Những chuyến tàu “ớn lạnh”
Tại hồ Tây, Hà Nội hiện có 7 chiếc tàu du lịch - nhà hàng. Thực chất trong sổ đăng kiểm là tàu vận tải khách, nhưng người ta vẫn quen gọi là “nhà nổi”, “nhà thuyền” vì hầu hết chúng cao 2-3 tầng. Những con tàu này cao nghều, chênh vênh, cửa kính đóng kín mít làm nhiều người liên tưởng đến... con tàu Dìn Ký.
Tàu Dìn Ký gặp nạn có phần nguyên do từ sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương. |
Anh Hồ Thường ở phường Xuân La, một người từng nhiều lần ăn uống tại đây cho biết: “Tàu nhổ neo chạy ra giữa hồ, mọi người tha hồ tung tăng khắp nơi trên tàu. Không nhân viên nào kiểm đếm có bao nhiêu khách, tên là gì. Cũng không ai hướng dẫn phải đảm bảo an toàn thế nào, chỉ phao cứu sinh ở đâu”.
Ông Lê Hồng Tiến - Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 1 (Cục Đăng kiểm) cho biết, môi trường nước ở hồ Tây tuy ổn định hơn ở sông, tuy nhiên khi các tàu này chạy ra giữa hồ với mực nước sâu sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) cũng có nhiều tàu, thuyền làm dịch vụ chở khách dạo chơi trên lòng hồ. Tình trạng tàu thuyền chở quá tải, không phát phao cứu sinh là điều dễ nhận thấy.
Trên sông Hàn (Đà Nẵng) hiện có khoảng 15 đơn vị tàu du lịch và ca-nô hoạt động. Dịp lễ, hội, số tàu hoạt động dịch vụ, du lịch - nhà hàng trên sông Hàn có thể lên đến trăm chiếc.
Thực tế, nhiều du khách khi xuống tàu không quan tâm các điều kiện an toàn. Đây là một lý do để cho các chủ tàu xem nhẹ các quy định về an toàn. Chủ tàu Vương Minh Tuấn cho hay, ông không rõ lắm các quy định về tiêu chuẩn tàu thuyền du lịch; thời hạn hoạt động; chứng chỉ nghiệp vụ của thuyền trưởng.
Ông Tuấn cũng cho biết, các phương tiện khai thác du lịch trên sông Hàn chưa có bến đậu cụ thể... Những “bất cập” trên cho thấy, cơ quan chức năng đang buông lỏng quản lý về tàu dịch vụ du lịch - nhà hàng.
Nâng hệ số an toàn của tàu du lịch
Trao đổi với Dân Việt chiều 23.5, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Trịnh Ngọc Giao cho biết, ông rất đau xót về hậu quả vụ chìm tàu Dìn Ký. Ngay sau vụ việc, ông cùng lãnh đạo các ngành liên quan và lãnh đạo Bộ GTVT vừa có cuộc họp để tìm giải pháp khắc phục bất cập trong quản lý loại phương tiện này.
Theo đó, Cục Đăng kiểm đã xin ý kiến của Bộ GTVT về việc trong tháng 6 này, Cục Đăng kiểm và Cục Đường thủy nội địa sẽ tổ chức kiểm tra tình hình để thống nhất các giải pháp cụ thể.
Một trong những giải pháp được đặt ra là sẽ nâng hệ số an toàn của tàu phục vụ du lịch - nhà hàng cao hơn tàu vận tải khách hiện nay (hiện hệ số an toàn của 2 loại tàu này giống nhau). Sau khi nâng hệ số an toàn, tàu nào cũ, hư hỏng nhẹ thì phải sửa chữa, đại tu; tàu nào quá cũ nát phải buộc chấm dứt hoạt động...
Một yêu cầu khác, theo ông Giao, là tăng cường công tác giám sát, quản lý của địa phương và các lực lượng chức năng. Việc sửa đổi, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành hiện nay là rất cấp bách.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Công - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT và Bộ VHTTDL đang tích cực xây dựng thông tư liên tịch để tăng cường quản lý đối với các tàu thuyền du lịch.
Sỹ Lực