần đầu tiên cho ý kiến về dự án Luật Trưng cầu ý dân. Dự thảo này do Hội Luật gia Việt Nam soạn thảo. Đây được xem là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của nền dân chủ ở Việt Nam, bởi từ Hiến pháp năm 1946 đến nay, vấn đề trưng cầu ý dân mới được cụ thể hóa thành luật.
Đa số thành viên UBTVQH tán thành sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người dân trực tiếp tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện ý chí và thực hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước.
Trưng cầu vấn đề gì?
Về những vấn đề được trưng cầu ý dân, các thành viên UBTVQH cho rằng việc xác định vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân là đặc biệt quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ của người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước. Vì vậy, dự án luật cần quy định tiêu chí, điều kiện để các chủ thể có quyền đề nghị QH trưng cầu ý dân có cơ sở để thực hiện.
Dự thảo luật trình hai phương án về nội dung trưng cầu, trong đó phương án 1 quy định có tính khái quát, nguyên tắc; phương án 2 liệt kê cụ thể hơn những vấn đề QH có thể đưa ra trưng cầu ý dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 35 của UBTVQH. Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết qua thảo luận cho thấy việc xác định nội dung trưng cầu ý dân rất khó, tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của đất nước tại mỗi thời điểm nhất định và quyền quyết định của QH. Bên cạnh đó, Hiến pháp và Luật Tổ chức QH cũng chỉ quy định thẩm quyền QH quyết định trưng cầu ý dân mà không quy định cụ thể những việc nào phải trưng cầu ý dân.
Do vậy, các ý kiến này tán thành với phương án 1, chỉ trưng cầu ý dân đối với những vấn đề chung, nguyên tắc như: Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng… QH quyết định tổ chức trưng cầu ý dân đối với từng vấn đề cụ thể.
Còn nhiều mơ hồ
Tại phiên họp, nhiều ý kiến thẳng thắn nhận xét nhiều nội dung trong dự án luật còn chung chung.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói: “Dự án luật phải trả lời được sáu câu hỏi: “Điều kiện trưng cầu như thế nào? Nội dung trưng cầu là gì? Ai đề nghị việc trưng cầu? Ai quyết định nội dung, thời điểm trưng cầu? Xử lý sau trưng cầu như thế nào? Ai công nhận kết quả trưng cầu?...”.
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc K’so Phước cũng cho rằng: “Đây là luật rất quan trọng, không thể mơ màng. Nếu mơ màng thì tự đẩy mình vào nguy cơ bất ổn… Cần phải cấm đưa các vấn đề trái Hiến pháp, pháp luật ra lấy ý kiến”.
Về kết quả trưng cầu nhiều ý kiến cho rằng sau khi trưng cầu, QH sẽ quyết định kết quả, tuy nhiên Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng ý kiến của nhân dân là cao nhất vì nó thể hiện ý muốn trực tiếp của người dân. “Cách hiểu của tôi là nội dung có đưa ra trưng cầu hay không là do QH quyết định, còn đưa ra dân quyết rồi là giá trị phúc quyết như Hiến pháp 1946” - Phó Chủ tịch QH nói.
Trước những ý kiến trên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Trưng cầu ý dân phải đúng là ý dân, là độc lập, tự chủ quyết định, phát biểu ý kiến qua lá phiếu của mình vì thế luật phải quy định làm sao việc bỏ phiếu này không bị tác động, làm xuyên tạc đi. Phải chặt chẽ mới ra trưng cầu, nếu chưa thì không đưa ra, rất nguy hiểm”.
Theo Chủ tịch QH còn nhiều nội dung trong dự án luật rất mơ hồ. QH trước khi quyết định có thể lấy ý kiến nhân dân nhưng trưng cầu ý dân thì khó. Ví dụ bớt tội tử hình đi thì có là trưng cầu không hay là lấy ý kiến; gia nhập cộng đồng ASEAN có trưng cầu không? Gia nhập WTO có trưng cầu không?…
“Cần phải có văn bản góp ý của Chính phủ, Mặt trận, các tổ chức… sau khi có ý kiến hôm nay. Trên cơ sở đó, hoàn thiện lại, lúc đó mới quyết định có trình QH hay không. Chậm nhất phiên họp của UBTVQH tháng 5-2015 mới quyết định được có trình QH hay không, nếu chưa quyết được thì để lại” - Chủ tịch QH kết luận.
Ai được đề nghị trưng cầu ý dân?
Liên quan đến “Chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân”, dự thảo luật trình hai phương án. Theo đó, phương án 1 gồm UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu QH có quyền đề nghị trưng cầu ý dân; phương án 2 mở rộng thêm một số chủ thể khác cũng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Hầu hết đại biểu đều đồng tình với phương án 1 để đảm bảo sự thống nhất với Luật Tổ chức QH.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng việc “Ai là người đề nghị trưng cầu ý dân” nhất định phải là tập thể, không có cá nhân. “Trong trường hợp nào đó, một cá nhân đề nghị gây nguy hiểm cho cả hệ thống chính trị” - ông Hiển nói. Hay như vấn đề nội dung trưng cầu có vấn đề của địa phương hay không, theo ông Hiển thì đó phải là vấn đề mang tính toàn quốc,…