Quy định chặt để chống bức cung, nhục hình
Theo lãnh đạo Bộ Công an, dự luật đã quy định khá cụ thể quyền của người bị tạm giam, tạm giữ (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu ý kiến, dự luật liên quan trực tiếp đến quyền con người nên cần phù hợp với Hiến pháp, đồng thời đảm bảo việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Một vấn đề ông Lý lưu ý Ban soạn thảo là cần phải quan tâm đến tình trạng bức cung, nhục hình, vì phần lớn xảy ra ở giai đoạn tạm giữ, tạm giam.
"Một mặt quy định chặt chẽ đối với hoạt động điều tra, một mặt phải có quy định cụ thể công tác tạm giữ, tạm giam, ví dụ như khi cán bộ điều tra vào lấy cung phải có luật sư của bị can" - ông Lý bày tỏ.
Lý giải về vấn đề bức cung, nhục hình, đại diện Ban soạn thảo dự luật, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Bức cung, nhục hình phần lớn xảy ra nhiều với hoạt động của cán bộ điều tra chứ không phải nằm ở hoạt động giam giữ, tạm giữ. Dự luật này đã quy định khá cụ thể quyền của người bị tạm giam, tạm giữ, có cả phòng ngừa, ngăn chặn vấn đề bức cung, nhục hình với họ.
Không đánh đồng tạm giữ và tạm giam
Quan điểm
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện
Việc duy trì mô hình quản lý giam giữ đối với người bị kết án tử hình tại các trại tạm giam như hiện nay về cơ bản là phù hợp. Tuy nhiên duy trì mô hình này thì công tác thi hành án tử hình cần có sự đổi mới về phương thức, theo đó cần nghiên cứu phương án bố trí các xe thi hành án tử hình lưu động nhằm tránh phát sinh tốn kém do ngân sách nhà nước trong công tác thi hành án tử hình trên thực tế vừa qua”.
Góp ý vào dự thảo luật, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng nội dung dự luật vẫn chưa ổn, có nhiều vấn đề chưa phù hợp với Hiến pháp.
Theo ông Ksor Phước, đối với tạm giữ cần phân loại vì ở trường hợp này người đó chưa có quy kết gì về tội phạm, loại này đa dạng, có người vi phạm hành chính, có người tình nghi phạm tội. Còn với tạm giam là trường hợp có dấu hiệu phạm tội, nhà giam phải khác với tạm giữ.
Cùng cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư đề xuất dự luật cần bổ sung quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của những cán bộ, chiến sĩ trong việc thực hiện việc tạm giữ, tạm giam, nếu không khi xảy ra vấn đề vi phạm gì khó quy trách nhiệm.
Ông Nguyễn Hải Phong - Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho rằng: "Trong dự luật có hình thức kỷ luật cùm chân, đây là một hình thức nhục hình, nếu đưa vào luật thì lại công khai vấn đề này. Cần có cơ chế kỷ luật với trường hợp vi phạm trong nhà tạm giữ, trại tạm giam nhưng có nên đề xuất ở dự luật này hay không, cần nghiên cứu kỹ".
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự luật quy định cùm chân không vi phạm Công ước quốc tế về chống tra tấn và các hình thức đổi xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người Việt Nam vừa ký nhưng vẫn cần rà soát lại xem có trái với các công ước quốc tế khác mà Việt Nam đã tham gia.