Cơ duyên với y thuật
Vị lương y mà chúng tôi nhắc đến chính là ông Nguyễn Trúc (67 tuổi, trú thôn Phước Ấm, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Một chút tình cờ đưa chúng tôi đến thăm phòng khám của lương y Nguyễn Trúc dưới cái rét cắt da mới thấy rõ sự nhiệt tình và chân thành của vị lương y phúc hậu này. Tiếp chúng tôi sau những phút nghỉ ngơi sau khi khám bệnh cho mọi người, lương y Trúc chia sẻ về nửa cuộc đời cứu giúp người của mình, cũng như cái duyên đưa ông đến với nghiệp y.
Chuyện đời của vị lương y hơn 40 năm cứu giúp người nghèo
Tủ sách với nhiều cuốn sách quý trong nhiều năm nghiên cứu y thuật của lương y Nguyễn Văn Trúc.
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cuộc sống khốn khó từ thuở cơ hàn khiến cậu bé Trúc thấu hiểu sự đói khổ và bệnh tật. Cũng chính từ đây, ông ước mơ theo nghiệp y để mong muốn giúp đỡ mọi người. Những năm tháng sau đó, ông theo học hai người dượng của mình là thầy thuốc đông y và tây y. Được cả hai thầy truyền dạy y thuật, lương y Trúc dày công học tập. Thuở ban đầu, tưởng chừng như đông y, tây y là đối lập xung khắc khó hòa nhập, nhưng rồi sau nhiều năm cần mẫn cùng sự chỉ dạy của hai người thầy, ông thấu hiểu căn cốt của y thuật, kết hợp đông - tây y đúc kết nên y thuật riêng cho mình.
Trong những năm tháng chiến tranh, với kinh nghiệm của mình, từ năm 1965 đến 1975, lương y Nguyễn Trúc tham gia làm nhiệm vụ chữa bệnh quân dân y phối hợp ở bệnh viện Thăng Bình. Chặng đường bốc thuốc, châm cứu đó giúp ông hiểu thêm về y học cổ truyền cũng như sâu sát hơn về các loại bệnh. Mong muốn được khám chữa bệnh nhiều hơn cho mọi người sau giải phóng càng thôi thúc ông.
Trầm ngâm sau chén trà ấm, ông chia sẻ: "Thế là phòng khám Tinh Quang Đường ra đời, với ý nghĩa mang y thuật như ngôi sao sáng cứu giúp mọi người. Kể từ đó đến nay đã gần 40 năm rồi. Chừng ấy năm, thầy gắn bó với nghiệp y". Hỏi ra mới thấu hiểu hết cái tâm của vị lương y già, khi Tinh Quang Đường của ông đa phần dành cho người nghèo khó.
Một đời chữa bệnh miễn phí
Với lương y Nguyễn Trúc, một ngày còn khỏe mạnh là một ngày ông còn cứu người. Với những bệnh nhân khó khăn, ông không đòi hỏi một đồng tiền chữa bệnh, có chăng chỉ là vài ba chục tiền thuốc thảo dược, mà ông cất công tìm mua nhiều nơi. Còn về châm cứu, bấm huyệt hay những bài thuốc sẵn có trong nhà thì ông nhất quyết không lấy một đồng. Ông bộc bạch: "Bệnh nhân nghèo mà lại ở xa. Thầy giúp họ xem như giúp chút tiền tàu xe thôi chứ có gì to tát. Hơn nữa việc bấm huyệt, châm cứu là nghề của thầy mà, mong sao bà con mạnh khỏe là vui rồi".
Với những bệnh nhân nghèo ở xa, thầy Trúc bố trí sẵn phòng trong nhà mình cho người bệnh, rồi lo ăn uống cho họ. Mọi chi tiêu ông đều không tính một đồng. Bệnh nhân đến đây được ông bấm huyệt, châm cứu vài ngày nếu như nhẹ, còn bệnh nặng thì nán ở lại nhà ông để chữa trị. Ông kể: "Cụ Lữ Thị Toán (83 tuổi, xã Bình Giang), bị liệt bốn năm nay phải nằm một chỗ không đi lại được. Nhờ được châm cứu, sử dụng thảo dược mà bây giờ bệnh cụ khỏi hẳn, ăn uống, đi lại bình thường, điều này khiến thầy rất mừng".
