Graechen là thầy Pháp, gắn liền với những thăng trầm của lứa U.19 Hoàng Anh Gia Lai JMG, cũng đồng thời là nòng cốt của ĐT U.19 Việt Nam trong các kế hoạch nam chinh bắc chiến trong năm vừa rồi. Miura lại là thầy Nhật, người đã giúp ĐT Olympic Việt Nam lọt vào tứ kết Asiad và ĐT Việt Nam vào bán kết AFF Cup 2014.
Nhìn vẻ bề ngoài, thầy Pháp Graechen có cái đầu hói, dáng người chắc đậm còn thầy Nhật Miura lại gắn chặt với nụ cười hiền và vẻ thanh nhẹ đúng chất thư sinh. Nhưng khi chỉ đạo trận đấu thì cả hai con người này đều có những thời điểm hò hét đến cháy mình, và thật khó để trả lời trong những thời điểm như vậy "lửa" Pháp hay "lửa" Nhật bùng cháy dữ dội hơn.
Trong một lần tâm sự với người viết, Graechen bảo ông nội của mình đã từng tham gia cuộc chiến Đông Dương, nhưng vì những mâu thuẫn gia đình mà Graechen phải xa ông từ rất nhỏ. Thế nên Việt Nam nói riêng và mảnh đất Đông Dương lửa khói một thời nói chung thực sự là thế giới xa lạ với Graechen. Năm 2007, khi nhận quyết định của Học viện JMG toàn cầu về việc đến Việt Nam làm việc thì Graechen thậm chí đã phải mất cả ngày tra cứu xem Việt Nam là một đất nước như thế nào, có khí hậu ra sao, và liệu có phù hợp với một người vẫn hay được bạn bề trêu đùa là "điên rồ" như mình hay không.
Thời điểm ấy Graechen không thể ngờ rằng sau vài năm làm việc tại Việt Nam thì mình đã "điên rồ" tới mức lấy luôn một cô gái Việt Nam làm vợ. Mà lý do lấy nhau cũng có một cái gì đó rất "điên rồ": "Cô ấy nấu ăn tuyệt ngon. Cô ấy và mẹ tôi ở Pháp giống nhau ở điểm này". Bây giờ thì Graechen đã xin nhập quốc tịch Việt Nam và đang có một cuộc sống thanh bình ở phố Núi Gia Lai. Graechen rưng rưng cảm động khi thổ lộ: "Ngay từ những phút đầu tiên chiếc máy bay đưa tôi đến Việt Nam tôi đã có cảm giác gần gũi đặc biệt với đất nước này. Vợ chồng tôi sẽ sống lâu dài ở Việt Nam".
Nếu Graechen chứng tỏ khả năng "nhập gia" rất nhanh và rất nhuyễn thì Miura lại là một trường hợp hoàn toàn khác. Có một mệnh lệnh mà Miura ban bố cho các học trò trước thềm AFF Suzuki Cup năm nay khiến nhiều người thấy sốc, và thoạt tiên người ta cứ tưởng chỉ là một chuyện đùa, đó là tất cả các cầu thủ tuyệt đối không được đi xe máy.
Nhưng khi nghe Miura nói về giao thông Việt Nam trên một đài truyền hình Nhật Bản, rằng các phương tiện giao thông ở đây hoạt động rất tuỳ tiện và nguy hiểm thì người ta mới hiểu mệnh lệnh này có logic riêng của nó. Có lẽ, vì quen sống trong một xã hội - một nền giao thông tuyệt đối nghiêm túc nên Miura không thể không sợ những gì đã và đang xảy ra trên đường phố Việt Nam mỗi ngày. Nhưng sợ thay cho cả các cầu thủ, đến mức cấm họ đi xe máy thì quả đúng là "chỉ Miura mới thế".
Chỗ này thì Miura làm người ta nhớ lại những chia sẻ rất tự nhiên của vợ chồng cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam Silva Dido hồi 2001: "Chúng tôi thấy xe máy ở Việt Nam quá nhiều, nhưng điều quan trọng là người Việt Nam ai cũng có thể đi xe máy như làm xiếc". Người viết bài này từng nói đùa với một trợ lý của Miura ở ĐTQG: Nếu ông ấy cũng hiểu được khả năng "đi xe máy như làm xiếc" của người Việt Nam nói chung và học trò của mình nói riêng thì đã không có lệnh cấm kia đâu nhỉ? Câu trả lời là: "Tôi nghĩ vẫn có, bởi Miura điển hình cho một phương pháp sống và làm việc cực kỳ khoa học".
Theo kế hoạch với ông bầu Đoàn Nguyên Đức, Guillaume sẽ ở lại Việt Nam lâu dài. Ngay cả khi không tiếp tục công việc HLV ở CLB Hoàng Anh Gia Lai thì ông vẫn có những vai trò quan trọng ở Học viện Bóng đá trẻ HA.GL JMG với những lứa cầu thủ không ngừng được tuyển sinh đào tạo. Còn theo hợp đồng đã ký với VFF, Miura bước đầu chỉ làm việc ở Việt Nam trong vòng 2 năm.
Từ những điều này có thể dự đoán "tuổi thọ" của Guillame với bóng đá Việt Nam có khả năng sẽ cao hơn Miura khá nhiều. Nhưng nhiều hay ít thì cũng mong là cả hai ông thầy đều sẽ có những kỷ niệm khó quên với một nền bóng đá mà trước khi đặt chân tới, cả hai đều thừa nhận là "quá xa lạ với mình".
Cũng mong là nền bóng đá ấy sẽ hấp thụ được những điều thực sự tích cực của hai ông thầy điển hình cho hai mẫu người, hai trường phái!