Dân Việt

Người bác sĩ dành trọn cuộc đời cho trẻ thơ

Diệu Thu 27/02/2015 06:30 GMT+7
“Những ánh mắt và nụ cười hồn nhiên của bao đứa trẻ giống như một phần máu thịt tồn tại khiến tôi không thể "dứt" ra”.
Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai - sau khi ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao Động hạng Ba, với những thành tích cống hiến cho y học, ngày 25.2 vừa qua.

img
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc TP.Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nuôi dưỡng ước mơ học Đại học Bách khoa Hà Nội bởi ông đam mê các môn tự nhiên. Tuy nhiên, sau cái chết của em gái, ông đã thay đổi suy nghĩ và quyết định chọn học ngành y.

PGS Dũng kể: "Ngày ấy, cô em gái của tôi bỗng nhiên bị ốm nặng, sau đó đã tử vong trên đường đến bệnh viện vì những cơn co giật, sốt cao. Đau khổ trước sự mất mát của em gái, bố tôi đã khuyên tôi theo học ngành y, chữa bệnh cứu người".

Cuối năm thứ 5 Trường Đại học Y Hà Nội, ông Dũng thi đỗ đầu vào nội trú với số điểm là 41, cao nhất năm đó. Với số điểm cao như vậy, ông được quyền lựa chọn chuyên khoa. Cuối cùng, ông quyết định chọn khoa Nhi.

Sau 4 năm học nội trú, ông Dũng về công tác tại Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, ông được giao đảm nhiệm Trưởng phòng Cấp cứu nhi.

Những ngày đầu mới về bệnh viện công tác, thiết bị phục vụ cho người bệnh ở đây còn khá đơn sơ nên gây nhiều trở ngại cho các bác sĩ trong quá trình điều trị. Với cương vị là bác sĩ - trưởng phòng, ông Dũng đã kịp thời động viên tinh thần các học trò và đồng nghiệp, khiến họ an tâm  làm việc và phục vụ tốt cho bệnh viện.

Được coi như những người đóng vai trò quyết định trong việc "giữ lại sự sống" cho mỗi bệnh nhân, mà đó lại là những bệnh nhi còn rất hồn nhiên và vô tư, nên đôi khi ông Dũng cũng cảm thấy áp lực với công việc.

Ông Dũng kể rằng đã từng nhiều lần đối diện với những bệnh nhi mà sự sống của các bé chỉ còn trong gang tấc, khiến ông phải "gồng mình" để giành lại sự sống cho bệnh nhi đó.

Ca bệnh gần đây ông Dũng nhớ nhất là bé Nguyễn Trường Nam (Từ Sơn, Bắc Ninh) mắc sởi. Gần 35 năm trong nghề, ông chưa bao giờ gặp ca biến chứng viêm não cấp do sởi như bệnh nhi này.

Bệnh nhi Nam sốt cao, hôn mê, co giật và khẳng định viêm não ngay trong thời kỳ của sởi. Ngày đầu nhập viện, toàn thân bé tím đen, bố mẹ và người thân hai bên xin về nhà chờ chết.

Tuy nhiên, ông Dũng và đội ngũ bác sĩ vẫn muốn giữ lại bé với mong muốn cố gắng cứu chữa bằng mọi giá. Sau 1 tháng điều trị, bé Nam được cứu sống khỏe mạnh.

img

PGS Dũng tâm sự: “Chỉ cần nhìn thấy hạnh phúc của người làm cha, làm mẹ khi họ thấy con mình khỏe mạnh là tôi thấy vui và mãn nguyện lắm rồi”.

Hay như trường hợp cứu sống hai mẹ con sản phụ bị cúm A/H5N1 nhờ việc nhanh nhạy, sáng tạo trong việc sử dụng thuốc Tamiflu cho đứa trẻ vừa mới chào đời (trong khi đó trên thế giới mới ghi nhận em bé nhỏ tuổi nhất được dùng thuốc này là 3 tháng tuổi) cũng là một trong những ca bệnh thành công ngoài sức tưởng tượng, được giới chuyên môn đánh giá cao.

Đặc biệt, câu chuyện về đứa trẻ 700 gram bị nhiễm trùng huyết mà ngay sau khi sinh đã ngừng thở được PGS Dũng và kíp cấp cứu Khoa Nhi cứu sống từ người mẹ bị suy tạng (đã qua đời ngay sau khi sinh bé ra) và còn rất nhiều những ca bệnh khó đã được PGS Dũng xử lý trong sự khâm phục của bạn bè đồng nghiệp và gia đình bệnh nhi.

PGS Dũng chia sẻ: “Từ sự lựa chọn ngẫu nhiên với ngành y, để giờ đây tôi lại yêu tha thiết với nghề, đến độ không dứt ra được. Tôi nhận thấy rằng cuộc sống của tôi là dành cho những đứa trẻ”.