Còn về phần theo dõi người bệnh, thì quả thật hiếm có ai tỉ mỉ như lương y Trúc. Cuốn sổ ghi bệnh lý, bệnh nhân của ông dày cộm được ông chép chi tiết từng bệnh nhân. Có nhiều người gần 30 năm rồi mà bệnh án ông vẫn còn giữ, khi đến chỉ cần nhắc qua thời gian khám là ông có thể tìm lại để theo dõi bệnh một cách tốt nhất.
Ông kể lại: "Thầy lưu lại mọi thông tin của người bệnh, khi khám bệnh thì chỉ rõ cho họ biết bệnh tình và nói qua về cách chữa cho họ hiểu. Đồng thời khi kê đơn, bốc thuốc thầy đều cho họ một đơn nhằm lúc khác có thể ra hiệu thuốc bốc chứ không nhất nhất phải đến thầy nữa. Mình làm thầy chữa bệnh chứ phải ông bán thuốc đâu mà giấu giếm thuốc".
Lương y Nguyễn Văn Trúc trò chuyện với PV.
Đến tận nhà người nghèo trị bệnh
Lật giở cuốn sổ dày ghi tên tuổi, ngày tháng khám của các bệnh nhân, lương y Trúc tâm sự: "Sổ để theo dõi bệnh tình của họ. Nhiều khi trong này ghi ngày tái khám mà họ không đến là thầy lại tìm về. Thầy cũng nhàn nhã mà, đi để học nữa". Nghe ông tâm sự chúng tôi vô cùng cảm động trước tấm lòng của vị lương y, không quản khó khăn, nhiệt tình tìm về với từng người bệnh, để tận mắt thấy bệnh nhân của mình khỏe mạnh mà món quà quý giá nhất là những lời cảm ơn chân thành và sức khoẻ bệnh nhân nghèo.
Với người dân nơi đây, hơn 30 năm qua, hình ảnh ông lương y già trên chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi khắp mọi miền của mảnh đất xứ Quảng đã ăn sâu vào tâm trí họ. Nhắc đến thầy Trúc, ông Nguyễn Công, Chủ tịch UBND xã Bình Triều (huyện Thăng Bình) cho biết: "Lương y Nguyễn Trúc là người thầy mẫu mực có tâm với bà con nghèo gần xa. Việc làm của ông luôn được người bệnh tin yêu và quý mến". Còn với hai chị em bà Nguyễn Thị Chính (82 tuổi) và bà Nguyễn Thị Chinh (81 tuổi) cùng trú tại xã Bình Triều (huyện Thăng Bình) thì: "Hoàn cảnh chúng tôi đói khổ may nhờ thầy Trúc tận tình chữa trị cho, nếu không chị em tôi nghèo, bệnh tật, chẳng biết bám víu vào đâu", bà Chính xúc động nói.
Đó là khi bà Chính bị mù lòa, còn bà Chinh thì mang trong mình căn bệnh thần kinh nên gia cảnh cực kỳ khốn khó. Kể từ khi biết được hoàn cảnh của hai bà, lương y Trúc đã tìm đến hỏi thăm và giúp đỡ, không chỉ trong chữa bệnh mà còn hỗ trợ các bà trong cuộc sống.
Một trang cuốn sổ dày ghi lại bệnh lý các bệnh nhân.
Chia sẻ với PV ông còn cho biết, những lúc rảnh rỗi ông tìm đọc hàng trăm đầu sách y học để trau dồi thêm kiến thức. Cũng như mọi ngành khoa học khác, lương y Trúc tâm niệm, y học luôn thay đổi, tiến bộ nên cần biết "làm mới" những phương pháp chữa bệnh của mình nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh. Những buổi chiều ông còn đi khắp nơi tìm các loại thảo dược, các bài thuốc quý để phục vụ cho người nghèo. Nói như lời ông Hồ Văn Chế (Trạm trưởng trạm Y tế xã Bình Triều): "Ông Trúc thường đi khắp nơi để chữa bệnh cho mọi người".
Bà Ngô Thị Buôn (89 tuổi, trú Hòa Vang, Đà Nẵng), một trong những bệnh nhân mắc bệnh tê liệt chân tay được thầy Trúc chữa trị đã nghẹn ngào khi chúng tôi hỏi về ông: "Thầy tốt lắm, nhiều lúc thầy cho tiền thuốc hết. Nhà bà ở xa nên thầy bốc thuốc cho nhiều đợt hơn để đỡ đi lại. Bà mang ơn thầy nhiều lắm".