Dân Việt

Quên HAGL đi, U23 Việt Nam là của Miura

26/02/2015 13:34 GMT+7
Ngay ngày đầu đội tuyển U23 Việt Nam tập trung, HLV Miura nói rằng ông sẽ xây dựng đội tuyển có lối chơi khác với những gì mà đồng nghiệp Graechen Guillaume xây dựng cho đội tuyển U19 hơn 1 năm qua.
Dường như tuyên bố kể trên cũng là thông điệp mà HLV Miura gửi tới lứa Công Phượng và các đồng đội, rằng họ phải thay đổi để thích nghi với thực tế.

Thực tế đó nằm ở triết lý của HLV Miura, một triết lý mang phong cách hiện đại. Lối chơi do vị HLV người Nhật này đang có nói riêng, cũng như lối chơi của bóng đá hiện đại nói chung là càng nhanh càng tốt. Ngay cả kỹ thuật cá nhân của từng cầu thủ cũng phải phục vụ cho việc phát triển bóng tấn công thật nhanh, chứ không phải kỹ thuật cá nhân là để trình diễn.

img

Điều này thì lứa Công Phượng và các đồng đội ở HAGL chưa có. Họ rất giàu kỹ thuật, nhưng do ít được rèn luyện trong môi trường bóng đá đỉnh cao, chưa gặp đúng thầy giỏi nên họ không biết cách điều tiết kỹ thuật của mình, cũng không có thói quen đá nhanh.

Ngay ngày tập đầu tiên của đội tuyển U23 Việt Nam ở lần tập trung này, HLV Miura đã muốn cáu vì thói quen vừa nêu của một số học trò. Trong thời gian tới đây, vị HLV người Nhật chắc chắn sẽ hướng các học trò mới đến sự thay đổi trong tốc độ chơi bóng.

Đấy cũng là điều mà người hâm mộ chờ đợi nhất, chờ đợi việc HLV Miura sẽ giúp cho Công Phượng và các đồng đội thay đổi, vì họ thay đổi là làm lợi cho sự nghiệp của chính họ, thay vì cứ mãi quanh quẩn với lối đá lắt nhắt, của một ông thầy vốn là chuyên gia đào tạo trẻ, chứ không phải là một HLV đỉnh cao.

Thay đổi diện mạo đội tuyển U23 Việt Nam

Với bóng đá nội, với các đội tuyển Việt Nam ở nhiều cấp độ, trước đây chúng ta thường không đánh giá đúng những sân chơi mang tầm vóc châu lục. Mấy năm trước, các đội bóng tuyển Việt Nam thường không thi đấu với quyết tâm cao ở các giải đấu từ cấp độ châu Á trở lên.

Với HLV Miura thì mọi chuyện phải khác. Vị HLV người Nhật luôn chuyên nghiệp trong công việc và nghiêm túc với mọi giải đấu. Ông nói thẳng rằng đội tuyển U23 Việt Nam sẽ hướng đến vị trí thứ 2 trong bảng, sau ứng cử viên số 1 Nhật Bản, hòng nhắm đến 5/10 suất dành cho các đội nhì bảng có thành tích tốt nhất, rồi hướng vào vòng trong.

Nên nhớ bóng đá Đông Nam Á trong thời gian gần đây có rất nhiều đội bóng, nhiều liên đoàn trong khu vực đặt chỉ tiêu cao cho các đội tuyển nước mình, như Thái Lan quyết tâm kiếm vé dự Olympic Rio 2016, hay Myanmar đã có vé vào VCK World Cup U20 năm 2015. Thành ra, đội tuyển U23 Việt Nam nếu không tiến bộ, không có tham vọng tiến ra khỏi đấu trường khu vực thì cũng đồng nghĩa với việc tụt hậu.

Muốn thế thì HLV Miura cũng phải thay đổi được cái tư duy quá ưu ái lứa U19 của bầu Đức hiện vẫn đang tồn tại trong đầu một số quan chức của VFF. Ông thầy người Nhật phải tạo được sự hòa hợp giữa lứa U19 ấy với phần còn lại của đội tuyển U23 Việt Nam nói riêng, và hòa hợp với cả nền bóng đá nói chung.

Mà muốn cầu thủ của bầu Đức hòa hợp được với phần còn lại thì không thể có ngoại lệ. HLV Miura được kỳ vọng sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng nơi các tuyển thủ. Về vấn đề này thì vị HLV người Nhật dường như cũng sớm thấy và sớm tuyên bố sẽ không có bất cứ sự ưu ái nào ở đội tuyển.

Đội tuyển nói cho cùng phải có sự cạnh tranh thì mới mong tiến bộ. Người ta cần cái “tư tưởng Nhật”, cái “triết lý Nhật” từ HLV Miura cũng vì điểm đó. Người ta tin ở người Nhật vì dân xứ này ít khi để tình cảm cá nhân chen ngang vào công việc, cũng không nhìn vấn đề với con mắt ngoài chuyên môn, hoặc dòm trước ngó sau rồi mới quyết định.

Một đội tuyển mạnh phải là một đội tuyển tập hợp được những cầu thủ tốt nhất, có sự cạnh tranh lành mạnh nhất!