Dân Việt

Lựa chọn của nhân dân

23/05/2011 07:08 GMT+7
(Dân Việt) - Bà Nguyễn Thị Đức, ăn mặc đẹp nhất trong khả năng, có mặt tại điểm bỏ phiếu Mỹ Đình (quận Từ Liêm, Hà Nội) lúc 7 giờ kém 5 phút. Đi bầu cử được coi là công việc ưu tiên số một của bà cũng như hàng chục triệu cử tri cả nước trong ngày 22.5.

Một cách giản dị, người phụ nữ giúp việc quê ở Thanh Hoá trình độ văn hoá chỉ đủ đọc, viết đã lựa chọn một ứng viên còn trẻ và có trình độ đại học, những thứ mà cả cuộc đời bà không có được.

Bà Đức tự hào nói bà chưa từng bỏ sót một cuộc bầu cử nào và hy vọng những ứng viên mà mình bầu sẽ đại diện, sẽ quan tâm đến quyền lợi của những người nghèo. “Xã hội sẽ tốt đẹp hơn và con tôi sẽ được học hành, sẽ có việc làm”- bà nói.

Hơn 62 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu ngày hôm qua trong một cuộc bầu cử lớn nhất trong lịch sử và dường như các cử tri đã coi đó là việc thực hiện quyền công dân của họ, nhiều hơn là một thứ trách nhiệm, nghĩa vụ công dân mà họ phải thực hiện. Mỗi một lá phiếu đều đã được gửi gắm kèm theo đó rất nhiều hy vọng.

Tại các điểm bỏ phiếu, hầu hết cử tri đều nghiên cứu rất kỹ lý lịch tiểu sử của các ứng viên trước khi đi đến quyết định bầu cho ai, dù danh sách này đã được niêm yết từ rất lâu và các cuộc tiếp xúc cử tri đã được MTTQ Việt Nam tổ chức xong trong suốt 14 ngày trước bầu cử.

Hoạt động sôi nổi và ngày càng dân chủ của Quốc hội ngày càng gây tiếng vang trong dư luận. Ở Việt Nam không có thống kê lượng người xem truyền hình, tuy nhiên các phiên chất vấn tại Quốc hội, được thực hiện trong 3 khoá QH gần đây được coi là một trong những hoạt động chính trị được người dân quan tâm nhất.

Ông Lê Truyền - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch MTTQ, một trong 4 ứng viên tự ứng cử của Hà Nội cho biết ông tự tin khi tham gia tự ứng cử. Hoạt động ngày càng dân chủ của Quốc hội có vẻ đã tạo động lực cho các ứng viên tự ứng cử, người ngoài Đảng và giới doanh nhân.

Có tới hơn 14% ứng viên là người ngoài Đảng và trong ngày bầu cử, một trong những chủ đề trao đổi sôi nổi nhất của cử tri là việc ông Đặng Thành Tâm - một doanh nhân, một trong những người giàu nhất Việt Nam tham gia ứng cử đại biểu QH.

Cử tri tin rằng QH cần nhiều hơn các doanh nhân, những người trực tiếp tạo ra của cải và việc làm. Bà Phạm Thị Loan- Chủ tịch Tập đoàn Việt Á, đại biểu QH khoá XII nói rằng với tư cách một cử tri, bà ủng hộ các doanh nhân tham gia QH khi phát triển kinh tế luôn là động lực phát triển xã hội. “Đó phải là những doanh nhân có trí tuệ, trình độ, có bản lĩnh”- bà nói.

Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất nhưng đồng thời cũng là cơ quan đại diện cao nhất của dân. Cử tri ý thức rõ điều đó và họ đã, một cách cẩn trọng và đầy trách nhiệm, lựa chọn các ứng viên mà mình tín nhiệm nhất. Và việc lựa chọn cũng là cách mà dân chúng thể hiện quyền dân chủ của mình.

Quốc hội ngày càng thực hiện nhiều hơn quyền lực của mình và các cử tri cũng vậy, ngày càng ý thức rõ hơn quyền của mình mỗi khi cầm lá phiếu.