Những buổi tập vừa qua của ĐT U23 Việt Nam diễn ra dưới thời tiết rất mát mẻ, nhưng không vì thế mà những cầu thủ cảm thấy dễ dở.
Với tham vọng nâng cao nền tảng thể lực cho những Công Phượng, Tuấn Anh, Thanh Tùng... trong thời gian gắn, HLV Miura đã áp dụng nhiều bài tập nặng. Thậm chí với cường độ rất cao. Điều này khiến không ít gương mặt cảm thấy mệt mỏi, quá sức.
Trả lời báo chí sau buổi tập sáng thứ 5 vừa qua, trung vệ có thể lực rất tốt là Bùi Tiến Dũng cũng phải thừa nhận các giáo án của nhà cầm quân người Nhật Bản là hơi nặng.
HLV Miura khiến các cầu thủ liên tiếp dính chấn thương? (Ảnh - Thanh Niên)
Thực tế, ngoài sự mệt mỏi, rất nhiều trường hợp còn dính chấn thương. Chỉ sau 6 ngày tập trung, số lượng "bệnh nhân" của toàn đội U23 Việt Nam vẫn tăng mà không có dấu hiệu giảm. Nếu bỏ qua ca chấn thương từ trước ngày lên tuyển và phải nghỉ tới 3-4 tháng của Xuân Trường, thì cho tới thời điểm này, đội đã có tổng cộng 6 ca chấn thương. Trong buổi tập thứ 2, Duy Mạnh bị đau và cần 2 ngày nghỉ ngơi. Tiếp đến ngày thứ 3 là trường hợp của Hồng Duy và Thanh Tùng. Rồi Phước Tịnh, Hoài Anh, Văn Toàn...
Đành rằng, việc nhồi thể lực là cần thiết nhưng tới mức quá căng thẳng như trong những buổi tập vừa qua thì khiến không ít người nghi ngại. Cần biết rằng, trong lần tập trung này đa phần đều là cầu thủ trẻ hay nói đúng hơn là lần đầu được triệu tập nên việc "mạnh tay" ngay từ đầu rõ ràng khó khiến họ nuốt trọn được giáo án. Chưa kể một số HAGL vốn đã quen với những bài tập nhẹ nhàng của thầy Graechen thì càng cảm thấy khó nhằn.
Trong bóng đá, không phải lúc nào nhồi nhét thể lực cũng mang lại những hiệu ứng tích cực. Hãy xem những diễn ra ở M.U. Ngay khi bắt tay vào công việc, HLV Louis van Gaal lập tức áp dụng những chế độ kỷ luật nghiêm ngặt, rồi giáo án tập luyện nâng cao thể lực có phần khác người... Hệ quả, “Quỷ đỏ” thi đấu phập phù và nhiều lần lập kỷ lục về số ca chấn thương. Đã có nhiều ý kiến khuyên HLV Miura nên tiết chế hơn các bài tập cho các cầu thủ dễ thở.
Thời gian còn lại trước khi bước vào thi đấu là 2 tháng – một khoảng thời gian không dài và rất khó để tạo ra sự đột biến về thể lực, đặc biệt là với những cầu thủ mới chỉ 20-21 tuổi, lại có xuất phát điểm là một quốc gia không có thế mạnh về thể trạng như Việt Nam. Việc huấn luyện gấp gáp và mạnh mẽ như vậy giống như một anh chàng chuẩn bị thi đại học điên cuồng luyện thi trong vòng vài tháng cuối mà không hề có một nền tảng kiến thức vững chắc trong nhiều năm học phổ thông trước đó. May mắn thì qua ải, còn không thì sẽ nhận quả đắng.
Công việc mà HLV Miura cần hướng tới bây giờ có lẽ là tập trung giúp các cầu thủ Việt Nam có tinh thần chiến đấu quả cảm như những Samurai nước Nhật, có sự phối hợp tinh tế, nhuần nhuyễn, tư duy chiến thuật tốt trong vài tháng ngắn ngủi. Hãy để công việc nhồi nhét thể lực lại cho những lò đào tạo trẻ, những nơi có thừa thời gian để làm việc đó. Người hâm mộ muốn HLV Miura mang tới một đội tuyển hiệu quả, như ở Asiad 17 hay AFF Cup 2014, chứ không phải những cầu thủ chạy, chạy và chạy rồi không biết làm sao để cụ thể hóa ưu thế.