Nhưng lên tới đây, điều quấn hút du khách nhất phải là những ngôi nhà sàn và những cây gỗ dổi cao lớn. Nhà sàn ở đây còn khá nguyên bản với mái ngói, gỗ quý chứ chưa bị lai tạp với mái tôn hay đổ cột bê tông. Nhà sàn rộng rãi, cửa voóng cao nhìn ra bản mường.
Theo chân anh, chúng tôi leo lên những sườn đồi rụng đầy lá keo. Nghe nói ở đây dù bà con có lên núi cao trồng trọt thì vẫn có nguồn nước từ những mỏ nước cao. Nước theo những ống dẫn về các làng, nước theo mương về đồng ruộng. Lạ lẫm nhất là khi lên tới đồi cao lại có những ao cá được bà con khơi từ những vũng nước trong mát.
Có nước nguồn, có bàn tay cần mẫn, bà con ấm no hơn. Nhìn đàn gà đông đúc chạy dưới gầm sàn, nhìn những đàn trâu béo tốt đang tha thẩn đi trên đường mòn chợt thấy ngày Tết mà lòng vui lạ. Dưới ruộng, nhiều cụ già tranh thủ tiết xuân mang thuổng đi trồng cây chuối, miệng nở nụ cười lạc quan. Người già ở đây nhiều cụ dù đã ngoại chín mươi nhưng vẫn khỏe mạnh và hăng hái tham gia giúp con cháu việc nhà, vườn tược.
Khi chúng tôi về lại ngôi nhà sàn, cùng nâng chén rượu men rừng, lúc là lúc dưới bếp gia chủ đã làm xong món thịt lợn lửng. Những chú lợn nuôi hơn năm mà chỉ nặng tầm dưới hai mươi kí bởi chỉ ăn dây rau lang và thân cây chuối.
Ngoài những bữa tiệc xuân, những đêm giao thừa đi chúc Tết từ nhà gốc đến anh em trong họ, từ nhà cả đến nhà út, còn có cả những trò vui như chơi đánh mảng, đánh bóng chuyền mà cả các chị phụ nữ cũng tham gia rất nhiệt tình. Bà con vui ngày Tết bằng các món ăn chế biến từ thóc gạo, thịt con lợn, con gà, bằng những lời chúc gắn kết tình làng nghĩa xóm, bằng những niềm vui mà ta tự tạo ra và tặng cho nhau.
Ngày Tết muộn ở Phú Lương trong một ngày nắng ấm áp và khó quên trong lòng du khách.