Tại khu vực các chợ Kim Biên, Bến Thành, Bình Tây... ở TP.HCM, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán tràn lan. Hậu quả là nhan nhản nạn nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM vì sử dụng các sản phẩm này.
Theo Thông tư số 06/2011 của Bộ Y tế, từ 1.4.2011, các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa mỹ phẩm ra thị trường phải đảm bảo sản phẩm không có hại đối với sức khỏe con người; nhãn hàng hóa phải ghi rõ tên sản phẩm và chức năng, hướng dẫn sử dụng, thành phần công thức, tên nước sản xuất, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường…
Hàng trôi nổi nhiều hơn hàng chính hãng
Nhiều loại mỹ phẩm bán ở chợ không có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (ảnh minh họa). |
Quy định là thế, tuy nhiên, tại khu vực chợ Kim Biên (quận 5), các loại mỹ phẩm đủ loại, không rõ nguồn gốc vẫn bày bán tràn lan. Bên cạnh các thương hiệu nổi tiếng như Ponds, Hazeline, Olay Total Effects, Lancome, Essance, LOréal, Clinique, Shiseido, O Hui… các quầy còn bày bán đủ loại mỹ phẩm với các loại giá khác nhau.
Các loại son môi có giá từ 20.000 – 35.000 đồng/cây tùy loại (hàng Trung Quốc) đến 200.000 – 450.000 đồng/cây của các thương hiệu nổi tiếng. Các loại hàng giá rẻ không có thông tin xuất xứ, nhà sản xuất và nhãn phụ bằng tiếng Việt. Người bán cho rằng, đó là các loại hàng xách tay mang từ nước ngoài về.
Tại quầy S.H, khi PV hỏi mua kem chống nắng thì người bán đưa ra khoảng 20 loại như Eveline, Rohto, Kanebo, L’Oreal Solar…, trong đó nhiều loại có xuất xứ từ Đài Loan, Thái Lan, Malaysia với giá 40.000 – 65.000 đồng/chai. Một điểm chung là các loại có giá rẻ đều không có tem hay nhãn tiếng Việt giới thiệu nhà nhập khẩu.
Riêng các loại nước hoa, thuốc nhuộm tóc thì có tới hàng trăm loại sản phẩm được bày bán đủ mẫu mã, màu sắc. Người bán còn cho biết, đa phần nước hoa đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Nếu muốn mua nước hoa chính hãng như Chanel, Demalogica, Shiseido... thì giá từ 600.000 – 2 triệu đồng/lọ. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào sản phẩm thì khó có thể biết được đâu là hàng thật, hàng giả. Khi hỏi nếu sử dụng sản phẩm bị dị ứng thì liên hệ ai để khiếu nại, chị bán hàng khẳng định từ ngày bán đến nay chưa có ai bị vấn đề gì khi mua sản phẩm ở đây(?!).
“Te tua” vì mỹ phẩm giả
Giữa tháng 5, Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã tiếp nhận một trường hợp dị ứng nặng gây lở loét do sử dụng kem tẩy trắng da. Nạn nhân là chị N.T.C.P, trú tại huyện Bình Chánh, 36 tuổi. Theo người nhà chị P, nghe quảng cáo trên truyền hình có thuốc tẩy trắng da cấp tốc nên chị đặt mua với giá 1,6 triệu đồng/tuýp giao đến tận nhà, tuy nhiên, sau khi sử dụng da bắt đầu ngứa và nổi nốt đỏ.
Không dừng lại ở đó, các nốt đỏ nổi bọng nước và lở loét lan ra toàn thân. Khi hỏi gia đình nạn nhân có đi kiện cơ sở bán loại mỹ phẩm này hay không, người nhà cho biết: “Mình xui thì mình chịu chứ biết kiện ai vì không lưu lại số điện thoại, địa chỉ nhà cung cấp”.
Theo thống kê của khoa Khám bệnh Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, ngày nào khoa Khám bệnh cũng tiếp nhận khám và điều trị cho ít nhất 10 ca bị dị ứng như ngứa da mặt, da đầu, lở loét do mỹ phẩm gây ra.
Bác sĩ Phạm Thị Kim Anh - khoa Khám bệnh cho biết, những vụ tai biến thông thường do xài mỹ phẩm theo kiểu “thích thì mua” xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều bệnh nhân tới bệnh viện trong tình trạng vô cùng nguy hiểm như viêm da tiếp xúc, các triệu chứng phát ra rầm rộ, ồ ạt và sau đó bệnh nhân phải mang một khuôn mặt xấu xí.
Trong năm 2010, thanh tra Sở Y tế TP.HCM khi kiểm tra 18 cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm thì cả 18 cơ sở này đều vi phạm (tỷ lệ 100%). Thanh tra đã tiến hành xử phạt các cơ sở vi phạm trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng theo thanh tra Sở, con số thực tế nhiều hơn gấp nhiều lần vì lực lượng kiểm tra còn quá mỏng không kiểm soát xuể.
Tùng Lâm